Olympic lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1896. Bốn năm sau, bắn cung lần đầu tiên có tên trong chương trình thi đấu. Ngoại trừ năm 1912, bộ môn này có tên liên tục đến năm 1920. Tuy nhiên, kể từ đây, bắn cung không góp mặt ở Olympic mãi cho đến năm 1972.
Thời kỳ đầu của Thế vận hội, chỉ có 4-5 quốc gia có VĐV tham dự và không có bất kỳ ai đến từ Đông Nam Á. Đó là một phần lý do khiến môn thi đấu ít sức hút này bị "rớt đài".
Khi trở lại vào năm 1972, có 24 quốc gia tham dự. Khu vực Đông Nam Á lần đầu có các VĐV của Philippines và Indonesia góp mặt. Họ đến cũng chỉ để cọ xát, hít thở bầu không khí của ngày hội thể thao lớn nhất thế giới.
Thực tế, Đông Nam Á là "vùng trũng” thế giới. Có vé đến Olympic đã là điều khó khăn, giành huy chương là điều không tưởng. Tuy vậy, ở Olympic 1988, Indonesia tạo ra cơn địa chấn. Nội dung đồng đội với ba VĐV Lilies Handayani, Nurfitriyana Saiman, Kusuma Wardhani giành HCB đầy bất ngờ và ngoạn mục.
Nội dung này có 15 quốc gia tham dự. Ngoài Indonesia còn có Hàn Quốc, Mỹ, Liên bang Xô Viết, Anh, Tây Đức, Thụy Điển, Pháp, Trung Quốc, Ba Lan, Đài Bắc Trung Hoa, Mông Cổ, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản.
Họ tranh tài ở vòng loại để chọn ra 12 đội vào bán kết. Điểm số của ba cung thủ cộng lại để xếp hạng chung cuộc. Với 3720 điểm, Indonesia chỉ xếp hạng 7 ở vòng loại.
Bước vào vòng bán kết, các cung thủ đến từ xứ sở vạn đảo có bước đột phá khi xếp thứ 4 với 975 điểm. Đến chung kết với 8 đội mạnh nhất, bộ ba này thi đấu xuất sắc, đạt 952 điểm. Họ có cùng điểm số với Mỹ và chỉ xếp sau Hàn Quốc (982 điểm).
Indonesia chắc chắn có tấm huy chương lịch sử. Hai đội bước vào tie-break với 9 mũi tên vàng. Ba cung thủ của Indonesia bắn được 72 điểm trong khi đối thủ Mỹ chỉ có đúng 67 điểm.
Bắn cung Indonesia tạo nên cú sốc cực lớn khi lần đầu tiên giành một huy chương ở Thế vận hội. Và đó cũng là tấm huy chương duy nhất của bắn cung khu vực Đông Nam Á ở sân chơi này.
Tại Paris, Đông Nam Á chỉ có 3 nước có các VĐV góp mặt là Việt Nam, Indonesia và Malaysia; bao gồm Arif Pangestu (Indonesia, cung 1 dây nam), Lê Quốc Phong (Việt Nam, cung 1 dây nam), Diananda Choirunisa, Syifa Kamal, Rezza Octavia (Indonesia, cung 1 dây nữ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt (Việt Nam, cung 1 dây nữ), Syaqiera Mashayikh, Nurul Fazil, Ariana Zairi (Malaysia, cung 1 dây nữ).
Tất cả đều khó tạo nên bất ngờ trước sự phát triển không ngừng của bắn cung thế giới với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nhật Bản, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia...