Lực sĩ cử tạ người New Zealand Laurel Hubbard sẽ trở thành một trong những VĐV chuyển giới đạt chuẩn và tham gia thi đấu tại Olympic Tokyo 2021.
Hubbard năm nay 43 tuổi và đã từng thi đấu ở các nội dung cử tạ nam dưới cái tên Gavin. Đến năm 2013, Hubbard công khai chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ, đổi tên thành Laurel Hubbard.
Giờ đây, cô sẽ tham dự nội dung cử tạ nữ, hạng cân 87kg tại Olympic 2021 diễn ra ở Tokyo.
Đây là trường hợp gây ra khá nhiều tranh cãi khi Hubbard từng là một lực sĩ nam nhưng giờ đây cô sẽ tranh tài ở nội dung nữ.
Hãy cùng đi sâu hơn với một số câu hỏi được đặt ra về chuẩn Olympic mà Ủy ban Olympic thế giới (IOC) cấp cho Laurel, cho phép cô trở thành một trong những VĐV chuyển giới hiếm hoi tham dự một kỳ thế vận hội.
Luật có cho phép các VĐV nam chuyển giới, sau đó thi đấu ở nội dung nữ hay không?
Theo quy định của IOC, trường hợp VĐV nam chuyển giới và sau đó thi đấu ở nội dung nữ như Laurel Hubbard đã được chấp thuận, miễn là VĐV đủ điều kiện do IOC đưa ra.
Họ sẽ trải qua nhiều bài kiểm tra, quan trọng nhất trong số đó là kiểm tra mức độ hóc môn testosterone trong máu. Con số tiêu chuẩn của IOC là dưới mức 10 nanomole/lít trong vòng 12 tháng trước ngày thi đấu.
Song song đó, VĐV sẽ được theo dõi thường xuyên và nếu bất kỳ sai phạm nào được phát hiện, họ sẽ mất chuẩn thi đấu Olympic.
Laurel Hubbard có phải một lực sĩ cử tạ xuất sắc?
Trước khi công khai giới tính thật của mình, Hubbard từng giữ kỷ lục thuộc tuyến cử tạ trẻ của New Zealand ở hạng cân trên 105kg. Nhưng đây vẫn chưa phải thành tích tốt nhất của VĐV này.
Tại giải vô địch thế giới năm 2017 ở Mỹ, cô từng đoạt 2 huy chương bạc ở hạng cân trên 90kg. Sau đó, cô có 2 tấm huy chương vàng liên tiếp tại giải vô địch Khối Thịnh vượng chung Anh năm 2017 và 2019.
Thành tích ấn tượng của Laurel còn bao gồm hai lần vô địch giải đấu châu Đại Dương (Oceania Championships) và huy chương vàng giải vô địch cử tạ Thái Bình Dương (Pacific Games 2019).
Sự xuất hiện của Hubbard đã từng gây ra những tranh cãi nào trong quá khứ?
Trước giải vô địch vô địch Khối Thịnh vượng chung Anh năm 2018, chủ tịch liên đoàn cử tạ Úc là ông Michael Keelan đã lên tiếng phản đối sự có mặt của Laurel Hubbard.
Ông Keeland cho rằng: “Chúng ta đang thi đấu ở một bộ môn liên quan đến sức mạnh cơ bắp của con người. Nếu bạn đã từng là một VĐV nam và đã đạt được một mức tạ nhất định nào đó, rồi bỗng dưng chuyển giới thành VĐV nữ.
Về mặt thể chất, bạn sẽ có thể tái lập thành tích này vì đã từng nâng được chúng. Tôi nghĩ rằng như vậy sẽ tạo nên một cuộc chơi bất công cho các VĐV khác".
Ban tổ chức vẫn quyết định cho Hubbard thi đấu, tiếc rằng VĐV người New Zealand đã gặp chấn thương và phải bỏ cuộc giữa chừng. Cô đã phải phẫu thuật nhưng vẫn có thể tái xuất mạnh mẽ.
Tại Pacific Games 2019 diễn ra ở Samoa, Laurel Hubbard một lần nữa gây tranh cãi khi đánh bại VĐV nước chủ nhà Feagaiga Stowers và Luniana Sipaia, lên ngôi vô địch ở hạng cân 87kg.
