Xét về tiềm năng và sức vươn, cử tạ Việt Nam từng được quốc tế đánh giá không hề thua kém Indonesia ở một số hạng cân nhẹ, và hơn hẳn Philippines. Vấn đề lớn và nóng từ đây bài học đặt trong sự so sánh với chính hai nước trong cùng khu vực, họ đã chuẩn bị và thành công như thế nào, còn hiện trạng của cử tạ Việt Nam ra sao?
Indonesia: Chiến lược từ Tổng thống và “lò” Langpung
Cử tạ cùng với cầu lông và bắn cung là những môn được chính Tổng thống Joko Widodo xác định làm trọng điểm đầu tư cho mục tiêu tranh huy chương Olympic của thể thao Indonesia sau kỳ ASIAD 2018 thành công trên sân nhà. Ông Widodo cũng nhấn mạnh về “chiến lược đầu tư” bao gồm việc cải thiện cơ sở vật chất và các trại huấn luyện”.
Trong chiến dịch Tokyo 2020, cử tạ Indonesia được nhà nước cấp 10 tỉ rupiah (khoảng 16 tỉ đồng) cho việc tập luyện, cọ xát, đấu giải.
Việc triển khai như thế nào được giao hoàn toàn cho Hiệp hội Cử tạ và Thể hình Indonesia, với một trung tâm đào tạo đặt tại thủ đô Jakarta, nơi tập hợp những HLV giỏi nhất, cùng các điều kiện tốt nhất. Từ khoảng 10 năm trở lại đây, Indonesia đã tự làm, thay vì dựa cả vào các chuyên gia Trung Quốc như thời kỳ đầu.
HLV ĐTQG Alamsyah Wijaya cho biết: “Đội tuyển cử tạ Indonesia được xây dựng dựa vào việc tuyển chọn những tài năng trẻ nổi bật ở các học viện rải khắp đất nước. Họ được mời đến Jakarta, nơi có môi trường tập luyện tốt hơn để tránh chấn thương và có cơ hội đoạt huy chương.
Tuy nhiên, về gốc rễ, thành tích chủ yếu của Indonesia dựa vào lò đào tạo tại Lampung – nơi như ví von cứ 10 huy chương cử tạ Olympic của Indonesia thì tới 7 có “xuất phát điểm” mang tính quyết định từ đây. Cử tạ Indonesia quá may mắn vì có những người tâm huyết như cựu VĐTG Imron Rosadi mở lò đào tạo miễn phí tại Lampung, và nhận được sự hỗ trợ ít ỏi từ những người hàng xóm nghèo tin tưởng cử tạ sẽ giúp con cái họ thoát nghèo.
Vượt qua khó khăn về kinh phí, điều kiện, một vài HLV như Rosadi với khả năng tuyển chọn, đào tạo ban đầu đặc biệt của mình, đã luôn cung cấp cho ĐTQG và ĐT trẻ mỗi năm 2-3 tài năng trẻ, trong đó có một vài trường hợp như Rahmat Erwin Abbullah lực sĩ 21 tuổi vừa bất ngờ đoạt HCĐ trên đất Nhật Bản.
Đáng lưu ý, hầu hết các đô cử thành danh của đất nước Vạn Đảo đều là con nhà “nòi”. Thậm chí một vài người như chính Rahmat có cả bố hay mẹ đều từng là VĐV cử tạ giỏi. Anh đang được huấn luyện trực tiếp bởi chính bố mình, một lực sĩ từng đoạt HCB ASIAD 2002 và dự Olympic 2004.
Nhìn lại cả hành trình Olympic từ Syney 2000 luôn thành công, với tổng số 15 huy chương các loại, ông Sukandi - Trưởng phòng phát triển và thành tích của Hiệp hội Cử tạ và Thể hình Quốc gia (PABBSI), bí quyết của Indonesia là đã tạo dựng được một truyền thống với cách làm có hệ thống và bản sắc riêng, với một đội ngũ HLV giỏi từ tuyến ban đầu tới nâng cao, luôn tuyển chọn và đào tạo được những lực sĩ hội đủ các yếu tố cần thiết ở các hạng cân phù hợp.
Ông Sukanti cũng nhấn mạnh tới cách làm linh hoạt, đa dạng, ví như việc cho phép VĐV thích tập ở đâu thì tập ở đó, chứ không nhất thiết phải tập trung lên ĐTQG. Giáo án tập luyện của từng người do HLV riêng của họ chịu trách nhiệm soạn thảo và áp dụng.
