Sau khi bị Liên đoàn Cầu lông Indonesia kết tội dàn xếp trận đấu, hối lộ và/hoặc cá cược, 3 vận động viên nước này đã bị cấm thi đấu suốt đời và 5 vận động viên khác bị đình chỉ thi đấu. Theo đó, Hendra Tandjaya - cựu vận động viên nhà nghề chuyên đánh đôi nam và đôi nam nữ từ năm 2014 đến 2017 - là tâm điểm của vụ bê bối này. Theo tài liệu được công bố gần đây trên trang web của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF), anh ta không chỉ tự mình tham gia vào các âm mưu bán độ, mà còn đưa tiền cho đồng hương của mình để dàn xếp tỷ số trận đấu của họ.
Hendra, cùng với các đồng phạm chính là Ivandi Danang và Androw Yunanto, đã bị cấm tham gia mọi "hoạt động liên quan đến cầu lông" suốt đời, theo "danh sách cấm" mới nhất của BWF ban hành đầu tuần này. Từ năm 2014 đến năm 2017, Hendra đã kêu gọi những bạn đánh cặp của mình và các tay vợt Indonesia khác dàn xếp các trận đấu của họ để thu lợi bất chính trong các giải đấu của BWF.
Vụ bê bối dàn xếp tỷ số kéo dài ở nhiều giải đấu, trong đó có những giải được tổ chức ở Indonesia năm 2014, cùng các giải đáng chú ý như Scottish Open Grand Prix (2015), Hong Kong Open (2016), Macau Open (2016), Syed Modi (2016 và 2017), Trung Hoa Đài Bắc mở rộng (2017), US Open Grand Prix (2017), Sky City New Zealand Open (2017) và Vietnam Open (2017).
Những nỗ lực của Hendra nhằm lôi kéo các tay vợt khác vào kế hoạch của anh ta chủ yếu được thực hiện với Ivandi, cũng là một tay vợt đánh đôi. Ngoài ra, Hendra và Ivandi còn tham gia cá cược các trận cầu lông, trực tiếp vi phạm quy định của BWF. Androw Yunanto, bạn đánh cặp của Hendra vào thời điểm đó, đã đồng ý dàn xếp kết quả các trận đấu đôi nam của họ ở hai giải đấu quốc tế để đổi lấy tiền thưởng. Androw Yunanto cũng thao túng các trận đấu với một đồn đội khác trong những sự kiện riêng biệt để nhận tiền từ Hendra.
5 tay vợt Indonesia khác đã bị đình chỉ thi đấu vì liên quan đến các hoạt động dàn xếp tỷ số của Hendra với mức án từ 2 đến 8 năm. Sekartaji Putri, bị đình chỉ cho đến năm 2032, bị phát hiện đã dàn xếp kết quả trận đấu đôi nam nữ của cô với Hendra ở New Zealand và trận đấu đôi nữ của cô với Mia Mawarti trong cùng một giải đấu. Aditiya Dwiantoro đã nhận tiền từ Hendra để dàn xếp các trận đấu đơn nam và đôi nam tại Việt Nam, trong khi Agripinna Prima Rahmanto Putra nhận các khoản tiền bất hợp pháp để gây ảnh hưởng đến trận đấu đôi nam của anh cũng tại giải đấu Việt Nam.
Hành vi sai trái của Hendra bị đưa ra ánh sáng sau khi một tay vợt nữ Indonesia từ chối tham gia vào âm mưu của anh ta. Danh tính của người tố giác vẫn không được tiết lộ theo chính sách của BWF. Dưới đây là danh sách đầy đủ 8 vận động viên cầu lông Indonesia bị BWF phạt:
1. Hendra Tandjaya, bị cấm thi đấu suốt đời.
2. Ivandi Danang, bị cấm thi đấu suốt đời.
3. Androw Yunanto, bị cấm thi đấu suốt đời.
4. Sekartaji Putri, cấm thi đấu đến ngày 18/1/2032.
5. Mia Mawarti, cấm thi đấu đến ngày 18/1/2030.
6. Fadilla Afni, cấm thi đấu đến ngày 18/1/2030.
7. Aditiya Dwiantoro, cấm thi đấu đến ngày 18/1/2027.
8. Agripinna Putra, cấm thi đấu đến ngày 18/1/2026.
Hiệp hội Cầu lông Indonesia (PBSI) vấp phải sự chỉ trích vì phản ứng chậm chạp với cuộc điều tra. Hiệp hội đã không cung cấp kịp thời cho các tay vợt được đề cập biết thông báo của BWF về các cáo buộc chống lại họ. BWF đã thông báo cho PBSI vào ngày 27 tháng 9 năm 2019 về cáo buộc đối với 8 tay vợt Indonesia vì vi phạm Quy tắc ứng xử của BWF liên quan đến cá cược, đặt cược và kết quả trận đấu bất thường. Tuy nhiên, nhiều tay vợt liên quan đã không nhận được thông báo, trong đó PBSI trích dẫn những khó khăn trong việc xác định vị trí của họ, những thay đổi về số điện thoại và việc họ rời khỏi các câu lạc bộ trước đó.
Hơn nữa, mặc dù đã biết về cáo buộc nhưng PBSI vẫn tiếp tục đưa một trong những tay vợt bị điều tra vào các giải đấu chính thức. “Vào tháng 1 năm 2020, BWF nhận thấy rằng PBSI đã đưa AP [Agripinna Putra] tham dự trong ít nhất 4 giải đấu của BWF, kể từ lần đầu tiên được thông báo về vụ bán độ”, hội thẩm đoàn xét xử vụ này cho biết.