Ở bài thi cử giật của Hoàng Thị Duyên, trọng tài báo hiệu 2 đèn trắng 1 đèn đỏ nhưng sau đó lại thay đổi quyết định và lần cử đầu tiên ở mức 95kg không thành công. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Ông Đỗ Đình Kháng: Duyên co đẩy hai lần, tay phải hơi chùn xuống rồi mới duỗi ra. Như thế trong cử tạ là lỗi. Kỹ thuật đúng là khi giật lên tay phải thẳng luôn còn co duỗi là lỗi. Khi đứng lên, cơ thể bất động hoàn toàn, hai gót chân trên cùng đường thẳng.
Lần cử này có tác động gì đến toan tính về mặt chiến thuật?
- Đối với Duyên không bị ảnh hưởng chứ đối với các VĐV trẻ bị tác động lớn về tâm lý. Hơn thế, nó xáo trộn tính toán của BHL. Bởi họ chọn mức tạ đó là mức tạ phải làm được để lấy tâm lý. Lần cử đầu bao giờ cũng phải chọn mức để làm được thì VĐV mới hưng phấn. Việc làm lại lần hai ảnh hưởng đến tính toán của BHL.
Trong các giải vô địch châu lục hay thế giới, HLV có thể mạo hiểm bằng cách vẫn tiếp tục sang lần hai sẽ nâng tạ. Nhưng ở cuộc thi lớn như Olympic, không ai dám mạo hiểm, để đảm bảo có tổng thành tích vì Olympic chỉ tính tổng thành tích chứ không tính riêng biệt từng nội dung một. Thế nên, VĐV hỏng ở nội dung nào sẽ không được xếp hạng.
Đấu trường Olympic quá khắc nghiệt. Bởi khi làm lại phải cẩn thận, nắn nót và nguy hiểm. Nếu lần cử đầu tiên suôn sẻ, sẽ nâng thành tích dần dần để có đà lên. Nhiều trường hợp lần đầu tiên không lên được nhưng khi ra nghỉ ngơi rồi thực hiện “ngọt” động tác.
Ở giải vô địch châu Á cách đây ba tháng, hai VĐV giành huy chương Olympic 2021 đều kém hơn các thông số so với Duyên. Guryeva (Turkmenistan, HCB) từ 211kg lên 217kg còn Andoh Mikiko (Nhật Bản, HCĐ) từ 209kg lên 214kg song Duyên chỉ cử 208kg so với 216kg. Điều gì làm nên sự khác biệt này?
- Đầu tiên đề cập đến lý do khách quan. Về vấn đề cách ly, toàn đội phải thực hiện tuân theo quy định của Chính phủ. Thời gian cách ly dài ảnh hưởng đến quá trình tập luyện của VĐV. Trong thể thao, việc dừng tập quá lâu ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, có những cuộc thi đấu chưa phản ánh đúng trình độ của VĐV. Họ tham gia lấy điểm, đến để có mặt đạt chuẩn, không đặt nặng về thành tích.
Trong quá trình chuẩn bị, cử tạ Việt Nam có nắm được các đối thủ tập luyện ra sao?
- Làm sao nắm được thông tin của các nước về việc về nước có bị cách ly hay không? Tập luyện như thế nào? Chúng ta không nắm thông tin về quá trình tập luyện. Chỉ trên các cuộc đấu, chúng ta nghiên cứu và theo dõi các năm thi đấu giống mình.
Ông đón nhận kết quả của Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên như thế nào ở Olympic 2021?
- Cả hai đều không đạt được chỉ tiêu đề ra là tranh giành huy chương thì đó là thất bại.
Sau Olympic lần này, cử tạ Việt Nam có kế hoạch gì chưa, thưa ông?
- Những chiến lược về các môn thi đấu phụ thuộc vào cấp cao hơn. Còn cử tạ vẫn sẽ phải tiếp tục các kế hoạch bấy lâu này. Lứa sau có nhiều VĐV khá tốt như Đỗ Tú Tùng, Ngô Xuân Đỉnh, Lại Gia Thành,…
Nhưng cũng phụ thuộc nhiều vấn đề. Đó là các chính sách. Các VĐV cử tạ tập luyện chịu nhiều thiệt thời lắm. Làm sao lo cho VĐV yên tâm tập luyện là một bài toán nan giải chứ nhiều người cũng chấp chới lắm. Họ tính toán đến tuổi nào hoặc có cơ hội khác thì sẽ không ở lại.
Dù học hành theo chế độ đặc biệt nhưng không như trường ngoài được. Sau đó chấn thương luôn luôn thường trực. Tiền công không dùng hết cho mình. VĐV theo tập thường có hoàn cảnh khó khăn, bị gánh nặng gia đình. Con trai thì đỡ chứ con gái tâm lý rất nặng nề.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!