Bắn cung vốn là môn thể thao “kén” người chơi ở Việt Nam bởi ít phổ biến và phải đầu tư lớn. Muốn thi đấu sòng phẳng ở các đấu trường quốc tế, đòi hỏi các cung thủ phải thi đấu bằng chiếc cung có giá trị trăm triệu đồng. Tuy nhiên, mức lương lại khá thấp cùng ít tham dự các giải đấu. Với mỗi VĐV có thành tích, phải thời gian khá dài họ mới có chút dư dả.
Đã thế, bắn cung vốn bị xem là đơn độc khi không có sự đối kháng cao. “Đối thủ” lớn nhất của các VĐV chính là tấm bia. Người bạn tri kỷ của họ là chiếc cung. Từ cung gỗ đến cung tự chế rồi cung giá rẻ vài triệu cho đến cung chuẩn quốc tế trăm triệu, tất cả đều là vật bất li thân của các cung thủ.
Dù vậy, cái khó lớn nhất của môn bắn cung cũng xuất phát từ những chiếc cung. Thông thường, mỗi chiếc cung tiêu chuẩn nặng từ 17-18kg. Hằng ngày, các VĐV phải “nuốt” khối lượng khoảng 200-300 lần nâng/buổi. Cứ thế, họ cứ nâng lên hạ xuống đến bở cả hơi tai. Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Đỗ Thị Ánh Nguyệt cũng không phải ngoại lệ.
Nguyễn Hoàng Phi Vũ kể rằng: “Cây cung khá cồng kềnh nhưng rất nặng. Mỗi ngày, tôi giương lên bỏ xuống 300-400 lần. Cường độ tập luyện rất vất vả, tiềm ẩn những rủi ro về chấn thương, nhất là các vấn đề liên quan đến khớp”.
Tuy nhiên, để trở thành cung thủ chuyên nghiệp, các VĐV buộc phải trải qua sự khắc nghiệt này. Họ cần nhanh chóng làm quen để duy trì sự ổn định cao. Trải qua 8 năm tập luyện, có nhiều thời điểm, chàng trai Vàng của bắn cung Việt Nam như muốn khóc vì mệt nhoài với những lần nâng lên hạ xuống.
Phi Vũ tâm sự: “Trong suốt quá trình tập luyện, việc bị đau nhức tới mức không thể nhấc tay lên được là chuyện bình thường. Nhiều lúc ăn cơm mà tay run run không cầm nổi đũa”.
Sự khắc nghiệt từ các cung thủ còn đến khi họ phải tập luyện ngoài trời. Những ngày lạnh cắt da hay nắng rát đều phải “nuốt” khối lượng nặng để duy trì sự ổn định. Thế nhưng, vốn bản tính siêng năng, cần cù, chịu khó, các VĐV xem đây là thử thách để vượt qua.
“Thời gian đầu tập luyện, tôi chưa quen nhưng riết rồi không thấy vấn đề gì cả. Khi đau quá thì tập nhẹ lại hay nghỉ hồi phục. Đến khi nào khỏe lại thì tập luyện bình thường. Có vất vả mới là thể thao. Bắn cung cũng giúp chúng tôi có được tâm lý tốt hơn khi cần phải kiên nhẫn”, Phi Vũ thổ lộ.
Con đường đi đến thành công không hề dễ dàng. Cả Phi Vũ và Ánh Nguyệt luôn trải qua hành trình gian khó để đi đến vạch đích cuối cùng. Tấm vé dự Olympic là minh chứng cho tinh thần vượt khó của các cung thủ Việt Nam.