Đo nhịp tim từ xa, theo dõi 3D 360 độ và các công nghệ đỉnh tại Olympic 2021

Việt Long
thứ bảy 7-8-2021 16:30:48 +07:00 0 bình luận
Tại mỗi kỳ Thế vận hội, quốc gia đăng cai như tham gia vào một cuộc "chạy đua vũ trang" về công nghệ để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho VĐV cũng như khán giả.

Tại các Kỳ thế vận hội, phần lớn khán giả theo dõi các VĐV thi đấu vẫn phải ngồi trước màn hình tivi, điện thoại hoặc máy tính. 

Điều này thúc đẩy một cuộc chạy đua về mặt công nghệ cho BTC nhằm mang đến những trải nghiệm tốt hơn, đỉnh cao hơn cho người hâm mộ. 

Đơn vị sản xuất truyền hình - Olympics Broadcasting Services (gọi tắt là OBS) - là nhóm phụ trách sản xuất ra khối lượng nội dung lên đến hơn 9.500 giờ phát sóng tại thế vận hội mùa hè năm nay. 

Một khu vực làm việc tại đại bản doanh của OBS (Ảnh: AP)

Họ sử dụng hơn 1.000 máy quay và 3.600 micro, nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là những công nghệ đỉnh cao đậm chất Nhật Bản.

Điều đặc biệt là những công nghệ này xuất phát từ nhiều công ty Nhật Bản khác nhau, cũng chung tay mang đến một kỳ Olympic đáng nhớ nhất cho khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ.

Hãy cùng xem qua những công nghệ ấn tượng được áp dụng tại Olympic 2021.

ĐO DỮ LIỆU SINH TRẮC HỌC… TỪ XA

Nếu nhìn vào một VĐV bắn cung, người xem sẽ thấy họ cố gắng giữ cơ thể tĩnh nhất có thể trước khi bắn. Nhưng ở bên trong cơ thể các VĐV là sự điều chỉnh về nhịp tim để những cung thủ đạt độ chính xác cao nhất.

Tại Olympic 2021, người xem sẽ được theo dõi trực tiếp nhịp tim của các VĐV bằng thông số hiện lên màn hình, giúp họ hiểu rõ hơn về một bộ môn có yêu cầu kỹ thuật rất cao.

Nhịp tim của các cung thủ được đo trực tiếp và thể hiện ở góc trái dưới (Ảnh chụp màn hình)

Vậy những con số ấy xuất phát từ đâu? BTC không thể đặt các cảm biến đo nhịp tim lên người các VĐV để họ có thể tập trung tối đa vào việc thi đấu.

Vì vậy, họ nhờ đến công nghệ theo dõi của Panasonic, sử dụng 4 máy quay đặt cách vị trí đứng bắn khoảng 12 mét.

Những camera được dùng để đo nhịp tim của các cung thủ tại Olympic

Những camera này sẽ chiếu thẳng vào gương mặt của các cung thủ, theo dõi những chuyển động nhỏ nhất trên mặt (cơ mặt, mạch máu, mắt và nhịp thở) để xuất ra các thông số như nhịp tim, độ căng thẳng. 

Qua đó, hệ thống máy tính sẽ xác định xem các VĐV có đang bị adrenaline ảnh hưởng hay không và thể hiện nhịp tim trực tiếp lên màn ảnh cho khán giả theo dõi.

Video giới thiệu về công nghệ đo dữ liệu sinh trắc học không tiếp xúc của Panasonic:

CÔNG NGHỆ QUAY CHẬM 4K 360 ĐỘ

Trong một số địa điểm thi đấu, BTC bố trí từ 60-80 camera tốc độ cao (high-speed camera) với độ phân giải 4K, sẵn sàng làm chậm những tình huống một cách tốt nhất và rõ ràng nhất cho khán giả. 

Theo OBS, các bộ môn được đầu tư nhiều góc máy nhất bao gồm bóng rổ, bóng đá, điền kinh, thể dục dụng cụ, golf, trượt ván và bóng chuyền. 

Rất nhiều máy quay như thế này được bố trí tại các địa điểm thi đấu để cung cấp hình ảnh quay chậm cùng độ phân giải 4K về cho hệ thống máy tính xử lý

Toàn bộ số máy quay này đều được điều khiển từ xa và có thể di chuyển hoặc zoom hoàn toàn tự động.

Một người vận hành sẽ chọn thời điểm muốn làm chậm tình huống diễn ra trên sân, sau đó toàn bộ hệ thống sẽ thực hiện tác vụ để xuất ra những video siêu chậm có độ phân giải lớn.

Ví dụ về công nghệ True View của Intel được áp dụng tại giải bóng đá Tây Ban Nha - La Liga:

Theo lý giải của OBS, toàn bộ hệ thống với 60-80 máy quay 4K sẽ đảm bảo các video quay chậm không bị thiếu khung hình.

Từ đó, máy tính sẽ không cần phải lót thêm các khung hình phụvà giúp video quay chậm có thể được đưa lên sóng trực tiếp trong vòng dưới 5 giây.

HỆ THỐNG THEO DÕI CHUYỂN ĐỘNG 3D

Ở môn điền kinh, người xem sẽ được thấy ngay các thông số chuyên sâu và hình ảnh độ họa liên quan đến các nội dung chạy cự ly ngắn (100-400 mét hoặc 4x100 mét tiếp sức).

Nhờ công nghệ theo dõi chuyển động 3D được kết hợp giữa Intel và Alibaba, mỗi VĐV được đo tốc độ, quãng đường chạy và thời gian bứt tốc riêng biệt. 

Mọi thông số này đều được xuất ra ngay sau khi VĐV hoàn tất cự ly và được đưa lên sóng trực tiếp sớm nhất có thể, cho thấy VĐV nào có màn trình diễn tốt nhất trong từng lượt chạy.


ROBOT KHẮP MỌI NƠI

Dự án Tokyo Robot là đơn vị phụ trách hơn 100 robot phục vụ nhiều mục đích khác nhau trong công tác tổ chức thế vận hội.

Bên cạnh những robot hoạt động tại làng Olympic, nhiều robot khác sẽ được sử dụng ở sân thi đấu, phục vụ việc thu hồi tạ, lao trong các môn đơn của điền kinh như ném tạ và ném lao.

Điều này giúp giảm lượng nhân sự có mặt tại sự kiện và giúp các nội dung thi đấu diễn ra trơn tru hơn nhờ tốc độ thu hội rất nhanh của những robot này.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm