Top 5 nước Đông Nam Á thành công đã đầu tư cho các môn thế mạnh giành huy chương Olympic như thế nào?

Minh Châu
thứ tư 14-8-2024 10:53:02 +07:00 0 bình luận
Paris 2024 vừa chứng kiến một trong những Thế vận hội thành công nhất của Đông Nam Á với những huy chương thuộc về Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore.

Nếu xét tới nguyên nhân tạo nên thành công của Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore tại Olympic Paris 2024, không khó nhận ra bí quyết của họ chính là chiến lược của thể thao Việt Nam nhằm cải thiện thành tích ở SEA Games! Đó là kế hoạch "đi tắt, đón đầu" mà ông Hoàng Vĩnh Giang từng triển khai, khi tập trung đầu tư vào các môn mũi nhọn như wushu, điền kinh, taekwondo, judo, vật, boxing, đấu kiếm... để giành thành tích cao ở SEA Games.

Thành công của các nước Đông Nam Á tại Thế vận hội mùa hè năm nay chính là những mảnh rời rạc mà khi ghép lại thì tái hiện hành trình đột phá của thể thao Việt Nam từ SEA Games 2003. Ông Tan Wearn Haw - trưởng đoàn thể thao Singapore xác nhận: "Khi có sự đổi mới trong thể thao, trong các sự kiện và trong hình thức thi đấu… chúng ta cần nắm bắt cơ hội để nhảy vào, vì chúng ta vẫn còn trẻ so với nhiều quốc gia đã phát triển thể thao từ lâu. Chúng ta cần phải thông minh để tập trung vào các lĩnh vực thích hợp nhất định và trong các lĩnh vực thích hợp đó, chúng ta cần phải đi trước xu hướng”.

Carlos Yulo có thể xem như quà của thể thao Nhật tặng Philippines.

Chiếc huy chương đồng mà Maximilian Maeder đem về cho Singapore ở nội dung đua thuyền buồm phản ánh rõ kế hoạch này, khi đảo quốc sư tử đầu tư cho bộ môn phù hợp với hoàn cảnh đất nước nên gặt hái thành công ngay cả khi trong nước mới có khoảng 150 người chơi. Ngay khi biết bộ môn này sắp tổ chức tại Paris 2024, Singapore đã nỗ lực truyền bá nhằm thu hút tài năng trẻ.

Hoặc như Indonesia chọn phát triển môn sport climbing (tạm dịch: leo tường) từ rất lâu, thậm chí từng tổ chức tranh tài ở SEA Games 2011, nơi Việt Nam cũng có huy chương nhưng không hưởng ứng tích cực. Các phòng tập leo núi ở xứ vạn đảo mọc lên như nấm, kèm theo rất nhiều giải đấu để tuyển chọn vận động viên. Theo toan tính của Indonesia, họ lẽ ra đã có huy chương leo tường tại Olympic Tokyo 2020, nếu lúc đó ban tổ chức tính thành tích từng nội dung như Paris 2024, thay vì tính tổng thành tích các nội dung. Trong giai đoạn "chờ thời" đó, sport climbing đã đem về cho Indonesia rất nhiều huy chương ở SEA Games, Asian Games và vô địch thế giới, thậm chí cả kỷ lục thế giới.

Cho đến nay, các vận động viên Đông Nam Á đã giành huy chương Olympic ở 14 môn thể thao, hầu hết trong số đó có các hạng cân khác nhau như cử tạ, boxing và taekwondo, hoặc các môn thể thao truyền thống của châu Á như bóng bàn và cầu lông, hoặc các môn thể thao không yêu cầu chiều cao như thể dục dụng cụ, nhảy cầu, bắn súng hoặc bắn cung. Chỉ có hai huy chương điền kinh thuộc về Philippines, nhưng đó đã là chuyện cách nay gần 100 năm.

Hầu hết các huy chương của Đông Nam Á tại Thế vận hội 2024 không phải là các môn thể thao mới, mà là ở các lĩnh vực mà các quốc gia tập trung vào thế mạnh vốn có của mình dựa trên các yếu tố đã đề cập ở trên. Trước huy chương vàng cử tạ Paris 2024 của Juniansyah cho Indonesia, xứ vạn đảo đã giành được 15 huy chương Olympic ở môn thể thao này, khiến thành tích của vận động viên cử tạ 21 tuổi này trở nên dễ đoán.

Kunlavut Vitidsarn giành HCB cho Thái Lan ở cầu lông cũng chưa hẳn là bất ngờ, vì anh đến Paris 2024 trong tư thế của top 10 thế giới và từng vô địch thế giới, cũng như trở thành tay vợt đơn nam duy nhất vô địch trẻ thế giới 3 lần. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là cường quốc cầu lông thế giới với Ratchanok Intanon từng chiếm số 1 đơn nữ và nhiều tay vợt trong tốp đầu ở nhiều nội dung.

Kunlavut Vitidsarn từng vô địch cầu lông SEA Games và thế giới.

Hay như Malaysia vững tin chọn lựa đua xe đạp lòng chảo keirin là chính xác, nên cho dù trắng tay từ buổi đầu với Josiah Ng tại Athens 2004, họ vẫn kiên trì đầu tư để có những huy chương Olympic 2016-2020 từ Azizulhasni Awang. Điều đó cũng phản ánh phần nào sự kiên định, quyết tâm cần thiết của lãnh đạo ngành trong nỗ lực phát triển những nội dung được dự báo có thành tích tại SEA Games, Asian Games và Olympic.

Nhưng ngoài "đi tắt, đón đầu", các nước Đông Nam Á thành công còn do nỗ lực đầu tư chuyên môn, như trang tin trực tuyến The Malaysian Insight cho rằng “điều quan trọng là phải tạo ra một môi trường hỗ trợ sức mạnh tinh thần và chuẩn bị cho các vận động viên, những người không còn là "nhà vô địch làng", để đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc thi quốc tế. Việc áp dụng chiến lược dựa trên dữ liệu, đầu tư vào phát triển vận động viên và học hỏi từ những kinh nghiệm tốt nhất trên toàn cầu có thể mở đường cho Malaysia cuối cùng giành được huy chương vàng khó nắm bắt trong Thế vận hội trong tương lai”.

Trên thực tế, rất dễ tìm thấy dấu ấn của những chuyên gia nước ngoài trong thành công của thể thao Đông Nam Á tại Paris 2024. Carlos Yulo chắc chắn không thể trở thành siêu sao thể dục dụng cụ ở Olympic, thậm chí tại các giải thế giới và châu Á, mà không nhờ sự hỗ trợ của Ủy ban Olympic Nhật và HLV Munehiro Kugimiya dành cho thể thao Philippines. Phương án hợp tác quốc tế này gợi nhớ tới trường hợp biểu tượng cầu lông Nguyễn Tiến Minh với HLV huyền thoại Misbun Sidek - thầy của cựu số 1 thế giới người Malaysia Lee Chong Wei thông qua mối quan hệ giữa Việt Nam và Thái Lan. 

Rõ ràng, không thể phủ nhận sự cần cù siêu hạng cùng khả năng tài chính độc lập góp phần tạo nên huyền thoại Nguyễn Tiến Minh, nhưng anh rất khó đột phá vào top 10 thế giới nếu không có cơ hội tập cùng thầy ngoại. Hãy nhìn Lý Hoàng Nam để so sánh: Tài năng tennis này cũng hội đủ hầu hết ưu thế như Nguyễn Tiến Minh, nhưng thiếu sự hướng dẫn của HLV đẳng cấp thế giới nên không thể phát huy hết tiềm năng.

Hoặc như Nguyễn Huy Hoàng: kình ngư này không thể bứt phá sau khi chuyên gia Trung Quốc qua đời. Muốn có cú đột phá tại Olympic, thể thao Việt Nam cần mời thầy ngoại cho các ngôi sao trọng điểm. Dĩ nhiên, mời thầy ngoại chưa hẳn có ngay huy chương Olympic, nhưng không mời thầy ngoại thì hy vọng gần như bằng không. Ngay cả thành công của tượng đài Hoàng Xuân Vinh cũng có hình bóng ông thầy ngoại Park Chung-gun.

Ông Park Chung-gun có dấu ấn lớn cho thể thao Việt Nam tại Olympic.

Thành công của Thái Lan càng khẳng định xu thế đó. Họ sẽ chẳng có báu vật taekwondo mang tên Panipak Wongpattanakit với 2 lần liên tiếp vô địch Olympic, nếu thiếu chuyên gia Hàn Quốc Choi Young Seok. Những niềm hy vọng vàng môn boxing và cử tạ của Thái Lan đã giao cho chuyên gia người Cuba Juan Fontanills và Zhang Jiamin đến từ Trung Quốc, trong lúc cầu lông có sự hướng dẫn của chuyên gia Trung Quốc nhập tịch Thái Lan Xie Zhuhua. 

"Đi tắt, đón đầu" và mời thầy ngoại thật ra vẫn là cách làm thể thao đàng hoàng hơn nhiều so với kiểu nhập ngoại binh mà một số nước đã thể hiện tại Olympic Paris 2024, như môn bóng bàn đầy bóng dáng vận động viên gốc Trung Quốc, hoặc các bạn nữ trong đội thể dục dụng cụ của Carlos Yulo đều không phải người Philippines 100%. 

Thể thao Việt Nam vừa kết thúc Olympic Paris 2024 không có huy chương, khác với một số láng giềng Đông Nam Á. Philippines có 2 huy chương vàng đều của ngôi sao thể dục dụng cụ Carlos Yulo và 2 huy chương đồng từ các tay đấm boxing Aira Villegas với Nesthy Petecio. Indonesia lần đầu có HCV không từ cầu lông do Veddriq Leonardo ở môn leo tường và lực sĩ cử tạ Rizki Juniansyah, kèm HCĐ cầu lông đơn nữ của Gregoria Mariska Tunjung.

Thái Lan có HCV nhờ ngôi sao Taekwondo Panipak Wongpattanakit bảo vệ danh hiệu, cùng HCB cầu lông đơn nam của đương kim vô địch thế giới Kunlavut Vitidsarn, trong lúc cử tạ đem về 2 HCB do Theerapong Silachai và Weeraphon Wichuma, còn Surodchana Khambao đoạt HCĐ. Họ có thêm HCĐ môn boxing từ Janjaem Suwannapheng. Malaysia có 2 HCĐ cầu lông nhờ Lee Zii Jia ở đơn nam và đôi nam Aaron Chia / Soh Wooi Yik. Singapore cũng có HCĐ môn đua thuyền buồm từ Maximilian Maeder.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm