Nội dung đẩy tạ nam hạng thương tật F20 diễn ra tối 31/8/2021 tại Paralympic Tokyo ở Nhật Bản nhận nhiều tranh cãi sau khi xảy ra kiện cáo giữa các đoàn thể thao.
Ban đầu, nội dung này có 8 VĐV thi chung kết, bao gồm 2 VĐV Ukraine, 2 Hy Lạp, còn lại Hungary, Ecuador, Australia và Malaysia mỗi quốc gia có một VĐV.
Muhammad Ziyad Zolkefli của Malaysia được đánh giá cao nhất khi đang là nắm giữ cả kỷ lục thế giới và Paralympic với thành tích 17.29m (2017), 16.84m (Rio 2016).
VĐV sinh năm 1990 này vẫn ra thi đấu bình thường. Anh có cú ném tốt nhất là 17.94m ở lượt ném thứ ba và là thành tích cao nhất ở chung kết nội dung trên. Thành tích đó dĩ nhiên phá cả kỷ lục thế giới và Paralympic của chính Zolkefli. Thậm chí, đây còn là thông số tốt hơn cả kỷ lục quốc gia Malaysia 17.54m dành cho VĐV bình thường mà đồng hương Adi Alifuddin Hussin thiết lập tại SEA Games 2011.
Những tưởng niềm vui giành HCV và phá kỷ lục thế giới lẫn Paralympic của VĐV người Malaysia sẽ diễn ra bình thường. Nhưng sau đó đã diễn ra một sự việc mà đến bây giờ vẫn đang là chủ đề bàn cãi.
Sau khi kết thúc thi đấu, VĐV Maksym Koval của Ukraine đã gửi đơn kiện “tố” Muhammad Ziyad Zolkefli đến muộn giờ tập trung khi BTC gọi tên VĐV có mặt ở phòng chờ để ra thi đấu. VĐV người Malaysia sau đó được xác nhận mắc lỗi này, nằm trong quy định của đại hội và bị đánh lỗi DNS (Did Not Start - tức không thi đấu).
Maksym Koval được đẩy lên vị trí số 1 và nhận HCV. VĐV này đạt thành tích 17.34m, phá kỷ kỷ lục thế giới và Paralympic cũ của Muhammad Ziyad Zolkefli. Giành HCB cũng là một VĐV Ukraine khác là Oleksandr Yarovyi (17.30m). Còn Efstratios Nikolaidis (Hy Lạp) giành HCĐ với thông số 15.93m.
Quyết định trên khiến bản thân Muhammad Ziyad Zolkefli và đoàn Malaysia rất thất vọng. Ông Khairy Jamaluddin, cựu bộ trưởng thể thao trẻ Malaysia phát biểu trên báo nước này rằng: “Đây là một quyết định đáng xấu hổ và đi ngược lại tinh thần thể thao người khuyết tật của ban tổ chức Paralympic Tokyo. Một tấm HCV bị đánh cắp”.
Một quan chức của thể thao Malaysia thì lên tiếng: “Tại sao Ziyad mắc lỗi về quy định trong phòng tập trung mà họ vẫn để cậu ấy thi đấu? Thật không thể chấp nhận được!”.
Tuyển thủ thể dục dụng cụ Farah Ann Abdul Hadi cũng lên tiếng và cho rằng quyết định này “không công bằng”, “thiếu chuyên nghiệp” và “phi thể thao”.
Được biết, hai VĐV của Ecuador và Australia cũng bị đánh lỗi DNS nên hai quốc gia này cùng Malaysia khiếu kiện quyết định trên.
Malaysia tham dự Paralympic Tokyo với 25 VĐV ở các môn: điền kinh, bơi, bắn cung, xe đạp, cầu lông, cử tạ… Quốc gia này đã giành 1 HCV, 2 HCB và đang tạm xếp hạng 47 trên bảng tổng sắp.
Người giành HCV cho Malaysia là Bonnie Bunyau Gustin ở môn cử tạ nam dưới 72kg. Còn 2 HCB thuộc về Chew Wei Lun môn boccia đơn nam BC1 và Yee Khie Jong môn cử tạ nam dưới 107kg.