Sáng nay thứ Tư ngày 19-6 tại Cục thể dục thể thao đã diễn ra buổi gặp mặt báo chí thường kỳ quý II năm 2024 và chào mừng ngày cách mạng báo chí Việt Nam 21-6. Tại đây, lãnh đạo Cục thể dục thể thao đã chia sẻ về kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm cũng như kế hoạch ở nửa cuối năm còn lại với tâm điểm là Olympic và Paralympic Paris 2024.
Đến thời điểm này, cơ bản thể thao Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu tối thiểu khi đạt được 12 suất tham dự Olympic Paris 2024. Cách đây 2 ngày, cung thủ Lê Quốc Phong là người mang về suất đấu Olympic thứ 12.
Trước đó lần lượt các VĐV giành vé đến Paris bao gồm: Huy Hoàng (bơi), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Đức Phát, Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), cùng Mộng Tuyền và Thu Vinh (bắn súng).
Bên cạnh các VĐV kể trên, hiện thể thao Việt Nam đang kỳ vọng võ sỹ judo Hoàng Thị Tình sẽ mang về thêm suất dự Olympic. Hiện võ sỹ này xếp hạng 9 châu Á hạng cân 48 kg nữ. Nếu giữ được trong top 10 cho đến ngày chốt danh sách 23-6 tới Hoàng Thị Tình sẽ chính thức có suất Được biết, bài sát hạch cuối cùng với võ sỹ này là giải judo Lima Panamerican mở rộng diễn ra ngày 21-22-6 này.
Bên cạnh Hoàng Thị Tình, thể thao Việt Nam cũng đang đợi thông báo chính thức từ ủy ban Olympic quốc tế về 2 trường hợp đặc cách tham dự đó là VĐV điền kinh Trần Thị Nhi Yến và một nữ kình ngư mà nhiều khả năng Nguyễn Thuý Hiền sẽ được đăng ký.
Như vậy, trong trường hợp khả quan nhất thể thao Việt Nam sẽ có thêm 3 suất tham dự Olympic Paris 2024 tính cả vé đặc cách. Còn với lực lượng thi đấu ở Paralympic 2024, hiện đã có 2 VĐV chính thức có suất dự và đều ở môn bơi: Tiến Đạt - Thanh Hải.
Tới đây thể thao người khuyết tật Việt Nam kỳ vọng 4 suất dự Paralympic tiếp theo được công bố và đều nằm ở môn cử tạ, trong đó nổi bật là lực sỹ Lê Văn Công (cùng Linh Phượng, Bình An, Tuyết Loan).
Rõ ràng, trong năm 2024 với Olympic (và Paralympic) là sự kiện thể thao tối quan trọng, sự chuẩn bị về lực lượng cũng như cơ hội kiếm tìm huy chương ở đấu trường đỉnh cao này của thể thao Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Tại buổi gặp gỡ báo chí sáng nay, lãnh đạo Cục TDTT, phòng thể thao thành tích cao cũng đã chia sẻ, đánh giá, thẳng thắn nhìn nhận cơ hội của thể thao Việt Nam tại Olympic tới đây. Những gương mặt được gửi gắm nhiều hy vọng nhất vẫn đến từ các bộ môn từng mang về huy chương Olympic cho thể thao Việt Nam, đó là cử tạ và bắn súng.
Có 3 VĐV gồm lực sỹ Trịnh Văn Vinh và hai xạ thủ Mộng Tuyền, Thu Vinh ở hai bộ môn trên sẽ tranh tài ở Paris tới đây. Hiện đô cử Văn Vinh đang được đưa đi tập huấn tại Trung Quốc trong khi đó Mộng Tuyền cùng Thu Vinh đang tập huấn tại Hàn Quốc và giữa tháng 7 tới sẽ sang châu Âu tập huấn nhằm làm quen với múi giờ cũng như điều kiện thời tiết.
"Lực sỹ Văn Vinh đang xếp thứ 9 ở hạng cân 61 kg nam và xếp trên anh có tới 5-6 VĐV đạt tổng cử vượt mốc 300 kg nên cơ hội tranh chấp huy chương mà cụ thể là tấm huy chương đồng sẽ rất gian nan. Còn với Mộng Tuyền và Thu Vinh cả hai đều vẫn rất trẻ, trong khi thành tích thi đấu ở môn bắn súng rất khó lường. Chắc chắn một điều ở đấu trường lớn như Olympic muốn chạm đến tấm huy chương thì VĐV sẽ phải nỗ lực cao nhất, thậm chí vượt ngưỡng cả về phong độ lẫn ý chí", lãnh đạo Cục TDTT chia sẻ.
Được biết, sau khi những môn thi đấu vòng loại cuối cùng kết thúc sau vài ngày tới và những suất VĐV đặc cách tham dự được công bố, Cục TDTT sẽ xây dựng thành phần đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic và Paralympic 2024.
Về vấn đề tiền thưởng, từ năm ngoái các mức thưởng 1 triệu đô la, 500 nghìn và 200 nghìn đô la cho các tấm HCV, HCB và HCĐ Olympic 2024 đã được công bố. Khoản thưởng này là kết quả từ quan hệ hợp tác giữa Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) với Quỹ Chiến lược thể thao quốc tế (ISF).
Tại Olympic Tokyo 2020, đoàn thể thao Việt Nam công bố mức thưởng cho VĐV đoạt HCV, HCB, HCĐ lần lượt là 1,85 tỷ đồng, 1,2 tỷ đồng và 640 triệu đồng. Rất tiếc ở kỳ thế vận hội này thể thao Việt Nam không thể giành huy chương.