Không chỉ Việt Nam mà ngay cả trên thế giới cũng khó có trường hợp độc đáo như thế, khi một làng nhỏ lại sản sinh ra tới 4 VĐV từng dự Olympic. Đó chính là Yên Nội - cái “nôi” khởi phát Nguyễn Thị Lụa, đô vật lừng danh đang có mặt tại Rio 2016 trong kỳ Olympic thứ 2 của mình.
Trước Lụa, làng nhỏ ven đê sông Đáy, Yên Nội (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) này từng nổi đình nổi đám ngay từ Olympic 1980, kỳ Thế vận hội tái hội nhập của TTVN. Đội tuyển vật Việt Nam khi ấy có 7 tuyển thủ thì Yên Nội đóng góp tới 3, đều là các “Độc Cô Cầu Bại” ở hạng cân của mình, gồm Phí Hữu Tình, Nguyễn Đình Chi, Nguyễn Văn Công. Chưa kể, HLV trực tiếp dẫn dắt cũng là người Yên Nội, ông Nguyễn Đình Khinh - anh trai ruột của đô vật Nguyễn Đình Chi.
Càng đặc biệt hơn, vì trong suốt thời gian chuẩn bị, đội tuyển vật cũng tập huấn ngay tại đây, trên một xới vật được làm nổi giữa ao to nhất làng, được nuôi ăn ở với chế độ đặc biệt so với thời ấy. Tới cuộc đấu lịch sử tại Moscow 1980, chính đô vật Phí Hữu Tình đã xuất sắc đánh bại được một đối thủ mạnh của Cameroon ở vòng đầu, để mang về kết quả thắng đầu tiên cho TTVN tại đấu trường quốc tế đỉnh cao nhất. Cho đến giờ, ngoài “tượng đài” Phí Hữu Tình, vẫn chưa có đô vật Việt nào có được một trận thắng tại Olympic.
Sau cuộc “phó hội” của 4 thầy trò cùng làng, phong trào vật ở Yên Nội vốn đã phát triển bậc nhất lại càng bùng nổ. Họ đã trở thành mẫu hình để mọi em nhỏ trước đó chỉ đấu vật như một niềm đam mê, một niềm vui hàng ngày giờ quyết phấn đấu vươn lên làm những đô vật quốc gia, quốc tế.
Lúc cao điểm, làng có 7.000 dân thì có tới 600 đô vật. Giải VĐQG năm nào cũng có vài đô vật Yên Nội đăng quang. ĐTQG chưa bao giờ thiếu vắng người Yên Nội, dù số lượng có thể lúc nhiều lúc ít. Yên Nội đã có tới 20 kiện tướng cấp quốc gia, một kỷ lục của TTVN. Hội vật Yên Nội vào tháng 2 Âm lịch hàng năm luôn thuộc diện đông, vui nhất nước, được coi như một cơ hội cọ xát, tuyển chọn cho cả môn vật.
Trong một thời gian dài, vì vật Việt Nam không nhắm tới mục tiêu dự Olympic do điều kiện khó khăn, nên Yên Nội cũng chưa thể có thêm đô vật nào giành quyền dự tranh Olympic. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi ngành thể thao đầu tư cho vật như một “mũi nhọn” mới.
Rất nhanh nhạy, Yên Nội đã lập tức mở lớp đào tạo vật nữ ngay tại trường học do HLV từng dự Olympic 1980 Nguyễn Đình Khinh hướng dẫn. Ông Khinh chính là người đã tuyển chọn, và nhìn ra tố chất ngời ngời ở cô học trò 12 tuổi Nguyễn Thị Lụa.
Chính từ lớp học vật ngay ở trường làng cùng những keo vật trên triền đê, Lụa đã thành tài. Chỉ qua 7 năm ăn tập chuyên nghiệp, ở tuổi 19, Lụa đã là nữ đô vật hay nhất nước. Đòn bốc và quật luôn khiến các đối thủ khiếp đảm của Lụa có được chính nhờ đúc kết từ các sới làng, cùng bài học của thầy Khinh.
Năm 2012, Lụa đã tiếp bước các bậc đàn cha, đàn chú của mình để giành quyền tham dự Olympic tại London. Thậm chí, chiến tích của Lụa còn ấn tượng hơn bởi chị đã vượt qua vòng đấu loại trực tiếp đầy thuyết phục.
Trước đó, cô gái làng Yên Nội này cũng mang về cho vật Việt Nam một tấm HCB ASIAD 2010 được đánh giá “quý và khó như Vàng”. Bộ sưu tập huy chương của Lụa còn có HCB Trẻ thế giới, HCB và HCĐ châu Á, HCV SEA Games. Ở hội vật làng năm ấy, Lụa đã được tôn vinh đặc biệt khi là đô vật thứ 4 của làng Yên Nội được đấu ở Olympic.
Hiện giờ, Nguyễn Thị Lụa lại đang có mặt ở Rio 2016, trong kỳ Olympic thứ 2 của mình. Làng vật Đông Nam Á duy nhất có Lụa vươn được tới kỳ tích 2 lần ấy. Càng kỳ thú hơn bởi, nếu cách đây 4 năm, Lụa đấu hạng 48kg, thì lần này là hạng 53kg. Trong những nội dung đối kháng cá nhân như thế này, lên hạng cân trên đánh mà tiếp tục thành công chẳng phải điều giản đơn.