Còn HLV Wijaya bổ sung “Chúng tôi luôn có cách riêng để đảm bảo dinh dưỡng, hồi phục và tâm lý cho VĐV, cho dù điều kiện cũng nhiều khó khăn”. Mức tiền ăn của các tuyển thủ hàng đầu của Indonesia hiện tại khoảng 20-25 USD/ngày, và họ có mức thu nhập “cứng” cao nhất 1.000 USD/tháng
Không chỉ giới chuyên môn Indonesia tự hào mà cả làng cử tạ thế giới đều thừa nhận các lực sĩ hàng đầu của họ đều có cơ địa vô cùng phù hợp, ý chí cực mạnh và khả năng vượt khó phi phàm. Như tiết lộ của lực sĩ Rahmat thì anh đã trải qua một năm rưỡi sống trong khu huấn luyện vì đại dịch COVID-19.
“Tôi ăn ngủ và tập luyện ở cùng một địa điểm. Tôi nỗ lực hàng ngày cho niềm tin có huy chương ngày hôm nay”. Tất nhiên, ngoài tố chất và sức vươn hiếm có, lực sĩ sinh năm 2000 này chỉ có thể thành công nhờ có HLV giỏi, các phương pháp đặc biệt để có thể giải được bài toán khó “tại chỗ” ấy.
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Indonesia Zainudin Amali khẳng định điều quyết định đầu tiên là “chiến lược và mục tiêu dài hạn”. Cùng với cầu lông, cử tạ từ lâu đã được xác định là môn gánh vác nhiệm vụ tranh huy chương Olympic, và từ nhiều năm nay, Indonesia đã chuyển hướng coi Olympic là đích nhắm chính.
Ông cũng tiết lộ, sau thành công tại Olympic Tokyo, Chính phủ đang xem xét để tăng mức đầu tư cho cử tạ lên mức cho tương xứng với cầu lông (đang gấp tới 5 lần cử tạ với 50 tỉ rupiah).
Với 5 lực sĩ, cử tạ Indonesia đã đoạt 3 huy chương Olympic 2020, và chắc chắn họ đang quyết lần đầu có Vàng ở Paris 2024.
Philippines: 14 năm dốc toàn tâm lực "nuôi” chỉ một chiến binh Vàng
Hidilyn Diaz đem về huy chương Olympic đầu tiên cho cử tạ Phillipines khi về nhì ở Rio 2016, đồng thời chấm dứt 20 năm “khát” huy chương Olympic của nước này. Đến Olympic Tokyo 2020, cô xuất sắc giành HCV lich sử cho thể thao Philippines.
Xuất thân từ Không quân Philippines, Hidilyn Diaz đã dự 4 kỳ Olympic. Cô khởi đầu không thành công ở Olympic 2008 (áp chót hạng 58kg) và tiếp tục trắng tay tại London 2012 (không hoàn thành cuộc thi 58kg).
Như nhìn nhận thẳng thắn của chính người hùng 30 tuổi thì hiện tại cử tạ không phổ biến ở Philippines, "chỉ có cử tạ thi đấu đỉnh cao. Philippines không có hệ thống huấn luyện cử tạ. Mạnh ai nấy tập. Thỉnh thoảng các nhóm cử tạ tập chung với nhau, qua đó học hỏi mà nghĩ ra những ý tưởng mới”. Về mặt bằng chung trình độ cử tạ nước này kém xa Việt Nam, chứ chưa nói Indonesia hay Thái Lan. Cho dù có các Học viện Thể thao với mức kinh phí 1,2 tỉ peso (khoảng 522 tỉ đồng) song lâu nay Philippines chỉ nổi ở boxing, thể dục dụng cụ.
Thế nhưng cử tạ Philippines đã làm nên kỳ tích ở hai kỳ Olympic liên tiếp, đặc biệt tấm HCV tại Tokyo 2020 nhờ một nữ lực sĩ có tài năng, khát vọng lớn, sự bền bỉ phi thường, được đầu tư dài hạn, bài bản, chuyên biệt trong mười mấy năm. Chính xác hơn, trong thời gian dài ấy, Philippines đã chỉ tập trung cho niềm hi vọng kỳ lạ này.
