Chiến tranh, tị nạn là những điều đầu tiên người ta nghĩ về Syria. Dù vậy, nó không thể che mờ một quốc gia với nhiều câu chuyện thể thao đầy cảm hứng.
Rio 2016 là lần đầu tiên trong lịch sử có đoàn thể thao dành cho người tị nạn. Với Yusra Mardini, VĐV bơi lội 17 tuổi của Syria, việc được dự Olympic vẫn là điều gì đó phi thực tế, vì chỉ gần 1 năm trước đây, cô còn không biết mình có thể sống sót hay không.
Tháng 8 năm ngoái, Mardini cùng chị Sarah và rất nhiều những người tị nạn khác đã quyết định rời bỏ Syria để kiếm tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau khi tới Thổ Nhĩ Kỳ, họ quyết định sẽ đến Hy Lạp bằng thuyền nhỏ, hay nói đúng hơn là trên một cái xuồng to được bơm đầy hơi.
Phần lớn trong số 20 “hành khách” trên chiếc xuồng chở tối đa 7 người không biết bơi, nên khi nó có dấu hiệu ngập nước, nhiều người đã nghĩ tới cái chết. Mardini đã không để điều đó xảy ra. Với sự giúp sức của 2 người nữa, cô và chị đã nhảy xuống dòng nước lạnh để lèo lái chiếc xuống tiếp tục hướng về phía trước.
“Sẽ thật tồi tề nếu con thuyền đó chìm xuống. Hầu hết không biết bơi. Tôi không thể ngồi yên. Nếu có chết chìm (sau nỗ lực cứu người), ít nhất tôi cũng cảm thấy tự hào vì mình và chị”, đó là những dòng ghi chú rất thật của Mardini trong hồ sơ lưu trữ của Liên Hiệp Quốc về những người tị nạn.
Sau gần 4 tiếng đồng hồ, chiếc thuyền đã cập bến an toàn ở đảo Lesbos (Hy Lạp). Sau đó, Mardini tiếp tục hành trình 35 ngày nhọc nhằn khác, vượt qua vùng Balkan, Hungary, Áo trước khi dừng chân ở Berlin. Tại đây, cô đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để tập luyện.
“Đôi khi chúng tôi không thể tập luyện vì chiến tranh, hoặc đôi khi đang tập luyện thì có tiếng bom nổ cạnh hồ bơi”, Mardini nhớ lại cuộc sống tại Syria. Cô nói rằng đã từng nhìn thấy mái nhà của hồ bơi thủng llổ chổ vì bom đạn.
Mardini chỉ là một trong rất nhiều trường hợp khác của thể thao Syria. Tình hình bất ổn buộc các VĐV phải rời bỏ Syria, trước hết là để tự cứu lấy tính mạng, kế đến là hy vọng có thể tiếp tục sự nghiệp thể thao.
Bản thân những người làm thể thao Syria cũng hiểu hoàn cảnh đất nước hiện nay. Bởi vậy mà khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hỏi ý kiến về trường hợp của Mardini khi cô không thi đấu dưới ngọn cờ của Tổ quốc, Syria nói rằng họ không gặp vấn đề gì và còn nhờ IOC cập nhật thông tin về Mardini.
Thế nhưng không phải ai cũng may mắn được như Mardini. Cũng tại Damascus - nơi Mardini rời đi, VĐV nhảy cao Majd Ghazal đang tập luyện khi mà chỉ cách vài chục km, âm thanh của chiến tranh vẫn hàng ngày gầm rú bên tai.
Việc nhiều nước cấm công dân Syria cũng ngăn cản các VĐV Syria tham dự những giải đấu quốc tế để nâng cao trình độ, trong khi cơ sở vật chất tập luyện trong nước thì thiếu thốn.
Tháng 5 vừa qua, nhờ có họ hàng ở Trung Quốc, Ghazal mới được thi đấu một giải World Challenge tại Bắc Kinh. Tại đây, Ghazal đã tạo được ấn tượng mạnh trong làng điền kinh khi giành HCV với mức xà 2m36, sánh ngang kỷ lục của giải thuộc về Ivan Ukhov (lập năm 2014) và chỉ kém kỷ lục Olympic 3cm.
Thành công của Ghazal ở giải đấu tại Bắc Kinh là điều rất bất ngờ. Cần biết rằng trước đó, VĐV 29 tuổi này đều bị từ chối nhập cảnh để thi đấu tại Morocco và một số nước châu Âu.
Tương tự, VĐV bóng bàn Heba Allejji đã phải dừng những chuyến tập huấn ở nước ngoài từ 2 năm trước đây vì khó khăn trong di chuyển và chi phí tập luyện quá cao. Nhờ suất đặc cách, Allejji mới trở thành VĐV bóng bàn đầu tiên của Syria được dự Olympic.
Gặp vô vàn gian khó nhưng Ghazal, Allejji cùng nhiều VĐV Syria khác luôn cố gắng tìm cách vượt lên nghịch cảnh. Đối với họ, được đại diện cho quốc gia đã là một niềm tự hào to lớn dù có người không nhận được trợ giúp nào.
Kình ngư chuẩn bị tham dự nội dung 100m ếch tại Olympic 2016, Azad Al-Barazi phải tự bỏ tiền túi để tập luyện và thi đấu trong suốt 2 năm qua.
“Tôi hiểu tình hình đất nước hiện tại. Đó là lý do tôi tự trả tiền cho sự nghiệp của mình”, Al-Barazi chia sẻ: “Tôi bơi vì những người dân Syria. Với tôi, điều đó rất quan trọng”.
Chuyển tới Mỹ sinh sống từ năm 8 tuổi, Al-Barazi thừa nhận hồi còn nhỏ, từng có lúc anh không dám nhận mình là người Syria.
Để có tiền trang trải việc tập luyện và thi đấu, Al-Barazi phải làm thêm những công việc khác như nhân viên cứu hộ biển hay thầy giáo dạy lướt sóng. “Tôi muốn hồi sinh Syria. Tôi không quan tâm mọi người nói gì”, Al-Barazi tuyên bố: “Tôi thi đấu vì Syria”.
Ở môn bóng đá, môn thể thao phổ biến nhất ở Syria, đội tuyển nước này cũng thường xuyên phải chọn Lebanon hoặc Oman làm sân nhà. Điều đó chẳng thể ngăn cản họ lọt vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2018 khu vực châu Á.
Trở lại với câu chuyện của Mardini. Dù ở Đức, nhưng cô luôn hướng về Syria: “Dĩ nhiên là tôi rất nhớ quê hương. Có thể tôi sẽ xây dựng cuộc sống tại đây (Đức), nhưng khi về già, tôi chắc chắn sẽ trở lại Syria và giúp đỡ mọi người bằng những trải nghiệm của mình”.