Cử tạ đã đóng góp 2 tấm huy chương từ Olympic 2008 đến 2012 và giờ một lần nữa gánh trọng trách huy chương cho đoàn Thể thao Việt Nam ở thế vận hội Paris 2024 đang đến rất gần. Đáng nói, năm nay chỉ có duy nhất đô cử Trịnh Văn Vinh giành suất chính thức thi đấu hạng -61 kg nam. Tại Olympic Tokyo cách đây 3 năm cả Thạch Kim Tuấn lẫn Hoàng Thị Duyên đều không thể chạm đến tấm huy chương nên có thể hiểu áp lực với lực sỹ quê Bắc Ninh, Trịnh Văn Vinh hiện lớn nhường nào.
Thực tế, cũng phải đợi tới giải đấu ở Phuket, Thái Lan hồi tháng 3 vừa qua Trịnh Văn Vinh mới giành tấm vé Olympic trong nín thở hồi hộp. Với tổng cử 294 kg (cử giật 131kg, cử đẩy 163kg), Văn Vinh cải thiện phần nào thông số so với ở ASIAD 19 tại Hàng Châu năm ngoái (292 kg), giải đấu lớn đầu tiên của đô cử này sau án 4 năm cấm thi đấu vì doping.
Đáng chú ý, thông số 294 kg tổng cử bằng với chính thành tích của VĐV đoạt HCĐ Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh giờ khốc liệt và khó khăn hơn nhiều. Chẳng nói đâu xa, ngay cả VĐV giành HCĐ ở... SEA Games năm ngoái tại Campuchia cũng đã nâng tới 296 kg.
Chưa hết, BXH top 10 VĐV có thành tích tốt nhất của Liên đoàn cử tạ thế giới sau tháng 3 vừa qua được tính làm căn cứ để trao suất dự Olympic thì Trịnh Văn Vinh cũng chỉ xếp thứ 9/10. Tất cả dữ liệu trên đủ thấy thách thức cho lực sỹ 29 tuổi của Việt Nam thực sự khó khăn kinh khủng.
"Tôi biết và hiểu các đối thủ sắp tới, vì tôi đã từng đối đầu nhiều người trong số họ, hoặc đã nắm rõ các thông tin trình độ. Tất cả đều rất mạnh, bởi đây là sân chơi Olympic. Nhưng tôi hoàn toàn tự tin vào bản thân. Chấn thương ở gối và lưng cơ bản đã bình phục và tôi đã hoàn toàn sẵn sàng", Trịnh Văn Vinh chia sẻ tại lễ xuất quân.
Đúng là khi đã đến sàn đấu Olympic thì mọi thông tin chỉ số của các đô cử gần như đã "lộ bài". Ở hạng -61 kg nam, đô cử Li Fabin của Trung Quốc với mức tổng cử IWF ghi nhận trong năm 2024 là 312 kg rõ ràng ở một đẳng cấp khác hẳn. Trong khi lực sỹ Park Myong Jin của Triều Tiên không tham dự thế vận hội lần này, gần như chắc chắn không ai ngăn cản được Li Fabin bảo vệ thành công tấm HCV từng giành được Tokyo tại Paris. Cơ hội cạnh tranh huy chương có lẽ sẽ chỉ "nóng" sau lưng Li Fabin, khi có tới 5-6 lực sỹ đang có mức tổng cử không quá chênh lệch nhau.
"Nhìn vào thành tích của đối thủ, sẽ phải đẩy mức tạ từ 300-305 kg mới có thể nghĩ đến việc tranh chấp huy chương. Nhiệm vụ này rất khó khăn. Tôi sẽ nỗ lực để đạt thành tích cao nhất của bản thân. Còn rất khó nói trước điều gì khi chưa lên sàn thi đấu", Trịnh Văn Vinh thừa nhận.
Xét về mặt cơ học đúng là cần phải chạm đến ngưỡng 300 kg và thậm chí vượt mốc đó mới có cơ hội nghĩ đến huy chương Olympic tới đây. Hiện xếp trên Văn Vinh có đô cử người Mỹ Hampton Morris, hay đô cử Philippines, John Ceniza đều đã đạt tổng cử từ ngưỡng 300kg trở lên trong năm 2024. Ngoài ra, nếu nhìn vào thành tích chung của các đô cử hạng 61 kg tranh tài tại Paris tới đây còn phải nhắc đến tượng đài Eko Yuli (Indonesia) cũng đã đẩy vượt mốc 300 kg. Ngay cả đô cử Thái Lan Silachai Theerapong cũng đã đạt 299 kg tổng cử.
Với Trịnh Văn Vinh, anh từng lập kỷ lục và giành HCV SEA Games 2017 với mức tạ khó tin 307 kg và đến kỳ ASIAD 2018 Văn Vinh có HCB với thông số 299 kg khi thi đấu ở hạng 62 kg.
Có thể coi đó là đỉnh cao thành tích của lực sỹ Việt Nam và nếu không nhận án phạt cấm thi đấu 4 năm vì doping rất có thể Trịnh Văn Vinh vẫn duy trì phong độ ổn định ở nhiều giải đấu lớn trong khoảng thời gian đó. Dẫu sao, quá khứ cũng đã khép lại và giờ vẫn có thể kỳ vọng vào sự tỏa sáng bất ngờ từ đô cử cá tính này, bởi đúng là khi chưa lên sàn đấu thì mọi khả năng, cơ hội đều có thể xảy ra.
Top 10 hạng cân 61kg nam theo BXH của IWF làm căn cứ trao suất dự Olympic 2024
Li Fabin (Trung Quốc, 314kg)
Park Myong Jin (Triều Tiên, 307kg)
Eko Yuli (Indonesia, 303kg)
Morris Hampton (Mỹ, 303kg)
Ceniza John Febuar (Philippines, 300kg)
Silachai Theerapong (Thái Lan, 299kg)
Mishvelidze Shota (Georgia, 298kg)
Mohamad Aniq (Malaysia, 296kg)
Trịnh Văn Vinh (Việt Nam, 294kg)
Dimov Ivan (Bulgaria, 293kg)