Trải qua hơn thế kỷ thăng trầm, vượt lên chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, Olympic vẫn đang nỗ lực trung thành với tôn chỉ "thể thao không biên giới".
*
**
Olympic đầu tiên khởi nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao thời Hy Lạp cổ đại, năm 776 trước Công nguyên (cách đây 2.792 năm). Trải qua hàng thế kỷ, ngọn đuốc được truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác, bất chấp mọi thể chế chính trị, xuyên qua những cuộc chiến tranh tàn khốc, những cuộc tẩy chay gay gắt. Trên tất cả, Olympic là nỗ lực không biết mệt mỏi, là thành tựu rất đáng tự hào của con người.
Olympic cổ đại
Olympic cổ đại được tổ chức vào mùa hè cứ bốn năm một lần tại đền thờ thần Zeus ở thành phố Olympia. Olympic cổ đại đầu tiên có thể tính bắt đầu từ năm 776 trước Công nguyên.
Ngoài các hoạt động thi đấu thể thao, Olympic còn một chuỗi các nghi lễ mang màu sắc tín ngưỡng vinh danh các vị thần cho đến khi Hoàng đế Theodosius ra lệnh cấm vào năm 393 sau Công nguyên. Người chiến thắng đầu tiên ở Olympic là Coroebus, một đầu bếp từ xứ Elis.
Sau hàng thế kỷ "ngủ vùi" theo thời gian, ý tưởng làm hồi sinh Olympic được đưa ra bởi một người Pháp. Pierre de Coubertin, nhà sư phạm có mối quan tâm đặc biệt đến giáo dục thể chất và vai trò thể thao trong trường học.
Ông đã đề xuất rằng Olympic của người Hy Lạp cổ đại cần được tái hiện để tôn vinh nền hòa bình thế giới. Ông là nhà sáng lập Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và là cha đẻ của Olympic hiện đại.
Năm 1894, IOC quyết định kỳ Olympic hiện đại diễn ra 4 năm một lần, bắt đầu từ năm 1896 tại nơi khởi nguồn của nó là Athens.
1. Athens (Hy Lạp) 1896
245 VĐV nam từ 14 quốc gia đã tranh tài trong 9 môn thi đấu ở kỳ Olympic hiện đại đầu tiên tại Athens (Hy Lạp). Marathon hiện đại ra đời. VĐV đầu tiên giành chiến thắng là Spiridon Louis, một người Hy Lạp.
Các sinh viên Mỹ thống trị trên đường chạy nhưng VĐV TDDC Đức, Hermann Weingartner, mới là người giành nhiều huy chương nhất ở kỳ Olympic này.
2. Paris (Pháp) 1900
Sau 4 năm, số VĐV tham gia Olympic ở kỳ thứ 2 tại Paris đã tăng vọt lên đến 1.319 người từ 22 quốc gia. Phụ nữ bắt đầu được tham gia tranh tài.
Olympic lần thứ 2 có 19 môn với 85 nội dung thi đấu. Hầu hết các VĐV chiến thắng đều nhận cúp thay vì huy chương. Charlotte Cooper, VĐV quần vợt người Anh trở thành nữ vô địch đầu tiên của Olympic hiện đại.
3. St Louis (Mỹ) 1904
687 VĐV đại diện cho 13 quốc gia thi đấu 94 nội dung thuộc 16 môn tại St Louis 1904. Đoàn VĐV Mỹ áp đảo về số lượng với 525 người, chiếm 76% số người tham dự. Một số môn thể thao chỉ là chuyện tranh đấu nội bộ của người Mỹ.
Người giành huy chương nhiều nhất là VĐV Anton Heida (Mỹ) với 5 HCV và 1 HCB ở môn TDDC nam. Hai kỳ Olympic 1904 và 1900 khiến Coubertin không hài lòng bởi chúng vẫn mang nhiều màu sắc "hội chợ" hơn là đại hội thể thao thuần túy.
4. London (Anh) 1908
2.035 VĐV bao gồm cả nam lẫn nữ đến từ 22 quốc gia tới London để tranh tài trong 14 môn thi đấu. Giải này nổi cộm vấn đề trọng tài người Anh khiến đoàn Mỹ đe dọa rời khỏi giải.
Dorando Pietri, một chủ cửa hàng kẹo ở Italia, bị ngã trong cuộc thi marathon khi chỉ cách vạch đích vài bước. Các trọng tài người Anh giúp...khiêng qua vạch đích. Trước sự phản đối của đoàn Mỹ, thành tích của Dorando Pietri bị hủy bỏ và VĐV Mỹ về đích ngay sau đó được công nhận là người chiến thắng.
5. Stockholm (Thụy Điển) 1912
Môn pentathlon (5 môn phối hợp hiện đại gồm chạy, đua ngựa, bơi, đấu kiếm và bắn súng) bắt đầu được đưa vào thi đấu tại Stockholm (Thụy Điển) năm 1912. Môn TDDC là môn phổ biến nhất với 1.000 VĐV từ 13 quốc gia tranh tài.
Đồng hồ điện tử lần đầu tiên được sử dụng để theo dõi kết quả các cuộc thi đấu. Jim Thorpe, VĐV Mỹ đã giành chiến thắng cả 2 môn pentathlon và decathlon (10 môn phối hợp).
Nhưng 6 tháng sau, Jim Thorpe bị yêu cầu trả lại huy chương Olympic vì BTC phát hiện ra anh này đã từng chơi bóng chày bán chuyên nghiệp, trái luật vào thời điểm đó. Năm 1982, IOC mới khôi phục danh hiệu và trả lại huy chương cho Jim Thorpe.
6. Antwerp (Bỉ) 1920
Sau khi bị gián đoạn năm 1916 do Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra (Berlin của Đức lẽ ra làm chủ nhà), Antwerp được lựa chọn để tổ chức Olympic lần thứ 6, sau Olympic tại Stockholm tới 8 năm. Antwerp được IOC chọn lựa để tôn vinh Bỉ, quốc gia đã bị chiếm đóng trong suốt 4 năm của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Đức, Áo, Bulgaria, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia bại trận trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, không được mời tham dự. Oscar Swahn (Thụy Điển) trở thành VĐV cao tuổi nhất giành được huy chương ở tuổi 72 với chiếc HCB ở môn bắn súng
7. Paris (Pháp) 1924
Tại Paris 1924, 3.092 VĐV từ 44 quốc gia đến góp mặt tranh tài trong 17 môn (126 nội dung). Ở kỳ Olympic này, khẩu hiệu kinh điển “citius, altius, fortius” (nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn) được sử dụng lần đầu tiên. Tinh thần Olympic ấy được truyền lại cho đến tận bây giờ.
Thế nhưng, các CĐV Pháp đã gây phản cảm khi la ó, huýt sáo lúc cử hành quốc ca của các nước khác. Đáng chú ý nữa, VĐV Mỹ Johnny Weissmuller, người giành 3 HCV bơi tự do (100m, 400m, đồng đội 4x200m) đã trở thành ngôi sao Hollywood với vai Tarzan trong loạt phim cùng tên sau Olympic 1928.
8. Amsterdam (Hà Lan) 1928
Mặc dù phụ nữ được tham gia Olympic từ năm 1912 song phải 16 năm sau, họ mới được tranh tài ở môn điền kinh tại Amsterdam 1928.
Đức được mời tham gia trở lại sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ấn Độ lần đầu tiên có HCV trong môn khúc côn cầu nhờ Dhyan Chand, VĐV giành tiếp cả 2 HCV ở 2 kỳ Olympic sau đó.
9. Los Angeles (Mỹ) 1932
Chỉ có 1.408 VĐV từ 37 quốc gia đến Los Angeles tham dự Olympic 1932 do kinh tế thế giới rơi vào thời kỳ đại suy thoái từ năm 1929 đến cuối thập niên 1930.
Ở kỳ Olympic này, máy chụp ở vạch đích và đồng hồ tự động bắt đầu được vận dụng. Nghi thức trao huy chương trên bục cho các VĐV cùng lễ cử hành quốc ca của VĐV chiến thắng cũng bắt đầu được áp dụng từ đây trở về sau.
Nội dung đi bộ 50km trở thành môn thi Olympic. Về sau trở thành một tay golf cự phách, VĐV Mildred Didrikson giành HCV môn ném lao và 80m vượt rào, HCB nhảy cao. VĐV người Mỹ này được bầu chọn là VĐV nữ tiêu biểu trong nửa đầu thế kỉ 20.
10. Berlin (Đức) 1936
Berlin 1936 là kỳ Olympic đầu tiên mà nghi thức rước đuốc được tiến hành. Berlin giành quyền đăng cai Olympic năm 1931, 2 năm trước khi Adolf Hitler trở thành Thủ tướng Đức. Cùng với IOC, Hitler đã biến Olympic từ sự kiện thể thao nhỏ thành cực lớn do lần đầu tiên trong lịch sử, Thế vận hội được phát trên truyền hình với sự tham dự của 3.738 VĐV từ 49 quốc gia.
Nhưng thoạt đầu, các VĐV da đen và những người Do Thái bị cấm không được tham dự. Tuy nhiên, khi bị các nước đe dọa tẩy chay, Hitler đành cho phép, thậm chí đặc cách cho VĐV Helene Mayer, một phụ nữ người Do Thái đứng trong đội hình Tuyển Đức.
Ireland là quốc gia duy nhất tẩy chay Olympic năm ấy để phản đối hành động bài trừ người Do Thái của Đức quốc xã. Nhà báo Thomas Wolfe kể lại lễ khai mạc Berlin 1936 hệt như một sự kiện mang tính tôn giáo: Đám đông hò hét, đung đưa theo nhịp, tung hô Hitler với vẻ sùng bái.
Bầu không khí mang đậm tính tuyên truyền của Đức quốc xã dưới thời Hitler vẫn không thể làm lu mờ thành tích của các VĐV không thuộc “chủng tộc thượng đẳng” Aryan. Lý thuyết về "chủng tộc Aryan" được Đức quốc xã tuyên truyền rằng chỉ có những người thuộc chủng tộc này (ví dụ đặc trưng cho người Aryan có tóc vàng, mắt xanh và da trắng) mới có quyền thống trị thế giới.
Nào ngờ, người Mỹ gốc Phi đã chiến thắng tất cả các cự li từ 100m đến 800m ở môn điền kinh, trong đó huyền thoại Jesse Owens giành tới 4 HCV.
(Còn tiếp)