Kể từ kỳ Olympic đầu tiên năm 1896 tại Athens (Hy Lạp), Thế vận hội từng có 3 kỳ bị hủy vì chiến tranh vào các năm 1916, 1940 và 1944. Olympic 1980 và 1984 bị hạn chế số VĐV bị thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, chưa có kỳ Olympic nào bị lùi tổ chức vì dịch bệnh như Thế vận hội Nhật Bản lần này.
Bị lùi từ hè 2020 đến năm nay, Olympic Tokyo diễn ra từ 23/7 đến 8/8/2021 với sự bùng phát nặng nề của dịch COVID-19. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và chính phủ Nhật Bản đã quyết định tổ chức Thế vận hội mặc cho cả thế giới đang vật lộn với dịch COVID-19 và bản thân người dân Nhật Bản cũng đang biểu tình phản đối sự kiện này được tổ chức.
Lần đầu tiên trong lịch sử, IOC phải xây dựng một quy định riêng về thể thức thi đấu mới trong trường hợp có VĐV bị nhiễm COVID-19. Việc xét nghiệm COVID-19 sẽ được thực hiện hàng ngày và có thể tìm ra VĐV nào đủ tiêu chuẩn thi đấu hay không.
Thế vận hội lần này có 339 nội dung của 33 môn thể thao. Đoàn thể thao Việt Nam có 18 VĐV của 11 môn thể thao. Thể thức của những môn này sẽ thay đổi thế nào nếu có VĐV nhiễm COVID-19 khi đã tới Nhật Bản tranh tài hay sau khi danh sách thi đấu đã được chốt?
Điền kinh
Việt Nam có duy nhất VĐV Quách Thị Lan tham dự nội dung 400m rào nữ tại Olympic Tokyo 2021. Đây sẽ là kỳ Thế vận hội đầu tiên của cô gái Thanh Hóa và bên cạnh mục tiêu phá kỷ lục quốc gia (55 giây 30) thì Lan còn một vinh dự là cầm cờ Việt Nam trong lễ khai mạc đêm 23/7/2021 tới (cùng VĐV bơi Nguyễn Huy Hoàng).
Với môn điền kinh, nếu có VĐV nhiễm COVID-19 trong thời gian đã đến Nhật Bản hoặc chưa đến nhưng sau khi ban tổ chức đã chốt danh sách thì VĐV đó sẽ không bị đánh dấu Bị loại (DQ - Disqualified) mà chỉ bị đánh dấu Không xuất phát (DNS - Did Not Start).
Riêng với nội dung chạy 10000m, marathon và đi bộ - những nội dung không thi vòng loại mà thi chung kết ngay - thì VĐV bị nhiễm COVID-19 trước ngày thi đấu sẽ bị đánh DNS và các nội dung vẫn tiến hành bình thường với sự vắng mặt của một hay nhiều VĐV.
Còn với các nội dung ném, đẩy, nhảy… nếu VĐV dính COVID-19 sẽ bị đánh DNS và VĐV có thành tích tốt nhất tiếp theo sẽ được đẩy lên thi đấu chung kết.
Bơi
Việt Nam có hai VĐV gồm Nguyễn Huy Hoàng (800m tự do và 1500m tự nam) và Nguyễn Thị Ánh Viên (200m tự do nữ).
Nếu VĐV hoặc đội bơi có thành viên nhiễm COVID-19 thì sẽ không bị đánh DQ, mà chỉ là DNS. Nếu VĐV hoặc đội bơi gặp sự cố dịch bệnh ở bán kết hoặc chung kết thì VĐV/đội bơi có thành tích tốt nhất kế tiếp ở vòng trước sẽ được đôn lên thay thế.
Bắn cung
Việt Nam có hai cung thủ là Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt thi đấu ở nội dung cung một dây nam và nữ.
Ở môn này, nếu VĐV dính COVID-19 thì không bị đánh DQ, mà sẽ gắn dấu DNS. Với nội dung thi đấu đơn, nếu một VĐV không được thi đấu thì đối thủ kia nhận suất miễn và vào thẳng vòng tiếp theo. Đến vòng chung kết, nếu một VĐV nhiễm COVID-19 và không được thi đấu thì đối thủ mà VĐV này loại vòng trước sẽ được thay thế.
Cầu lông
Việt Nam có hai VĐV tranh tài là Nguyễn Tiến Minh và Nguyễn Thùy Linh.
Nếu VĐV chưa thi đấu đã bị phát hiện nhiễm COVID-19 thì sẽ chỉ bị đánh DNS. Trường hợp VĐV đã bắt đầu thi đấu mà bị nhiễm bệnh thì sẽ bị đánh Rút lui (WDN - Withdrawn). Đối thủ của VĐV này sẽ được miễn đấu, vào vòng tiếp theo và kết quả được giữ nguyên.
Quyền anh
Việt Nam có hai võ sĩ là Nguyễn Văn Đương (57kg nam) và Nguyễn Thị Tâm (51kg nữ).
Nếu VĐV chưa bắt đầu các trận đấu mà đã được phát hiện nhiễm COVID-19 thì sẽ không bị đánh DQ, thay vào đó là DNS. Nếu cuộc thi đã bắt đầu mà võ sĩ bị nhiễm bệnh ở bất kỳ vòng đấu nào thì sẽ được coi là Walk-Over (tạm dịch là Bỏ cuộc). Đối thủ của võ sĩ này sẽ được miễn đấu và vào vòng tiếp theo. Trường hợp võ sĩ vào chung kết dính COVID-19 thì sẽ không đấu mà được nhận huy chương bạc, còn đối thủ kia được trao huy chương vàng.
Thể dục dụng cụ
Việt Nam có hai VĐV Nguyễn Thanh Tùng và Đinh Phương Thành dự tranh nội dung toàn năng nam.
Ở nội dung toàn năng môn này, do lịch thi đấu gói gọn trong một ngày nên nếu VĐV dính COVID-19 sẽ không bị đánh DQ, chỉ đánh DNS. BTC sẽ chọn VĐV thay thế phù hợp cho đủ số lượng VĐV dự tranh.
Judo và taekwondo
Việt Nam có một đại diện là Nguyễn Thị Thanh Thủy ở nội dung judo 52kg nữ. Môn taekwondo có Trương Thị Kim Tuyền nội dung 49kg nữ.
Hai môn này có thể thức thi đấu giống nhau với việc ổ chức thi đấu vòng loại và nhiều hơn một ngày nên kết quả xét nghiệm COVID-19 sẽ có giá trị theo ngày. VĐV nhiễm bệnh bị đánh DNS và đối thủ miễn đấu, vào vòng tiếp theo.
Bắn súng và cử tạ
Việt Nam có sự góp mặt của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - đương kim vô địch 10m súng ngắn Olympic Rio 2016. Còn cử tạ có Thạch Kim Tuấn (61kg nam), Hoàng Thị Duyên (59kg nữ).
Hai môn này tổ chức thi đấu theo nhóm nên VĐV dính COVID-19 sẽ bị đánh DNS và không ảnh hưởng đến thể thức thi đấu.
Rowing
Việt Nam có một suất nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ của Lường Thị Thảo/Đinh Thị Hảo.
VĐV hoặc đội bị nhiễm COVID-19 ở vòng loại bị đánh DNS. Từ vòng tứ kết, bán kết hay chung kết, VĐV (thi đơn) hoặc thuyền (thi đôi) có thành tích tốt nhất kế tiếp ở vòng trước sẽ được thay thế VĐV/thuyền có người bị bệnh.
Sau một tuần mở cửa, Làng VĐV Olympic Tokyo 2021 đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với COVID-19. Mới nhất là VĐV bóng chuyền bãi biễn CH Séc Ondrej Perusic, người có kết quả dương tính khi đã đến Nhật Bản. Cùng ngày 19/7/2021, VĐV thể dục dụng cụ Kara Eaker (Mỹ) cũng dương tính với COVID-19 khi đang tập huấn tại Nhật Bản, nhưng bên ngoài Làng VĐV.
Trước đó, hai cầu thủ bóng đá Nam Phi cũng có kết quả dương tính COVID-19. Ngoài ra, một người là thành viên IOC, một nhân viên đội quay phim cũng có kết quả tương tự, chưa kể hàng chục trường hợp nhân viên các công trình phục vụ Thế vận hội lần này cũng đang là bệnh nhân COVID-19.
Đoàn thể thao Việt Nam đến Nhật Bản vào sáng 19/7/2021 với 43 thành viên, trong đó có 18 VĐV của 11 môn thể thao, đều có kết quả âm tính sau khi xét nghiệm COVID-19 ngay tại sân bay.