Các tuyển thủ Olympic Mỹ: Không phải ai cũng giàu như Phelps

thứ sáu 29-7-2016 7:05:02 +07:00 0 bình luận
Sự giàu có của kình ngư Michael Phelps chỉ là điểm sáng le lói trong bức tranh ảm đạm về cuộc sống của phần lớn các VĐV Olympic Mỹ.

Sự giàu có của kình ngư Michael Phelps chỉ là điểm sáng le lói trong bức tranh ảm đạm về cuộc sống của phần lớn các VĐV Olympic Mỹ.

VĐV Olympic phải ăn … mì tôm cầm hơi

Jason Pryor, một trong những kiếm thủ xuất sắc nhất của Mỹ, hiện đang phải … ở trọ và thường xuyên sống trong tình trạng “cháy túi”. Rower Megan Kalmoe, 3 lần dự Olympic và 1 lần VĐTG năm 2015, hiện đang phải nhận mức lương tháng… dưới mức chuẩn nghèo của Liên bang.

Đây chỉ là là hai trong số rất nhiều những trường hợp các VĐV Olympic của Mỹ đang phải gánh chịu một cuộc sống khó khăn và khổ sở hơn rất nhiều so với những gì mà NHM vẫn thường nghĩ về họ - những VĐV hàng đầu chinh chiến ở những giải đấu hàng đầu hẳn rất giàu.

Không giống như những đồng nghiệp ở một số quốc gia khác, các VĐV Olympic của Mỹ không nhận được bất kỳ nguồn tài trợ nào từ Chính phủ. Thay vào đó, Ủy ban Olympic của Mỹ (USOC) phải dựa hoàn toàn vào nguồn thu từ việc bán quyền truyền hình và nguồn bảo trợ của các doanh nghiệp để chu cấp cho các VĐV.

Tuy nhiên, ở trong một môi trường cạnh tranh kinh tế như hiện nay, việc xin được nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp là vô cùng khó khăn, nhất là khi các chương trình Olympic Mỹ phải tranh đấu với những Liên đoàn thể thao chuyên nghiệp trong nước như Liên đoàn Bóng bầu dục, Liên đoàn Bóng chày, Liên đoàn bóng rổ… Đó đều là cái tên hấp dẫn hơn rất nhiều so với đoàn Olympic Mỹ về mặt truyền thông cũng như khả năng sinh lời.

Paula Lynn Obanana và Eva Lee.
Paula Lynn Obanana và Eva Lee.

Năm 2014, USOC đã hỗ trợ 24 triệu USD trong việc trả tiền lương, thưởng, bảo hiểm sức khỏe và phí tập luyện cho hơn 1.800 VĐV nước này dự Olympic tại Sochi, Nga.

Tính ra, trung bình mỗi VĐV chỉ nhận được hơn 13.000 USD cho chiến dịch này và chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí mà hai tay vợt Paula Lynn Obanana và Eva Lee phải đầu tư trong suốt năm 2015 để có thể giành suất tới Rio 2016 (100.000 USD). 

Dù được các nhà tài trợ “gánh” cho 60% chi phí, Paula Lynn Obanana và Eva Lee vẫn phải đối mặt với khoản kinh phí quá lớn so với mức thu nhập của họ. Trong thời gian du đấu, 2 VĐV này đã phải tiết kiệm đến mức tối đa bằng cách ngủ nhờ nhà bạn, hoặc thuê khách sạn giá rẻ, sử dụng các phương tiện công cộng để di chuyển, thậm chí là không thuê HLV và ăn mì tôm để cầm hơi.

Trong khi đó, dù đứng thứ 2 thế giới ở bộ môn 10 môn phối hợp, Jeremy Taiwo đang phải bươn trải với mức thu nhập thuộc diện dưới chuẩn nghèo của Mỹ.

“Số tiền bạn kiếm được chưa chắc đã phản ánh đúng tài năng, vị thế cũng như công sức mà bạn bỏ ra trong các buổi tập”, Jeremy Taiwo cho biết. “Hoàn cảnh của tôi hiện tại cũng giống như rất nhiều VĐV Olympic khác của Mỹ, đặc biệt trong bộ môn Điền kinh”.

VĐV 26 tuổi này chia sẻ thêm, để có cơ hội được thi đấu vài ngày tại Olympic, các VĐV phải bỏ ra ít nhất hàng chục nghìn USD để thanh toàn các khoản phí tập luyện, trang thiết bị, đi lại, ăn ở, chi phí cho việc thuê HLV và thậm chí cả chuyên gia massage.

Theo quy định của USOC, các VĐV Olympic sẽ nhận được 25.000 USD nếu giành HCV, 15.000 USD cho 1 chiếc HCB và 10.000 USD nếu giành HCĐ. Nếu so với những khoản chi phí mà các VĐV phải bỏ ra, những khoản tiền thưởng trên của USOC đúng là chỉ mang tính chất an ủi. 

VĐV Jeremy Taiwo.
VĐV Jeremy Taiwo.