Năm 17 tuổi, Diaz lần đầu dự Olympic bằng vé mời. Rồi cô trải qua hai kỳ Đại hội liên tiếp thảm bại. Điều đáng nói, nữ đô cử nhỏ bé này không hề nản, trái lại càng quyết tâm và nỗ lực. Những người làm cử tạ Philippines cũng như vậy, vì họ nhìn thấy và đặt niềm tin tuyệt đối vào niềm hi vọng duy nhất đó.
Một bước ngoặt mang tính quyết định đối với sự nghiệp của Diaz chính là việc cô chuyển xuống hạng 53 kg thay vì hạng 58kg, tiền đề cho mọi thành công sau này. Cô cũng được ưu tiên những chuyến tập huấn theo đợt tại nhiều “lò” của cường quốc cử tạ Trung Quốc, đồng thời tham dự tối đa các giải đấu, dù có thể thua liên tiếp.
Chủ tịch Hiệp hội Cử tạ Phiippines Monico Puentevella cho rằng “thi đấu quốc tế là chìa khóa thành công, là cách duy nhất để thành công, và không có vấn đề gì nếu thua ngay từ đầu. Càng trẻ lại càng tốt”. Tất nhiên, những giải pháp đó chỉ phát huy hiệu quả khi kết đọng được ở một lực sĩ có quyết tâm và sức vươn siêu việt, như thán phục của ông thầy “ruột” HLV Alfonsito Aldanete.
Tại Olympic 2016, Diaz đã giành HCB tưởng như bất ngờ nhưng vô cùng thuyết phục. Chiến tích gây chấn động ấy đã mang tới một cú hích cho cử tạ Philippines, đồng thời giúp cô tiếp tục được đầu tư chuyên biệt cao độ.
Hai tháng trước ASIAD 2018, chuyên gia Gao Kaiwen- cựu HLV trưởng Tuyển nữ Quân đội Trung Quốc được mời dẫn dắt Diaz, kèm theo đó là 1 chuyên gia cải thiện sức mạnh và thể trạng vốn là lực sĩ cử tạ Guam có bằng cử nhân Khoa học TDTT, 1 chuyên gia dinh dưỡng từng phục vụ cho nhiều ngôi sao thể thao và 1 chuyên gia tâm lý thể thao.
Hidilyn Diaz đi đâu đều có 4 người này theo cùng. HLV Trung Quốc Gao Kaiwen của Hidilyn Diaz không chỉ hướng dẫn tập luyện, mà còn làm đầu bếp, đều đặn ngày 3 bữa, thực đơn không thiếu thịt bò, thịt cừu, hải sản... Theo bật mí từ Hidilyn Diaz, cũng hưởng lợi từ việc HLV Trung Quốc Gao Kaowen giới thiệu những bài tập mới với các mức tạ nặng hơn.
Những giải pháp với chi phí ước tính không dưới 100.000 USD/năm dành riêng cho Diaz đã cho ra thành quả mĩ mãn, khi lực sĩ sinh năm 1991 đoạt HCV ASIAD 2018 và mới đây là tấm HCV Olympic lịch sử. Nên nhớ rằng trong giai đoạn chuẩn bị cho Olympic, Diaz đã bị mắc kẹt trên đất Malaysia- nơi cô sang tập huấn, đến tận tháng 7/2021. Cô phải dùng cây tre và thùng nước làm dụng cụ tập luyện, rồi thậm chí phải tập ở bãi đậu xe ngột ngạt. Cô cũng giải tỏa ức chế bằng cách nhờ các chuyên gia tâm lý và vật lý trị liệu.
Có thể còn rất lâu nữa cử tạ Phiippines mới sản sinh ra được một nhà vô địch xuất chúng như Diaz. Tuy nhiên, như lời ông Chủ tịch Ủy ban Thể thao Philippines (PSC) Butch Ramirez, từ đó nước này đã xác định rõ chiến lược và cách làm phù hợp, hiệu quả cho mình, với sự quan tâm đầu tư tăng cao từ nhiều nguồn. Ông cũng tin rằng, số lượng lực sĩ giỏi, nền tảng trình độ sẽ thay đổi rất nhanh, vững.
Một Học viện Cử tạ đã được hình thành tại tại thành phố Zamboanga quê hương của Hidilyn Diaz. Một chương trình tuyển chọn đào tạo VĐV, do HLV Alfonsito Aldanete người đưa Diaz tới tấm HCB Oympic Rio cùng 12 cộng sự, đang đảm trách việc rải đi các vùng để tìm kiếm các tài năng trẻ. Nếu đạt tiêu chuẩn, họ sẽ được sớm đưa ra nước ngoài tập huấn dài hạn, từ độ tuổi 13-14-15.
Việt Nam: Ngoài tiềm năng, cái gì cũng… thiếu
So với hai nước trong cùng khu vực vừa chiến thắng tại Olympic 2020, có thể thấy ngay cử tạ Việt Nam không có truyền thống hay chiến lược như Indonesia mà cũng chẳng có lực sĩ nào được đầu tư chuyên biệt như Hidilyn Diaz.
Trên thực tế, cử tạ được ngành thể thao quy hoạch nằm trong 10 môn “nhóm 1” với mức kinh phí luôn thấp nhất trong đó, mà cao nhất cũng chỉ 100.000 USD/năm, tương đương 2,3 tỉ đồng cho việc tập huấn thi đấu quốc tế của cả hệ thống từ ĐTQG đến các tuyến trẻ. Đây cũng là môn nhà nước đang phải bao cấp hoàn toàn từ chuyên môn tới kinh phí, chứ chưa có dấu ấn gì của Liên đoàn Cử tạ- Thể hình Việt Nam, và cũng không có tài trợ ở bất cứ cấp độ nào.
Liên đoàn Cử tạ Thể hình Việt Nam mới được thành lập từ 2015, cả nhiệm kỳ đầu mới có tổng nguồn thu 11 tỉ đồng (từ lệ phí và tài trợ) mà 90% đến từ môn thể hình theo từng sự kiện. Họ chưa được giao và cũng coi như không có trách nhiệm gì với các hoạt động tuyển chọn, đào tạo, tập huấn VĐV.
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao và Trưởng đoàn TTVN), chính vì thiếu chiến lược, mục tiêu, giải pháp và nguồn lực cho môt môn “tranh huy chương Olympic” nên cử tạ Việt Nam nhìn đâu cũng thấy “yếu, thiếu, bó” từ ngành thể thao cho tới địa phương, từ ĐTQG cho tới tuyến năng khiếu ban đầu. Trong khi đó, tiềm năng chung cùng khả năng vươn cao ở một vào hạng nhỏ không thua kém gì Indonesia, và kể từ Olympic 2008 chưa có… môn thứ hai.
Nguồn kinh phí hạn hẹp nhà nước bao cấp như thế chỉ đủ cho ĐTQG (khoảng 20 thành viên) và phần nào đó là Trẻ QG (10 thành viên) mà cũng tập trung để tham dự một vài giải quốc tế chính thức với số lượng VĐV tinh giản tối đa. Tính ra, một lực sĩ hàng đầu như Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên cũng chỉ được dự tranh từ 3-4 giải/năm còn các VĐV trẻ giàu tiềm năng nhất là 2-3 giải.
Thật khó tin, niềm hi vọng huy chương Hoàng Thị Duyên trước khi dự tranh Olympic 2020 chưa từng biết đến một chuyến tập huấn nước ngoài hay được làm việc với một chuyên gia ngoại nào. Số giải quốc tế đỉnh cao mà Duyên được thi đấu cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì nhiều lý do, chung quy cũng là kinh phí, nên từ 2010, ĐTQG đã không còn có chuyên gia ngoại chất lượng dẫn dắt.
Qua 26 năm gây dựng với hàng loạt thành tích tầm thế giới, cử tạ Việt Nam đến giờ vẫn có điều kiện tập luyện tồi tàn hệt như hồi khởi đầu. Cả nước chỉ có đúng 3 phòng tập chuyên dụng ở ĐTQG (Nhổn, Hà Nội) cùng 2 trung tâm Hà Nội và TP.HCM.
Ngay cả 3 phòng tập hiếm hoi này cũng chỉ mới đáp ứng ở mức tối thiểu, chỉ ngang phòng tập phong trào của nhiều nước. Đến giờ, nhiều nơi vẫn đang đào tạo VĐV tại những phòng tập trên nền đất hay nền xi măng được lót đệm cao su, rồi thậm chí một vài nơi là gầm SVĐ, sân ngoài trời hay gara ô tô…
Trên một nền tảng chung “tệ” như thế, chuyện phát hiện và đào tạo VĐV lâu nay diễn ra hoàn toàn tự phát, manh mún, đúng nghĩa được chăng hay chớ. Cả nước hiện có 30 đơn vị đang “làm” cử tạ nhưng số VĐV trẻ chưa bao giờ có nổi 150. Thậm chí, một số địa phương như Cần Thơ, Kiên Giang chỉ có đúng 4 VĐV, hay Vĩnh Phúc 5 VĐV. Giải trẻ toàn quốc, hạng cân đông nhất cũng chỉ có 5 VĐV, còn hầu hết chỉ 3-4 người.
Do có quá ít VĐV nên các nơi đều gần như chỉ duy trì hai tuyển trẻ và chính, thay vì 3-4 tuyến, trong đó có một tuyến năng khiếu riêng. Ngoại trừ Hà Nội có chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, quy trình tuyển chọn, đào luyện VĐV đều phụ thuộc hoàn toàn vào các HLV nội, phần nhiều tay ngang từ điền kinh chuyển sang, dựa cả vào kinh nghiệm, chứ không theo một chương trình quốc gia hay quốc tế nào. Trong cả quy trình ấy, cũng không có bất cứ giải pháp khoa học- công nghệ- hay dinh dưỡng chuyên biệt nào được áp dụng.
Điều đó có thể thấy rõ qua trường hợp của chính nhà Á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn về vùng đất Quế Võ (Bắc Ninh) quê anh, nơi sản sinh ra 4 nhà vô địch thế giới. Hoàng Anh Tuấn kể rằng: “Mấy thầy thấy vùng đó xuất hiện một Hoàng Anh Tuấn rồi sau đó, mấy HLV ở Bắc Ninh rồi cả Hà Nội về xem vùng đó có ai như tôi nữa không. Bởi ở cử tạ, mọi người thường xem ở khu vực sản sinh ra một VĐV như thế thì con người ở đó như thế nào, ý chí ra sao.
Như năm 2003, mấy anh em ngồi với nhau thì các HLV bảo, về xem quê thằng Tuấn còn có ai không, kiểu hình dáng như thế ở Quế Võ cùng các khu vực lân cận. Các thầy tuyển chọn theo cách cảm tính, kinh nghiệm vậy rồi sau đó lọc lại, huấn luyện theo đường lối sẵn có. Hiện tại, có một số em đi theo người thầy đầu tiên như tôi và tập đúng những gì mà tôi được học”.
Hay lực sĩ được nhận tấm HCĐ Olympic 2012 sau 9 năm Trần Lê Quốc Toàn thì thừa nhận mình được giới chuyên môn khen có sự phù hợp đặc biệt với cử tạ, nhất là hạng 56kg song bản thân thực sự cũng “không biết cụ thể như thế nào”. Đơn giản bởi từ khi gia nhập đến lúc giải nghệ anh chưa từng được kiểm tra, dự báo gì về sinh trắc, cơ địa, sợi cơ…
Hai tuyển thủ vừa trở về từ Olympic 2020 Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên cũng giống hệt như đàn anh. Họ còn giống đàn anh ở một điểm nữa là không hề có chế độ dinh dưỡng đặc thù và thiếu thuốc, thực phẩm thuốc chuyên dụng.
Chính xác hơn, họ quanh năm ăn uống tại nhà ăn Trung tâm HLTTQG, dùng các loại thuốc vitamin sản xuất trong nước theo mức chung (hiện tại là 290 nghìn đồng/người/ngày), giống như cả nghìn tuyển thủ của mấy chục môn khác. Ở cấp địa phương, các VĐV cử tạ còn phải vượt khó chịu khổ hơn nhiều với mức dinh dưỡng chỉ 120- 150 nghìn đồng/người/ngày, và dĩ nhiên thuốc bổ loại thường cũng không có.
Ông Minh, người gắn bó với cử tạ ngay từ những ngày đầu cũng bày tỏ sự nuối tiếc khi đề xuất về việc hình thành một “lò” hay mô hình trung tâm huấn luyện đào tạo tầm quốc gia sau tấm HCB lịch sử của Hoàng Anh Tuấn, như nhiều nước áp dụng với môn trọng điểm, đã không được xem xét thực hiện.
Còn ông Đỗ Đình Kháng thẳng thắn nhìn nhận, cử tạ Việt Nam đã duy trì một cách làm rất cũ và bị động trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt, và so với Philippines và nhất là Indonesia, kém hẳn về sự linh hoạt, khả năng vượt khó cùng một số “độc chiêu”.