Đến thời điểm này, cử tạ đã chuẩn bị như thế nào cho Olympic 2020, thưa ông?
Ông Đỗ Đình Kháng: Quá trình chuẩn bị cho Olympic 2020 của cử tạ Việt Nam hơi bị trục trặc. Sau khi thi đấu ở giải vô địch châu Á tại Uzbekistan vào tháng 4, cả đoàn bị cách ly 1 tháng rưỡi, nằm ngoài dự kiến của đội. Ban đầu, chúng tôi dự tính chỉ cách ly 14 ngày song do phát sinh, các VĐV phải cách ly dài đến thế. Trong quãng thời gian đó, việc tập luyện khó khăn vì phải đảm bảo quy chế cách ly.
Thực tế, cách ly 14 ngày là phù hợp tập chuyển tiếp ở giải thi đấu lớn. Nhưng do kéo quá dài đã ảnh hưởng đến sự chuẩn bị. Còn khoảng 7 ngày, chúng tôi mới xin phép chuyển một số dụng cụ tạ vào khu cách ly để tập.
Khi trở về trung tâm, các VĐV cũng chỉ tập luyện trong khu cách ly của Trung tâm HLTTQG. Do dịch COVID-19, sự chuẩn bị lần này gặp nhiều vấn đề chứ không như trước đây. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng chuyên môn. Ngoài ra, các VĐV ít được thi đấu ở các giải khiến khả năng tăng cường chiến thuật thi đấu bị hạn chế.
Thế còn thuận lợi thì sao?
- Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) đã thực hiện cuộc chiến chống doping mạnh mẽ. Tôi hy vọng, đến Olympic lần này toàn VĐV trong sạch, thể hiện đúng khả năng, có sự thi đấu công bằng. Chính cuộc chiến chống doping đã loại bớt các VĐV bị dính doping hay đến từ các nước gặp án phạt.
Ở hạng cân của hai VĐV Việt Nam, nhiều VĐV mạnh không thể tham dự vì lý do đó. Ngoài ra, các đô cử Việt Nam được chăm sóc chu đáo trong suốt thời gian dài vừa qua. Đó là lợi thế với cử tạ Việt Nam.
Vậy, một loạt các quốc gia có nền cử tạ mạnh bị cấm thi đấu vì doping (Thái Lan), xin rút lui (Triều Tiên) hay bị hạn chế nhiều suất (Colombia) có mở ra cơ hội giành huy chương cho cử tạ Việt Nam?
- Tất nhiên, điều này mở ra cơ hội cho cử tạ Việt Nam. Chẳng hạn ở hạng cân 61kg của Thạch Kim Tuấn, có đến bốn VĐV mạnh đến từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Triều Tiên. Nhưng hai VĐV Triều Tiên và Thái Lan không được tham dự. Điều này tạo điều kiện cho Việt Nam và VĐV chủ nhà tranh chấp huy chương. Ở các cuộc đấu trước đây, Tuấn đã vượt qua VĐV này.
Tuy nhiên, trong thi đấu chưa thể nói trước điều gì. Thông thường, nước chủ nhà chuẩn bị rất kỹ, họ có lợi thế tâm lý. Bước vào giải đấu lớn, VĐV có thể bị căng thẳng nhưng hy vọng với bản lĩnh của Tuấn, chúng ta hy vọng sự dày dạn kinh nghiệm sẽ được phát huy.
Ở hạng cân 59kg của Hoàng Thị Duyên, sự vắng mặt của VĐV đến từ Colombia mang đến hy vọng bởi trước đây, VĐV này thường vượt Duyên ở các giải quan trọng. Ở hạng cân này, Duyên khó tranh chấp với VĐV của Đài Loan bởi họ ở đẳng cấp khác rồi. Duyên sẽ có cuộc chiến khốc liệt với VĐV của Nhật và Ecuador để tranh huy chương.
Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để mang về huy chương nhưng đó là trên lý thuyết, vậy cử tạ sẽ làm gì để cụ thể hóa cơ hội thành hiện thực?
- Tất cả những gì chúng ta đề cập ở trên chỉ là giả định trên cơ sở phân tích các cuộc thi đấu đã qua. Khi bước vào đấu trường lớn như Olympic, có nhiều vấn đề xảy ra. Trong đó phụ thuộc rất nhiều VĐV. Đó là sự bản lĩnh. Ở cuộc đấu này họ có thể phát huy nhưng đến giải khác lại nảy sinh các vấn đề khác.
Ngoài ra, vai trò của HLV rất quan trọng để phát hiện sớm sự bất thường của VĐV như quá căng thẳng, có vấn đề sức khỏe,… mà điều chỉnh kịp thì vẫn duy trì trạng thái tốt. Ngược lại sẽ không đạt được đúng khả năng. Cả hai VĐV của chúng ta đều gạo cội nên hy vọng vượt qua vấn đề tâm lý.
Ở các kỳ Olympic, cử tạ luôn là mũi nhọn huy chương của thể thao Việt Nam song hai kỳ gần đây, chúng ta đều có kết quả đáng tiếc. Bài học rút ra ở đây là gì?
- Chúng ta phải hết sức lưu ý đến diễn biến tâm lý những ngày cuối cùng của VĐV để kịp thời điều chỉnh các trạng thái bất thường hay các vấn đề chăm sóc chấn thương ở giai đoạn cuối cùng. Ngay cả Tuấn cũng thế, ở Olympic 2016, chúng ta đã không giải quyết triệt để chấn thương.
Khi tập bình thường có thể biểu hiện không rõ ràng nhưng khi bước lên sàn đấu, VĐV bị căng thẳng, các vấn đề xuất hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cần có sự chăm sóc về y tế một cách đặc biệt, nghĩa là sử dụng các phương tiện đặc biệt. Vấn đề này ở mình chưa có nên đành phải có thế nào, làm thế đó. Đối với đội ngũ HLV, chúng tôi rút kinh nghiệm là hết sức lưu ý VĐV ở thời gian những ngày cuối cùng để có thể phát hiện bất thường trong sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ,… để điều chỉnh hợp lý.
Ở Olympic lần này, nếu thi đấu đúng sức, Tuấn và Duyên có thể giành huy chương?
- Đúng vậy! Vấn đề này cân đong đo đếm được. Nhưng giai đoạn vừa rồi, vì COVID-19, các VĐV quay trở lại tập hơi dồn dập. Duyên bị đau gối còn vết thương cũ của Tuấn chưa lành hẳn.
Các VĐV cũng gặp vấn đề tâm lý rằng đắn đo Olympic có được tổ chức hay không, lùi lại hay hoãn nên việc tập luyện trong một thời gian không được tích cực. Khi có thông tin chính thức thì dính vào cách ly. Tuy vậy, VĐV đỉnh cao thì khắc phục nhanh vấn đề này. Tôi hy vọng các VĐV có thể giành được một huy chương. Đó là may lắm rồi.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Ông Đỗ Đình Kháng từng tham gia ba kỳ Olympic trong vai trò lãnh đội. Trong đó, năm 2008, ông trực tiếp dẫn dắt Hoàng Anh Tuấn đoạt HCB khi vắng chuyên gia.