Thống kê của Money Nation cho thấy, dù thì đấu hay không, kình ngư người Mỹ Michael Phelps luôn thu về ít nhất 12 triệu USD/năm từ các hợp đồng quảng cáo. Xét rộng hơn, 98% giá trị tài sản của Phelps đến từ các hợp đồng quảng cáo, còn những khoản tiền thưởng từ USOC hay Liên đoàn Bơi lội của Mỹ cho các huy chương giành được chỉ chiếm đúng 2% mà thôi.

Theo cựu Chủ tịch của USOC Steve Roush, những nhà VĐ ở các môn thi đấu thu hút người xem như Michael Phelps rất dễ dàng trở thành triệu phú.

“Các nhà bảo trợ ngày nay đều quan tâm đến việc bán được sản phẩm của họ, do đó họ chỉ chú ý đến những môn thể thao hoặc vận động viên nào có sức thu hút mạnh trên truyền hình. Tuy nhiên, nhiều môn thể thao lại không đáp ứng được những mục tiêu đó. Hậu quả là những môn thể thao nào không tạo được sự thu hút trên truyền hình thì những môn đó không nhận được tài trợ cũng như hợp đồng quảng cáo”, ông Steve Roush cho biết.

Michael Phelps là số ít các VĐV Olympic của Mỹ có cuộc sống dư giả.
Michael Phelps là số ít các VĐV Olympic của Mỹ có cuộc sống dư giả.

Muôn màu cách xin viện trợ từ xã hội

Cũng đỡ phần nào cho các tuyển thủ Olympic nghèo của Mỹ là hiện đang có những tổ chức kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng để giúp bất cứ ai muốn hoàn thành những dự án hay sản phẩm khi mà họ có ý tưởng, nhưng lại không có tiền để thực hiện.

Tận dụng sự nở rộ của các tổ chức như thế tại Mỹ như "Go Fund Me" hay "Rally Me", các VĐV của Mỹ đã kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng bằng cách chia sẻ câu chuyện sự nghiệp của bản thân lên các trang mạng hưởng ứng phong tràonày thông qua các bài viết hay video.

Những cá nhân, đơn vị, tổ chức có lòng hảo tâm giúp đỡ sẽ được đền đáp bằng các phần quà mang ý nghĩa tượng trưng từ VĐV như chữ ký, đồ dùng thể thao và thậm chí là một buổi gặp gỡ trực tiếp.

Đơn cử như trường hợp Jeremy Taiwo: anh vừa phải cầu cứu bạn bè và các Mạnh thường quân hỗ trợ do không đủ khả năng để chi quá 400 USD/tháng cho tiền ăn. 

Đại diện của tổ chức "Go Fund Me" cho biết đã có gần 700.000 USD được quyên góp cho hơn 140 chiến dịch liên quan tới Olympic 2016.

Bắt đầu kêu gọi sự trợ giúp trên trang của "Go Fund Me" từ tháng 6/2015, Paula Lynn Obanana và Eva Lee đã nhận được hơn 13.000 USD. Con số này của VĐV trượt tuyết Paula Moltzan và Jeremy Taiwo lần lượt là 23.200 USD và 32.000 USD. 

Ngày càng nhiều VĐV tìm kiếm nguồn tài trợ từ các trang web crowdfunding.
Ngày càng nhiều VĐV tìm kiếm nguồn tài trợ từ các trang web kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng

“95% VĐV dự Olympic của Mỹ không có đủ tài chính để trang trải chi phí tập luyện và thi đấu. Rất nhiều trường hợp các VĐV phải sống ở mức dưới nghèo. Vì nếu muốn giành suất thi đấu Olympic, họ phải cống hiến cả đời cho môn thể thao đó, thậm chí bỏ ra 12 tiếng mỗi ngày trong phòng tập”, ông Rob Salomon, CEO của tổ chức "Go Fund Me" cho biết.

Bên cạnh sự phát triển của phong trào kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng thì trên trang AthleteBiz.com, các VĐV điền kinh của Mỹ còn kiếm viện trợ bằng cách mở ra các khóa học, các buổi thuyết trình, thảo luận hoặc những buổi giao lưu trực tiếp. Một số VĐV còn mở ra các cửa hàng trực tuyến để kiếm thêm trong những lúc bí bách.

Các VĐV thi đấu đỉnh cao thường sẽ không thể đi làm thêm bởi việc tập luyện và thi đấu gần như đã chiếm hết quỹ thời gian trong ngày của họ. Tuy nhiên, nếu họ có thể sắp xếp được thì đây là ý tưởng không tồi.

Ví dụ từ tháng 03/2016 đến nay, công ty kinh doanh đồ thể thao Dick’s Sporting Goods đã tạo công ăn việc làm cho hơn 200 VĐV dự Olympic của Mỹ.

Chính nhờ có sự hỗ trợ của toàn xã hội, các VĐV Mỹ mới hoàn thành được giấc mộng cả đời họ là tham dự Olympic, cũng như cống hiến cho thể thao. Nhận được khoảng 51.000 USD từ "GoFundMe" tính cho tới sáng nay, Jeremy Taiwo thừa nhận nếu phải một mình xoay sở, anh ắt hắn đã giải nghệ từ lâu!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm