Fukushima và Hokkaido là những địa phương mới nhất ban bố lệnh cấm khán giả vào các địa điểm phục vụ Olympic Tokyo 2021, thay vì cho phép nhận tối đa 50% sức chứa khán giả. Hai địa phương này tổ chức các môn thi đấu thường thu hút rất đông khán giả theo dõi đó là bóng chày, bóng mềm và bóng đá.
Cách đây gần 2 tuần, Tokyo và 3 địa phương nằm gần kề là Chiba, Kanagawa và Saitama đã xác nhận sẽ không cho khán giả vào sân trực tiếp theo dõi thi đấu Olympic để phòng chống dịch Covid-19.
Những quyết định kể trên biến Olympic Tokyo thành "sân khấu chỉ có hơi thở của các VĐV", thay vì sự ồn ào náo nhiệt từ các khán đài nơi hằng chục, trăm nghìn khán giả lũ lượt tới cổ vũ. Và điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Thế vận hội khiến nhiều tập đoàn, công ty lớn đã chi hằng tỷ đô la tài trợ để khai thác thương mại giờ buộc phải tìm cách xoay sở.
-->> Olympic Tokyo: VĐV "tự lấy huy chương", có người nhà cổ vũ trực tuyến
Một ví dụ điển hình là thương hiệu đồ thể thao lừng lẫy Nhật Bản - Asics. Công ty này từng kỳ vọng, 70% số giày thể thao bán ra nhờ "hiệu ứng Thế vận hội" sẽ nằm trong 2 tháng trước và trong sự kiện Olympic Tokyo (tức tháng 7, 8/2021).
Và một phần chiến lược đẩy mạnh marketing theo Olympic Tokyo đó là việc Asics khai trương một trung tâm triển lãm công nghệ thể thao rộng 275 mét vuông ở khu quận mua sắm nổi tiếng Harajuku, cùng nằm trên con đường nơi đóng bản doanh một cửa hàng hàng đầu (Flagship Store) của Asics.
Asics từng hy vọng những khán giả lấp đầy SVĐ quốc gia Yoyogi sẽ tìm mua đồ lưu niệm và quần áo thi đấu. "Trong quá khứ, ở những kỳ Olympics, doanh số bán hàng thường tăng rất mạnh khi VĐV Nhật đứng trên bục nhận huy chương và lá cờ tổ quốc được kéo lên", Naoku Matsushita, GĐ điều hành văn phòng Asics, cho biết.
Tuy nhiên, hiện tại, mọi cánh cổng dẫn vào các địa điểm thi đấu của Olympic Tokyo sẽ đóng chặt với khán giả, giữa lúc làn sóng dịch Covid lần thứ tư buộc chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Nhật Bản.
Trước đó, hồi tháng 3 Ban tổ chức đã ra quyết định không đón khán giả nước ngoài tới theo dõi Olympic. Khi ấy các nhà tài trợ đánh giá tác động trên sẽ làm giảm đáng kể doanh thu thương mại kỳ vọng từ Thế vận hội.
Giờ với việc cả những khán giả Nhật cũng không thể vào địa điểm thi đấu, nó buộc Asics và phần nhiều trong số 67 tập đoàn, công ty lớn nhỏ khác - vốn đã đổ 3 tỷ đô la tiền tài trợ vào Thế vận hội - phải xoay sở điều chỉnh kế hoạch marketing.
-->> Các nhà tài trợ Olympic ứng phó thế nào trước tình trạng bấp bênh của Tokyo 2020?
Thực tế, ngay cả trong trường hợp cho khán giả vào sân với số lượng hạn chế hoặc không thì vẫn có những nhà tài trợ khác bị ảnh hưởng bởi những lệnh cấm khác.
Cách đây 1 tháng, hãng bia khổng lồ Asahi đã lường trước được doanh số bán hàng sụt giảm khi BTC Olympic Tokyo ra lệnh cấm bán đồ uống có cồn tại tất các địa điểm thi đấu. Tuy vậy, Asahi đưa ra con số dự báo mới: 2,3 nghìn tỷ Yên (20,9 tỷ đô la) doanh thu năm nay, tăng 13,2% so với năm trước, phần nhờ người tiêu dùng đổ xô đi mua những sản phẩm đồ uống của hãng có in logo biểu trưng Olympics.
"Một thực tế đã được chứng minh đó là người ta thường chọn mua "một sản phẩm Olympic" thay vì "một sản phẩm không Olympic" ở thời điểm Thế vận hội", Rob Prazmark, CEO của 21 Marketing, đơn vị giúp tạo nên chương trình đối tác của Olympic có tên gọi là TOP, cho hay.
Thực tế thì 18% ngân sách của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đến từ việc hợp tác với TOP, đơn vị đứng ra nắm bản quyền khai thác marketing với những gã khổng lồ như Toyota Motor, Visa và Alibaba Group Holding.
Còn 68 đơn vị tài trợ nội địa, những Công ty có hợp đồng với BTC Olympic Tokyo 2021, đang bị giới hạn phát sóng quảng cáo cũng như làm marketing thương hiệu chỉ trong phạm vi đất nước chủ nhà Nhật Bản. Và khi Olympic đang trở nên "xa lạ" ngay giữa nước Nhật - vì lệnh cấm vào sân theo dõi trực tiếp - nhiều nhà tài trợ có lý do lo lắng về "hiệu ứng tiêu cực từ việc hợp tác với Olympic".
Phát ngôn viên của hãng Asahi từng tiết lộ rằng chính công ty này đã đề xuất việc "cấm bán đồ uống có cồn" với BTC Olympic Tokyo. Asahi rõ ràng không muốn đối đầu phản ứng từ dư luận, công chúng vốn đã chịu đựng đến phát ngán việc giãn cách nên không thể tới nhà hàng hay quán Bar thoải mái kể từ cuối tháng 4.
"Nguyên nhân thực sự để một công ty đồ uống tham gia vào sự kiện thể thao như Olympic không hẳn vì doanh số bán hàng tại sự kiện đó, mà là việc họ sẽ bán sản phẩm cho ở quốc gia đăng cai như thế nào", Prazmark nhận xét.
Nếu Asahi cố gắng né "trực tiếp khai thác thương mại" ở các địa điểm thi đấu Olympic thì những nhà tài trợ trong mảng công nghệ kỹ thuật, như NEC và NTT vẫn đang nhắm đến Thế vận hội lần này như là sự kiện tối quan trọng để "trình diễn" sản phẩm và dịch vụ của mình.
NEC đã có kế hoạch đặc biệt sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt phục vụ cho mục đích truy vết Covid-19, cũng như công nghệ đo thân nhiệt tối tân nhất.
Trong khi đó nhà cung cấp viễn thông khổng lồ NTT còn tính xa hơn hơn đến viễn cảnh phục vụ khán giả không thể vào các địa điểm thi đấu theo dõi trực tiếp Olympic, khi sử dụng công nghệ truyền sóng chất lượng cao, công nghệ thực tế ảo, dựa trên mạng 5G, ở các môn như đua thuyền, golf, bơi...
Nếu có nhà tài trợ nào bị "tổn thương" lớn nhất khi Olympic diễn ra giữa đại dịch Covid-19 đó có lẽ là những công ty lữ hành du lịch hay các vận tải.
Hai hãng hàng không Japan Airlines và All Nippon Airways đã ký hợp đồng "tài trợ vàng" với BTC Olympic Tokyo khi mà họ nhìn thấy "phần thưởng" những đối tác cùng ngành nghề khác đã gặt hái thành công ở Olympic London 2012 hay gần nhất là Thế vận mùa Đông 2018 ở Pyeongchang.
Riêng doanh thu của hãng Korean Air đã tăng 7,2% trong năm Olympic mùa Đông diễn ra tại Pyeongchang, Hàn Quốc, khi lượng khách đi lại đến quốc gia này tăng mạnh.
Còn mức độ nhận diện thương hiệu của British Airways tăng vọt từ 38% lên 54% trong năm 2012 nhờ Thế vận hội mùa Hè tại London, một kỳ Olympic được đánh giá "thân thiện và mến khách", theo kết quả phân tích khảo sát của đơn vị quảng cáo Millward Brown.
Giờ khi Olympic Tokyo gần như đóng cửa tuyệt đối với khán giả, công ty du lịch hàng đầu Nhật Bản, JTB đang phải đối mặt bài toán hoàn tiền cho các gói du lịch xem Olympics hạng sang từng được đặt trước với giá từ 1.710 đô la tới tận 40.949 đô la/người.
Trở lại với Asics, vấn đề "Olympic không khán giả" bớt nghiêm trọng bởi công ty này đã đưa phương án rủi ro trên trên vào dự báo tài chính và như thế dự báo doanh thu của Asics vẫn trong tầm kiểm soát. Công ty tài trợ trang phục cho đoàn Nhật Bản, Úc và các tình nguyện viên Olympic Tokyo lần này vẫn kỳ vọng doanh số bán hàng tăng 20,1% trong năm 2021.
Rõ ràng, đánh giá như Prazmark, "Thế giới vẫn sẽ nhìn về phía trước tìm kiếm điều tốt đẹp sẽ xảy ra sau gần 1 năm rưỡi thảm họa đại dịch, và Olympic Tokyo là một điều tốt đẹp".
"Sẽ còn có nhiều cơ hội khác để quảng bá thương hiệu, với những sự kiện thể thao lớn nối tiếp. Chiếc cốc hiện chỉ đầy một nửa, không phải rỗng một nửa".