Đại hội đại biểu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029 Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt nam đã diễn ra sáng nay ngày 12-4 tại Hà Nội. Đáng chú ý, Đại hội đã thông qua việc đổi tên từ Hiệp hội Paralympic Việt Nam sang thành Ủy ban Paralympic Việt Nam cho phù hợp với sự phát triển cũng như thích nghi, tuân theo các quy định quốc tế.
Tại Đại hội, các đại biểu đã thông qua danh sách Ban chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 29 ủy viên. Trong đó, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Chủ tịch Hiệp hội khóa V tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Paralympic Việt Nam. Các ông Lý Đại Nghĩa và Nguyễn Doãn Tuyến được bầu giữ chức Phó chủ tịch, còn ông Trần Đức Thọ giữ chức Tổng thư ký Ủy ban.
Cũng ở nhiệm kỳ này, nhà vô địch Paralympic 2016, á quân Paralympic 2020, lực sỹ Lê Văn Công lần đầu tiên được bầu vào Ban chấp hành. Bên cạnh đó, một người rất đặc biệt đó là tỷ phú Trần Bá Dương, một trong năm tỷ phú đô la của Việt Nam được Forbes vinh danh cũng tham gia với tư cách Chủ tịch danh dự của Ủy ban Paralympic.
Trong nhiệm kỳ kéo dài 4 năm vừa qua, Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã giành 1 tấm HCB Olympic 2020, giành 1 HCV cùng 10 HCB ở Đại hội Thể thao khuyết tật châu Á tại Hàng Châu năm ngoái. Bên cạnh đó là vô số những tấm huy chương cùng kỷ lục tại đấu trường khu vực ASEAN Para Games.
Bất chấp những khó khăn thách thức từ đại dịch Covid 19, Hiệp hội Paralympic Việt Nam khóa V đã nỗ lực thúc đẩy phong trào thể dục thể thao cộng đồng không ngừng phát triển, nhiều tổ chức, cá nhân đồng hành vì sức khỏe…, tạo niềm tin cho người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng.
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng tỷ lệ người khuyết tật có cơ hội tiếp cận, tập luyện thể thao thường xuyên trong cộng đồng - ước chừng 30.000 người - vẫn rất hạn chế, nếu không muốn nói là ở mức thấp. Ngay cả số vận động viên người khuyết tật hưởng chế độ dinh dưỡng tập luyện thường xuyên của nhà nước cũng chỉ có khoảng 40 người...
Tại Đại hội, ông Lý Đại Nghĩa (PGĐ Trung tâm Huấn luyện TDTT TP. HCM) cũng đã chia sẻ tham luận khoa học về "Mô hình phát triển mạng lưới thể thao cho người khuyết tật tại thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng xã hội hóa".
Là đơn vị có số lượng người khuyết tật nhiều bậc nhất cả nước, nhiều năm qua TP. HCM cũng là địa phương cung cấp những VĐV ưu tú nhất mang về thành tích thi đấu tốt nhất cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Tuy vây, theo ông Lý Đại Nghĩa, từ định hướng xã hội hóa và "yếu tố, mục tiêu căn bản, cốt lõi của hoạt động thể thao người khuyết tật đó là giúp nhiều người khuyết tật có cơ hội tiếp cận thể thao, từ đó cải thiện thể chất, phát triển các kỹ năng, hòa nhập tốt với xã hội cộng đồng..., thay vì chỉ chú trọng giành thành tích huy chương, TP. HCM sẽ đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới thể thao cơ sở, hỗ trợ và từng bước giao quyền chủ động cho chính những người khuyết tật quản lý điều hành để từ đó ngày càng có nhiều hơn người khuyết tật được tiếp cận các hoạt động thể dục thể thao".
Được biết, Ban chấp hành Ủy ban Paralympic Việt Nam nhiệm kỳ mới cũng đã đặt ra những mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đó là thu hút 1,5 triệu người khuyết tật tham gia hoạt động và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; cơ bản hoàn thành 15 môn thể thao người khuyết tật được phổ cập rộng rãi trong cộng đồng; có khoảng 160 VĐV người khuyết tật được tập luyện thường xuyên tại các Trung tâm Huấn luyện quốc gia; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cho vận động viên tại các trung tâm, cơ sở đào tạo có vận động viên người khuyết tật thuộc ĐTQG đang theo tập; quan tâm nhiều hơn nữa tới chính sách đãi ngộ dành cho vận động viên người khuyết tật trong quá trình thi đấu và khi giải nghệ...
Trước mắt, tại kỳ Paralympic Paris 2024 vào tháng 9 tới đây, Ủy ban Paralympic Việt Nam kỳ vọng sẽ có từ 6-8 VĐV giành chuẩn tham dự. Và mục tiêu sẽ là nhắm tới 1 tấm HCV danh giá ở nội dung cử tạ với gương mặt quen thuộc Lê Văn Công, người vẫn đang nỗ lực hồi phục chấn thương vai nhằm đạt trạng thái thi đấu tốt nhất.