Kể từ lần đầu tiên vào năm 1964, các quốc gia châu Á luôn có "duyên" trong việc tổ chức Olympic.
Châu Á sẽ là điểm đến của 3 kỳ Olympic sắp tới: Pyeongchang 2018, Tokyo 2020 và Bắc Kinh 2022. Nếu sự thành công của Hàn Quốc là thành quả sau 3 lần chạy đua không thành công trước đó, thì Nhật Bản đã tạo nên một bước tiến ngoạn mục chỉ 2 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima. Trong khi đó, Trung Quốc đã đánh bật những ứng cử viên nặng ký như Đức, Ba Lan và Na Uy trên con đường giành quyền đăng cai Olympic mùa đông 2022.
Trước bối cảnh các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ và thậm chí Brazil đang có dấu hiệu “né” Olympic sau những hậu quả về kinh tế, môi trường mà họ phải gánh chịu, rất nhiều quốc gia châu Á lại hào hứng “chìa tay xin việc”. Vậy, nguyên nhân do đâu?
Xuất hiện lần đầu tiên tại châu Á cách đây khoảng 50 năm, Olympic luôn mang một “chất” rất riêng. Dù trong thời gian chiến tranh, Nhật Bản vẫn cho thấy sự thân thiện cũng như đẳng cấp hàng đầu về công nghệ thông qua Tokyo 1964. Trong khi đó, Seoul 1988 và Bắc Kinh 2008 đã cho thấy vị thế của các quốc gia siêu cường về kinh tế như Hàn Quốc và Trung Quốc trên bản đồ thế giới.
“Đó là một sự khác biệt thú vị giữa châu Á và các vùng lãnh thổ khác”, ông Victor Cha, cố vấn cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, cho biết. “Nếu như Olympic là chuẩn mực cho sự phát triển của châu Á, thì tại phương Tây, chúng đang dần trở thành một hiện tượng 'hậu hiện đại', mang tới sức sống mới cho các thành phố lớn”.
Điều này càng được khẳng định khi những ứng cử viên cho Olympic 2024 như Los Angeles, Paris và Rome đều nhấn mạnh tới việc chi phí thấp, ít tác động đến môi trường trong chiến dịch chạy đua của mình. Ví dụ, Los Angeles đang có kế hoạch tổ chức lễ khai mạc và bế mạc Olympic 2024 tại SVĐ Los Angeles Coliseum, nơi từng diễn ra lễ khai mạc Olympic 1932 và 1984. Bên cạnh đó, thành phố này còn muốn sử dụng SVĐ của L.A. Galaxy làm nơi tổ chức các môn thi đấu và khuôn viên Đại học California để xây dựng làng VĐV Olympic.
Trong khi các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ có xu hướng sử dụng những cơ sở vật chất có sẵn, các nước châu Á sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư vào những công trình mới, từ hệ thống đường sắt cao tốc tại Pyeongchang và Bắc Kinh cho đến SVĐ trung tâm tại Tokyo bất chấp việc Nhật Bản vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sau thảm họa Fukushima.
Các nước châu Á coi trọng Thế vận hội thật ra còn do việc trở thành chủ nhà Oympic luôn gắn liền với niềm tự hào dân tộc, cùng với đó là sự kiểm soát chặt chẽ về môi trường và kinh tế. Vì vậy, không sớm thì muộn, các cường quốc tại châu Á sẽ đều có cơ hội trở thành chủ nhà của Olympic phần nào bởi thực tế cho thấy, châu lục này luôn chứng kiến sự thành công ngày hội thể thao lớn nhất thế giới.
Do đó, Trung Quốc và Hàn Quốc đang rất hào hứng khi được chọn làm điểm đến của kỳ Olympic mùa đông 2018 và 2022. Tuy nhiên, theo hai nhà kinh tế học Robert A. Baade và Victor Matheson, Olympic mùa đông chỉ mang tới sự bùng nổ về du lịch trong thời gian ngắn mà thôi.
Sau khi Olympic mùa đông năm 1994 khép lại, 40% khách sạn tại Lillehammer (Na Uy) bị phá sản. Trong khi đó, sau khi bỏ ra 50 tỷ USD cho Sochi 2014, hy vọng của Nga trong việc biến Sochi trở thành thiên đường du lịch cũng tan thành mây khói.
Salt Lake là một trong những ngoại lệ khi thành phố này trở thành thiên đường trượt tuyết khi tổ chức thành công Olympic 2002. Về mặt lý thuyết, với việc được bao bọc bởi các ngọn núi tuyết tại tỉnh Gangwon, thành phố Pyeongchang có thể trở thành một ẩn số cho sự phát triển. Tuy nhiên, theo ông Robert A. Baade và Victor Matheson, chỉ có 15% những người trượt tuyết tìm đến châu Á – Thái Bình Dương mỗi năm. Do đó, khả năng tạo ra sự bùng nổ về mặt kinh tế của Pyeongchang sẽ không được duy trì một cách bền vững.
Thay đổi khí hậu cũng mang tới cho các quốc gia châu Á những thách thức trong việc tổ chức Olympic mùa đông. Nhật Bản đang chứng kiến sự sụt giảm trong ngành công nghiệp trượt tuyết do tuổi thọ dân số ngày càng tăng, lượng tuyết rơi thấp hơn cũng như nhiệt độ trung bình cao hơn.
Lượng tuyết rơi thấp cũng chính là vấn đề mà Bắc Kinh đang phải đối mặt. Hai khu vực thi đấu là Trương Gia Khẩu và Diên Khánh sẽ dựa chủ yếu vào việc sử dụng tuyết nhân tạo. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi Bắc Kinh chính thức trở thành thành phố đăng cai Olympic 2022, mục tiêu về một kỳ Olympic xanh hơn và sạch hơn đã được đưa ra trong chương trình nghị sự năm 2020 của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).