Taekwondo Việt Nam lại vắng bóng ở Olympic: Áp lực thượng tầng xuống chuyên môn?

Lâm Gia
chủ nhật 24-3-2024 22:30:05 +07:00 0 bình luận
Chu kỳ 8 năm với Taekwondo Việt Nam ở đấu trường Olympic tiếp tục quay lại với vòng lặp đáng buồn khi không có một đại diện đủ điều kiện tham dự.

Cùng với Boxing và Judo là một trong những môn thể thao đối kháng giữ hi vọng Olympic 2024, Taekwondo Việt Nam lại sớm báo tin buồn khi không có đại diện nào vượt qua được vòng loại.

Những kết quả trái ngược

Tương tự nhiều đội tuyển quốc gia, các thành viên đội Taekwondo Việt Nam cũng tập luyện xuyên Tết Nguyên đán để hướng tới các giải đấu tích điểm và vòng loại Olympic diễn ra trong tháng 3/2024. 

Hai niềm hi vọng lớn nhất là Bạc Thị Khiêm (67kg nữ) và Trương Thị Kim Tuyền (49kg nữ) đã mang về những tin tức khả quan với các tấm huy chương Bạc tại giải Mỹ mở rộng và Canada mở rộng trước khi vòng loại khu vực Châu Á diễn ra. Thế nhưng, kết quả lại hoàn toàn trái ngược với những tín hiệu này.

Lần lượt Nguyễn Hồng Trọng và Trương Thị Kim Tuyền - người gần nhất đến Olympic tại Tokyo 2020 bị loại từ vòng đầu tiên. Lý Hồng Phúc và Bạc Thị Khiêm bắt đầu khả quan hơn nhưng cũng phải dừng bước ngay trận thứ hai. Đáng tiếc nhất phải kể đến hạng 67kg của Bạc Thị Khiêm, khi hạng cân của cô chỉ có 6 võ sĩ và đã giành 2 chiến thắng. Thế nhưng, nhà vô địch SEA Games 31 lại bị thua ngược đáng tiếc ở trận bán kết và không thể nằm trong hai cái tên cuối cùng. 

Bạc Thị Khiêm dừng bước tại vòng loại Olympic.

Khác với Boxing vẫn còn một vòng loại thứ hai, Taekwondo Việt Nam đã chính thức làm khán giả tại Olympic Paris 2024. Đáng buồn hơn, sau 8 năm, chúng ta lại không có mặt ở kỳ đại hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Sau thành tích của Trần Hiếu Ngân (HCB Sydney 2000), Việt Nam liên tục có các đại diện trong ba kỳ đại hội tiếp theo. Và trong ba kỳ đại hội gần nhất (tính cả Paris 2024), chúng ta lại vắng bóng đến hai lần và chỉ có một đại diện ở Olympic Tokyo 2020.

Lại chuyện Bộ môn - Liên đoàn

Ngay sau khi tin tức từ vòng loại Châu Á báo về, ông Trương Ngọc Để - Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đã đăng tải trên trang cá nhân một dòng trạng thái để lại nhiều thắc mắc

"Bạn suy nghĩ thế nào? Để Taekwondo Việt Nam quay trở lại Olympic và giành huy chương? Cùng tham gia thảo luận, nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho Taekwondo Việt Nam".

Phía dưới bài viết này, người ta mới nhìn thấy những bình luận từ người trong cuộc, một lần nữa câu chuyện Bộ môn - Liên đoàn được nhắc tới.

"Mở rộng sự đóng góp, nếu Trưởng Bộ môn Cục TDTT vẫn cứ ôm làm, thì sẽ lại tiếp tục làm kỷ niệm 30 năm không ai phá được kỷ lục của HN năm 2000. Đến hẹn lại đăng hình hồi tưởng quá khứ....tội nghiệp bạn ấy giờ cũng không còn làm Taekwondo nữa. Lâu lâu lại thấy hình, còn bình thường chẳng thấy ai hỏi han gì." 

"Liên đoàn nhiều lần đề nghị, gửi cả công văn cho Tổng cục, nhưng Bộ môn nói LIÊN ĐOÀN KHÔNG ĐỦ "NĂNG LỰC". Đúng rồi, VĐV là những người xứng đáng được động viên và tưởng thưởng vì những nổ lực hết sức mình. Nhưng không phải vì vậy mà lấp liếm vai trò của người đã làm thành tích Taekwondo Việt Nam tụt hậu đáng buồn như thế...." - Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam - ông Nguyễn Thanh Huy bình luận phía dưới bài viết.

Bình luận của ông Nguyễn Thanh Huy - Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam.

Những mâu thuẫn về công tác quản lý giữa Bộ môn (thuộc Cục Thể dục Thể thao) và Liên đoàn đã trở thành vấn đề nhức nhối không chỉ ở Taekwondo, mà những môn thể thao khác như Boxing cũng từng phải đối mặt. Chúng lại xuất hiện mỗi khi đội tuyển quốc gia không đạt được thành tích như mong đợi. 

Ảnh hưởng xuống chuyên môn

Tại Olympic, Taekwondo là môn thể thao đối kháng có tính cập nhật công nghệ thuộc hàng thường xuyên nhất: từ giáp điện tử, trang phục cho tới các thiết bị kĩ thuật giám sát thi đấu. Đây đã từng là thách thức về kinh phí với chúng ta trong một thời gian dài.

Từ năm 2012, Taekwondo Việt Nam đã có sự đồng hành của tập đoàn CJ Hàn Quốc, sự tham gia của doanh nghiệp giải quyết được nhiều vấn đề như phát triển hệ thống giải trẻ, mời chuyên gia ngoại, tập huấn và du đấu nước ngoài. Tuy nhiên, theo như chia sẻ với báo giới gần đây, ông Trương Ngọc Để cho rằng việc dựa dẫm quá nhiều vào sự hỗ trợ từ tập đoàn CJ có thể khiến năng lực nội bộ không thể phát triển, giải quyết được phần "ngọn" chứ không thay đổi được "gốc". 

Ngoài những vấn đề thượng tầng, công tác tìm kiếm tài năng trẻ của Taekwondo Việt Nam cũng đã được đặt ra. Hiện tại, Kim Tuyền - người gần nhất tham dự Olympic đã 27 tuổi và Bạc Thị Khiêm - người có thành tích tốt nhất ở vòng loại vừa bước sang tuổi 24. Điều đó đồng nghĩa cơ hội tham dự Olympic của họ chỉ còn một hoặc tối đa hai lần nữa, trong trường hợp những kịch bản mỹ mãn nhất có thể xảy ra.

Chúng ta vẫn luôn băn khoăn chờ đợi những gương mặt thay thế.

Khi mà các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Philippines, Campuchia đang tích cực đẩy mạnh công tác tìm kiếm tài năng trẻ, quá trình này của Taekwondo Việt Nam rõ ràng đang rất chậm.

Đơn cử trong những kỳ SEA Games cho tới ASIAD, vòng loại Olympic, những cái tên hàng đầu của chúng ta liên tiếp phải đối mặt các võ sĩ thuộc những "thế hệ" khác nhau từ nước bạn. Vậy đến khi nào bản thân Taekwondo Việt Nam mới tìm được những sự thay thế cho tương lai, khi áp lực chuyên môn đang bị đè nặng bởi những vấn đề thượng tầng. 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm