Để trở thành 1 VĐV bắn súng và đạt thành tích cao, các xạ thủ phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để rèn độ "lỳ đòn" trong mỗi phát súng.
Làm một VĐV bắn súng vừa dễ nhưng đồng thời lại rất khó. Ai cũng có thể bắn trúng tấm bia có kích thước 17x17cm. Thế nhưng, trên tấm bia này được chia thành 10 vòng tròn đồng tâm tương ứng với 10 điểm (ở vòng loại, tới chung kết số điểm tối đa là 10,9) và cái khó là làm sao để đạt số điểm cao nhất trong mỗi phát bắn.
Ở Olympic 2012, Hoàng Xuân Vinh để tuột mất tấm HCĐ khi kém đối thủ đúng 0,1 điểm. Còn ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam Olympic 2016, anh và VĐV chủ nhà Felipe Almeida nhiều lần bắn đạt hơn 10 điểm. Để làm được điều đó bắt buộc các xạ thủ phải đạt trạng thái gần như tuyệt đối trong bài bắn của mình.
“Nó yêu cầu sự tập trung. Khả năng điều chỉnh nhịp thở, điều khiển cơ thể, cánh tay... Để bắn trúng mục tiêu là chuyện đơn giản. Nhiều người có thể làm được điều đó. Nhưng để làm chủ nghệ thuật bắn súng là một thử thách không đơn giản”, HCV Olympic Hoàng Xuân Vinh chia sẻ.
Liên đoàn bắn súng thế giới (ISSF) quy định rất rõ trong luật các bộ môn bắn súng: Các VĐV chỉ được bắn súng bằng 1 tay (với súng ngắn) và 2 tay (với súng trường), tư thế phải thẳng người và không được phép có bất kỳ điểm tựa nào khác ngoài cơ thể mình.
Như vậy, các xạ thủ phải có đủ thể lực để giữ tư thế ngắm, bắn trong một khoảng thời gian đủ lâu. Đồng thời, yếu tố tâm lý quyết định rất lớn đến thành tích trong mỗi phát đạn.
Hãy thử tưởng tượng, xạ thủ thực hiện bài thi với tư thế đứng thẳng, nâng khẩu súng nặng 1,5 kg song song với mặt đất mà không hề có bất cứ một rung chấn nào, dù là nhỏ nhất xảy ra trước khi bắn.
Lúc này, yếu tố tâm lý của VĐV đóng vai trò tối quan trọng, chỉ cần tim đập nhanh hơn bình thường, rất có thể mọi thứ sẽ thay đổi 180 độ. Ở nhiều môn thể thao vận động, nhịp tim của VĐV càng đập nhanh càng tốt thì với môn bắn súng, điều này là tối kỵ.
Cả một đời VĐV bắn súng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ bóp cò, rồi nhả ra. Để luyện tập thành thục động tác tưởng như đơn giản này, mỗi xạ thủ phải mất vài năm. Những cử động lặp đi lặp lại như vậy được các VĐV "nâng tầm" trở thành nghệ thuật với cảm giác chính xác nhất cho từng động tác nhỏ nhất.
Nhiều người vẫn nói "nín thở, bóp cò" xem ra không sai đối với các VĐV bắn súng. Với những xạ thủ đỉnh cao như Hoàng Xuân Vinh, việc chỉ để chệch nhịp vài mm cũng có thể khiến thành tích thay đổi một cách đáng kể.
Anh mất khoảng 1 đến 2 giây để ngắm bắn. Trong khoảng thời gian này cho tới khi kết thúc việc bóp cò, nhà vô địch Olympic sẽ nín thở để cơ thể đạt trạng thái tĩnh nhất.
Một yếu tố nữa cũng cần nhắc đến là độ "sáng" của mắt. Tuy nhiên, một thực tế khá phi logic là các VĐV trẻ thường có mắt tinh hơn những cựu binh, nhưng thành tích thường không ổn định và chưa đạt đến đỉnh cao. Trường hợp Hoàng Xuân Vinh là một ví dụ, xạ thủ năm nay đã 42 tuổi, mắt của anh đã cận tới 2,5 độ.
Điều này được giải thích bởi yếu tố "tĩnh" khi thực hiện bài thi. Các VĐV trẻ thường chưa thể luyện tới "chín" khả năng tự cân bằng của mình. Thông thường, mỗi xạ thủ phải mất từ 5-10 năm để có thể đạt thành tích tốt nhất. Càng cao tuổi, xạ thủ càng đạt tới độ lỳ đòn cần thiết nhất để thực hiện bắn.
Vì vậy mà trên thế giới, nhiều VĐV tới 60 tuổi vẫn có thể thi đấu đỉnh cao. Còn tại Việt Nam, cựu xạ thủ Nguyễn Mạnh Tường từng thi đấu tới 52 tuổi.