Các VĐV đối thủ có từng phản đối Hubbard thi đấu ở nội dung nữ hay chưa?
Câu trả lời là có. Dù bộ môn cử tạ còn chưa diễn ra tại Olympic 2021, các đối thủ của Hubbard đã lên tiếng phản đối dữ dội. Một trong số này là VĐV Anna Van Bellinghen đến từ nước Bỉ.
“Đó sẽ là một trò đùa tệ hại nếu Hubbard được thi đấu ở nội dung nữ. Ai đã từng cử tạ ở đẳng cấp cao đều biết tầm quan trọng của sức mạnh khung xương trong bộ môn này", Anna Van Bellinghen chia sẻ hồi tháng trước.
“Thi đấu Olympic là cơ hội đổi đời cho không ít VĐV và nhiều người vẫn ngày đêm khổ cực tập luyện để có suất thi đấu.
Nếu họ cho phép Hubbard tham gia sẽ tạo nên một sự bất công lớn với các VĐV khác cũng như toàn bộ môn thể thao này”.
Có VĐV chuyển giới nào khác đang cố gắng đạt chuẩn Olympic hay không?
Hiện nay có 2 trường hợp nổi bật là VĐV điền kinh CeCe Telfer (Mỹ) và ngôi sao bóng chuyền Brazil Tiffany Abreu.
Telfer đã đứng thứ 28 tại vòng loại Olympic của đội tuyển điền kinh Mỹ. Vì chỉ có 27 suất, cô đã không thể tham gia thi đấu và chỉ được đưa vào danh sách dự bị đội tuyển.
Trong khi đó, Tifanny Abreu đã là trụ cột quan trọng của đội tuyển bóng chuyền nữ Brazil. Cô công khai chuyển giới vào năm 2012 sau khi có nhiều năm thi đấu tại các giải nhà nghề ở châu Âu.
Các điều luật về chuyển giới đã ảnh hưởng đến những VĐV ở các môn thể thao khác như thế nào?
Vào tháng 10/2020, rugby đã trở thành môn thể thao đầu tiên cấm các VĐV nam chuyển giới thành nữ tham gia thi đấu tại các giải đấu lớn.
Lý giải được đưa ra là các VĐV nữ sau khi đã thực hiện chuyển giới sẽ có nguy cơ dính chấn thương nghiêm trọng đến vùng hông, đùi và háng nếu nhận va chạm quá mạnh.
Với môn điền kinh, những quy định đã được đưa ra với VĐV nữ từ tháng 4 năm 2018, yêu cầu các VĐV chuyển giới phải có mức testosterone trong máu ở mức dưới 5 nanomole trên 1 lít (được kiểm tra trong vòng 6 tháng trước ngày thi đấu).
Đây là điều kiện tiên quyết để các VĐV có thể tham gia các cự ly nữ từ 400m đến 1600m. Quy định này đã ảnh hưởng đến 3 VĐV dẫn đầu nội dung 800 mét tại Olympic Rio năm 2016.
Hiện chỉ có một trong 3 VĐV này đã đạt chuẩn để thi đấu tại Tokyo 2021 là Francine Niyonsaba. Tuy nhiên, cô đã chuyển nội dung sang 5000 mét thay vì cự ly sở trường.
Trong hai cái tên còn lại có nhà vô địch Caster Semenya, người sở hữu 2 huy chương vàng nội dung 800 mét tại Olympic. Cô cũng chuyển sang cự ly 5000 mét nhưng đã không có thành tích đủ tốt để góp mặt tại Tokyo.
Kết
Dù tạo ra nhiều tranh cãi, Laurel Hubbard đã thỏa mãn điều kiện do IOC đưa ra và sẽ được công nhận là một VĐV nữ.
Rất nhiều Liên đoàn Cử tạ trên thế giới như Tây Ban Nha hay Úc vẫn phản đối trường hợp của Larrell, kêu gọi các chuyên gia nghiên cứu thêm về cấu trúc khung xương và yêu cầu IOC hạ chuẩn hóc môn testosterone với các VĐV chuyển giới.
Nhưng đó sẽ là câu chuyện của tương lai. Còn vào lúc này, Laurel Hubbard sẽ đại diện cho cử tạ New Zealand tìm kiếm tấm huy chương vàng tại Olympic 2021.