Trong môn đua xe đạp, nội dung đua tính giờ được gọi là “cuộc đua của sự thật” bởi các VĐV sẽ phải đạp một mình đến đích. Họ sẽ phải tự lực chống lại thời gian, gió, các đoạn leo dốc và ngưỡng giới hạn của bản thân để đi về đích nhanh nhất có thể mà không có sự viện trợ của các đồng đội hay những toan tính chiến thuật "núp gió" đối thủ.
Đường đua tính giờ tại Olympic 2016 ở Rio dài 54,56km với nhiều dốc và gió là một thử thách tương đối khó nhằn đối với 37 VĐV từ 29 quốc gia.
Fabian Cancellara đã có kỳ Olympic cuối cùng không thể tuyệt vời hơn trước khi giải nghệ. Tay đua người Thụy Sĩ đã về nhất với thời gian 1 giờ 12 phút 15 giây. Đây là chiếc HCV nội dung tính giờ cá nhân thứ 2 của cua-rơ có biệt danh "Spartacus", sau chiếc HCV đầu tiên tại Bắc Kinh 2008 giúp anh có mặt trong danh sách 4 VĐV đoạt ít nhất 2 HCV Olympic tại nội dung này.
Ba người trước đó đều đoạt HCV trong các kỳ liên tiếp: VĐV Nga Viatcheslav Ekimov (Sydney 2000 và Athens 2004), nữ VĐV Hà Lan Leontien van Moorsel (Sydney 2000 và Athens 2004), nữ VĐV Mỹ Kristin Armstrong (Bắc Kinh 2008, London 2012 và Rio 2016).
Trước giải, Tom Dumoulin với sở trường đua tính giờ được đánh giá là ứng cử viên tiềm năng nhất cho chiếc HCV. Tuy nhiên, tay đua người Hà Lan hoàn thành quãng đường đua với thời gian chậm hơn Fabian Cancellara 47 giây đành chấp nhận HCB.
Tuy nhiên, Christopher Froome có lẽ là người tiếc nuối nhất khi một lần nữa bỏ lỡ cơ hội giành được “cú đúp” (áo vàng TDF và HCV Olympic) trong năm 2016. Cơ hội đầu tiên ở nội dung đua đường trường, nhưng anh chỉ xếp thứ 11. Lần này, tay đua người Anh chậm so với Fabian Cancellara đến hơn 1 phút nên xếp thứ 3 chung cuộc.
Đây là chiếc HCĐ thứ 2 liên tiếp của Froome từ Olympic London 2012. Như vậy, tay đua 31 tuổi vẫn chưa thể đạt được thành tích ấn tượng như người đồng hương Sir Bradley Wiggins, cua-rơ đã giành được Áo vàng chung cuộc Tour de France và HCV Olympic trong cùng năm 2012.