Theo các số liệu từ Compound Interest - trang web chuyên thực hiện các cuộc khảo nghiệm hóa học, tấm huy chương vàng nặng 0,54kg được trao tại Olympic Tokyo, chỉ có khoảng 1,2% trọng lượng - tương đương 6,7 gram là vàng thật, còn lại, huy chương chủ yếu được làm bằng chất liệu bạc.
Con số này cũng không quá bất ngờ bởi đa số khán giả đều đã biết, huy chương vàng tại các kì Olympic được làm bằng bạc mạ vàng. Chỉ có huy chương bạc là sử dụng hoàn toàn kim loại này để tạo thành, trong khi đó, huy chương đồng cũng chứa một tỉ lệ khoảng 95% đồng, 5% thiếc.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của những tấm huy chương Olympic Tokyo chính là nguồn kim loại mà người Nhật đã sử dụng để tạo ra chúng: Phế liệu điện tử.
Theo kế hoạch, Nhật Bản đã sản xuất tổng cộng 5000 huy chương các loại cho Olympic Tokyo, và vật liệu làm ra chúng đều đến từ những thiết bị điện tử tái chế như điện thoại di động được thu thập trên khắp cả nước.
"Dự án Huy chương Tokyo 2020" đã thu về khoảng 78.885 tấn thiết bị điện từ, với khoảng 6,21 triệu điện thoại di động ở khắp Nhật Bản để phục vụ mục đích sản xuất. Những phế liệu này được nung chảy và chiết xuất để cho ran khoảng 32kg vàng, 3,5 tấn bạc và 2,2 tấn đồng.
Chính vì nguồn gốc của những chiếc huy chương có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, ban tổ chức Olympic Tokyo đã khuyến cáo các vận động viên không nên "cắn" huy chương vàng - một hình thức ăn mừng quen thuộc mỗi khi họ giành được phần thưởng danh giá này.
Cũng theo các nghiên cứu từ Compound Interest, sẽ cần tới 40 chiếc điện thoại để có thể lọc ra được 1 gam vàng. Như vậy, sẽ cần một số lượng tương đương 280 chiếc điện thoại được tái chế cho một tấm huy chương vàng.
Olympic Tokyo cũng là lần đầu tiên một kì Thế vận hội sử dụng hoàn toàn các kim loại tái chế để làm phần thưởng cho các vận động viên. Ngay tại Rio 2016, cũng chỉ có khoảng 30% huy chương bạc đến từ các sản phẩm tái chế như bộ phận xe hơi hay gương.