Taekwondo Việt Nam trắng tay 5 kỳ Olympic, bị Thái Lan bỏ xa

Lâm Gia
thứ năm 29-7-2021 7:45:15 +07:00 0 bình luận
Bắt đầu sớm và có được thành công trước, nhưng taekwondo Việt Nam giờ lại bị Thái Lan đã bỏ xa về thành tích tại các kì Thế Vận Hội.

Ngày thi đấu 24 tháng 7 vừa qua chứng kiến màn lên ngôi của nữ võ sĩ người Thái Lan – Panipak Wongpattanakit ở nội dung Taekwondo dưới 49kg nữ.

Tấm huy chương vàng của Wongpattanakit cũng là lần đầu tiên, đất nước chùa vàng có đại diện đứng trên đỉnh cao nhất môn võ này tại Olympic sau 4 lần cử võ sĩ tranh tài.

Chứng kiến thành công này của nước bạn, cũng là nỗi buồn cho Taekwondo Việt Nam khi nhìn lại, đây đã là mùa Olympic thứ 5, chúng ta ra về tay không ở đấu trường này.

Xuất phát điểm của Taekwondo Việt Nam tại Olympic, vốn được ghi đấu bởi hai từ ấn tượng khi VĐV Trần Hiếu Ngân giành chiếc huy chương bạc lịch sử tại Sydney 2000 – nơi môn võ này lần đầu tiên được công nhận như môn thể thao chính thức tại Thế Vận Hội.

Trần Hiếu Ngân mở màn cho Taekwondo Việt Nam tại Thế Vận Hội với tấm huy chương bạc.

Sau tấm huy chương bạc của Hiếu Ngân, thể thao Việt Nam coi Taekwondo là một trong những mũi nhọn tại Thế Vận Hội, xét theo những tiêu chí phù hợp với thể trạng, phẩm chất của các vận động viên Việt Nam.

Điển hình là các kì đại hội sau đó, chúng ta đều có những đại diện tranh tài ở đấu trường này, tuy nhiên, kết quả lại không thể đạt được kì vọng.

Năm 2004, hai đại diện Nguyễn Quốc Huân (dưới 58kg nam) và Nguyễn Văn Hùng (trên 80kg nam) dù không có huy chương, nhưng cũng đã lần lượt lọt vào Top 5 và tứ kết ở hạng cân của mình.

Tới Bắc Kinh 2008, tượng đài Nguyễn Văn Hùng sớm dừng bước ở vòng 1/16 và anh cũng là đại diện duy nhất ở kì đại hội năm đó.

4 năm sau ở London 2012, Việt Nam trở lại với 2 đại diện Lê Huỳnh Châu (dưới 58kg nam) và Chu Hoàng Diệu Linh (dưới 67kg nữ). Tuy nhiên, cả 2 cũng sớm thua trận ngay từ trận đấu đầu tiên. Và đỉnh điểm ở kì đại hội Rio 2016, chúng ta đã không có bất kì võ sĩ nào đủ tiêu chuẩn dự Olympic, lần đầu tiên sau 16 năm.

Các đại diện sau đó của Taekwondo Việt Nam đều không có được thành tích như đàn chị, và còn có dấu hiệu xuống dốc.

Trong khi chúng ta vất vả tìm kiếm cơ hội cho môn võ này tại Olympic, thì cũng trong khoảng thời gian đó, Thái Lan đã biến Taekwondo thành mũi nhọn chủ đạo ở Thế Vận Hội.

Tới Olympic muộn hơn Việt Nam với 4 vận động viên tại Athens 2004, đất nước chùa vàng cử 4 đại diện và cũng “mở hàng” với 1 tấm huy chương bạc của Yaowapa Boorapolchai.

Liên tiếp các kì đại hội sau đó, Thái Lan lần lượt giành 1 HCB (Bắc Kinh 2008);  1 HCĐ (London 2012); 1 HCB, 1 HCĐ (Rio 2016) và đỉnh điểm – Panipak Wongpattanakit đã hoàn thành nhiệm vụ đổi màu huy chương, lần đầu tiên đứng trên đỉnh cao Olympic.

Panipak Wongpattanakit lần đầu giúp Taekwondo Thái Lan giành quán quân Thế Vận Hội.

Cùng có đầu tư sau những thành công ban đầu, đặc biệt, cả Việt Nam và Thái Lan đều nhận được sự giúp đỡ tích cực từ Hàn Quốc – cái nôi của môn võ này với những chuyên gia, các chuyến tập huấn thường niên để nâng cao kĩ năng, cập nhật các công nghệ quy chuẩn mới.

Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Taekwondo Việt Nam vẫn chưa thể bắt kịp thế giới bởi những thay đổi về công nghệ, luật thi đấu và cách tính điểm.

Năm 2016, cựu VĐV Trần Hiếu Ngân trong cuộc chia sẻ sau khóa đào tạo trọng tài của Hiệp hội Taekwondo Châu Á tại Hàn Quốc cho biết, luật thi đấu của bộ môn này thay đổi theo từng năm. Chính vì thế, chỉ cần chậm chân hơn các nước là võ sĩ của chúng ta đã thua ngay từ trước khi thượng đài.

“Khác biệt của hơn chục năm trước với bây giờ là tốc độ thi đấu. Điểm cho từng đòn đánh cũng khác. Ngày trước, đòn đánh vào vùng mặt hay giáp đều chỉ được 1 điểm. Vì vậy, muốn đánh thắng đối thủ chỉ có cố gắng đá vào mặt làm sao cho đối thủ knock-out.” – HLV Trần Hiếu Ngân chia sẻ.

Còn giờ đây, các võ sĩ ra đòn nhanh hơn và điểm thì cũng khác. Cụ thể, khi đá vào vùng bụng được 2 điểm, đá vào mặt được 3 điểm và thậm chí đến 4 điểm nếu là đòn đá xoay vào vùng mặt. Do đó, việc tập luyện và chiến thuật thi đấu thế nào cũng cần phải nghiên cứu và đưa vào giáo án sao cho thích hợp với từng thế mạnh của VĐV.”

Luật thi đấu Taekwondo liên tục cập nhật khiến Việt Nam có phần chậm chân so với quốc tế.

Trong một vài năm trở lại đây, Taekwondo Việt Nam bắt đầu có được những thành công nhất định, khi Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cùng bộ môn Taekwondo – thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao có sự phối hợp chặt chẽ hơn.

Sự quay trở lại của Trương Thị Kim Tuyền, cùng với tấm HCV Châu Á 2021 và xuất hiện ở Olympic Tokyo, đã chứng tỏ phần nào về tính hiệu quả khi chúng ta có định hướng và phương pháp đúng trong việc phát triển môn võ này.

Tuy vậy, để có thể biến Taekwondo trở thành môn thể thao mũi nhọn, không chỉ dừng lại ở các đấu trường khu vực như SEA Games hay ASIAD, Việt Nam còn cần một chiến lược dài hơi để đầu tư cho các thế hệ võ sĩ trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm