Olympic 2021 có thể được xem là một kỳ thế vận hội thành công với đoàn thể thao Nhật Bản khi họ đang đứng ở vị trí thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương, chỉ thua Trung Quốc và Mỹ. Nhưng xét về truyền thông và sức hút các khán giả, đặc biệt là với giới trẻ, có vẻ như Olympic Tokyo đã không thể làm tốt trên khía cạnh này.
Ở Thế vận hội năm nay BTC nước chủ nhà đã bổ sung thêm một số bộ môn để thu hút giới trẻ Nhật Bản như trượt ván, lướt sóng hay leo núi.
Thậm chí, môn trượt ván đường phố - công viên còn là môn thể thao đã giúp Nhật Bản có được 3 tấm HCV của Yuto Horigome, Momiji Nishiya và Sakura Yosozumi.
Dẫu vậy, những thiếu niên ở Nhật Bản lại tỏ ra khá hờ hững với các môn thể thao Olympic tại Tokyo, tiêu biểu như Emiya Ajisaka và người bạn cùng lớp của mình:
"Những người cháu quen, chẳng có ai nói chuyện về Olympic cả. Cháu thích xem Youtube, đi chơi với bạn bè hay chơi games hơn là xem các trận đấu Olympic. Xem World Cup vẫn thú vị hơn nhiều, phải không nhỉ?" - Ajisaka hỏi những người bạn của mình, và tất cả đều gật đầu tán đồng.
Những thiếu niên như Emiya Ajisaka và những người bạn của mình không phải hiếm, thậm chí ý kiến của những người bạn nhỏ này còn tương đồng với phần lớn giới trẻ tại Nhật Bản.
Theo khảo sát trước khi Olympic diễn ra, những người ở độ tuổi dưới 20 đều không mấy bận tâm đến Olympic, ít hơn hẳn so với những người ở độ tuổi 60 trở lên. Và trong thời gian gần đây, số lượng người quan tâm tiếp tục giảm đi đáng kể.
Ryo Kawasaki, một lập trình web 24 tuổi thẳng thắn bày tỏ: "Tôi không ghét Olympic, tôi không cảm thấy vấn đề gì khi xem thế vận hội trên TV do lệnh cấm đến sân, nhưng Olympic không phải là điều mà tôi hứng thú nhất."
Nếu có một ngày nghỉ, tôi sẽ làm một chuyến du lịch, hoặc đi suối nước nóng hay đi xem phim. Nếu có thêm thời gian, có thể tôi sẽ bỏ chút thời gian cho Olympic.".
Munehiko Harada, hiệu trưởng trường Đại học Sức khỏe và Khoa học Thể Thao Osaka cho biết, đại dịch coronavirus là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến cho giới trẻ thờ ơ với Olympic.
Thế vận hội đã bị lùi lại 1 năm, và việc tổ chức các trận đấu Olympic mà không có khán giả đễn xem trực tiếp càng làm giảm hứng thú của giới trẻ.
Kosei Fujiwara, một học sinh trung học là một trong số những người phản đối ý định tổ chức Olympic giữa đại dịch:
"Thật sai lầm khi để mời hàng nghìn người trên toàn thế giới đến Tokyo khi dịch bệnh đang căng thẳng. Nếu không có đại dịch, cháu sẽ ủng hộ Olympics."
Bên cạnh vấn đề đại dịch, giới trẻ cũng bị chi phối bởi nhiều hoạt động giải trí hay những mối quan tâm khác, và không bận tâm đến Olympic, tiêu biểu như Hiroto Inoue, một sinh viên đại học 21 tuổi:
"Em không quá chú ý đến Olympic. Hiện tại, em đang tập trung chuẩn bị cho một diễn đàn kinh tế về môi trường mà em sẽ tổ chức vào cuối tháng 8 tới."
Yoshifusa Ichii, giáo sư thể thao và xã hội của trường đại học Ritsumeikan thì lại đề cập đến sự khác biệt về suy nghĩ giữa 2 thế hệ:
"Olympic Tokyo là một giải đấu mang tính biểu tượng, gợi nhớ cho người Nhật về sự phục hồi và phát triển của đất nước Nhật Bản sau chiến tranh. Do đó, thế hệ đi trước sẽ thấy tự hào và cảm động hơn với Olympic thứ hai tại Tokyo sau 1964. Còn những người trẻ lại không tìm thấy mối liên kết với Olympic."
Dẫu vậy, vẫn có những thiếu niên đã được truyền cảm hứng từ Olympic, trong đó có Haru Fujirai, 11 tuổi. Cậu đã trở thành một người hâm mộ trượt ván sau khi chứng kiến màn trình diễn của Momiji Nishiya:
"Cháu đã nhìn thấy chị gái chỉ hơn cháu 2 tuổi, nhưng đã giành HCV Olympic. Cháu muốn luyện tập nhiều hơn nữa để một ngày nào đó thi đấu tại Olympic."