800m tự do không phải là nội dung mạnh của kình ngư đất Tây Đô. Khả năng đua tranh thậm chí còn thua hẳn cự li 200m tự do mà Viên từng gây thất vọng hai ngày trước khi chỉ đứng 26/29 VĐV dự tranh, với thành tích kém cả VĐV đứng hạng 7 SEA Games 30.
Tại SEA Games 30, Viên cũng chỉ đoạt HCB 800m tự do, với 8 phút 48 giây 65, chính là thành tích xét đặc cách tới Olympic 2021, và đứng thứ 30/31 dự nội dung này.
Với những gì Viên thể hiện ở nội dung 200m tự do trước đó, giới chuyên môn dự báo quá khó để cô có phong độ cao trên đường bơi 800m tự do, vốn đòi hỏi thể lực, sức bền hơn nhiều.
Và trên thực tế ở cuộc đấu 800m tự do, tuyển thủ sinh năm 1996 đã tiếp tục cho thấy một sự sa sút đáng kinh ngạc. Ánh Viên về đích cuối đợt loại của mình, với 9 phút 03 giây 56. Cô xếp 30/31 VĐV, kém VĐV cuối vào chung kết Jianjiahe Wang (Trung Quốc) tới gần…43 giây.
Đáng nói hơn, so với thành tích nội dung 800m SEA Games 2019, thành tích Olympic của Ánh Viên thua mức HCV của đối thủ người Singapore Ching Huee Gan (8 phút 41 giây 48) tới 22 giây, kém mức HCB của chính mình (8 phút 48 giây 65) tới 15 giây. Thậm chí nó chỉ giúp kình ngư khoác áo lính đứng hạng 7 SEA Games 2019.
Thành tích của Ánh Viên ở hai nội dung 200m tự do và 800m tự do chứng tỏ nữ kình ngư từng đoạt 6 HCV SEA Games 2019 đã có một “điểm rơi” phong độ rất tệ, kết đọng cho một quy trình tập huấn nhiều khó khăn, bất cập. Việc đầu tháng 7 mới nhận suất đặc cách cũng là một lý do khiến Viên thiếu sự sẵn sàng cao nhất có thể.
Sau Olympic, nếu ngành thể thao không có phương án “giải cứu” Ánh Viên, cô gái Vàng của thể thao Việt Nam sẽ cực khó để bảo vệ một số HCV tại SEA Games 31 trên sân nhà, chứ chưa nói đến tranh chấp huy chương Asian Games 2022. Tại SEA Games 2019, Ánh Viên đoạt 6 HCV.