Tại Olympic Tokyo 2021, có 160 vận động viên đã công khai là người đồng tính (lesbian, gay), song tính (bisexual), chuyển giới (transgender) hoặc xu hướng tình dục và bản dạng giới khác biệt (queer). Đây là con số cao nhất trong lịch sử các kỳ Thế Vận Hội.
Các nhà hoạt động kỳ vọng rằng sự tham dự của đông đảo các vận động viên thuộc cộng đồng LGBTQ tại Thế Vận Hội sẽ làm thay đổi góc nhìn của xã hội Nhật Bản. Đây là quốc gia G7 duy nhất không công nhận hôn nhân đồng giới, bất chấp điều này là vi hiến.
"Tôi nghĩ rất nhiều người trên thế giới nghĩ rằng Nhật Bản là nước bảo vệ nhân quyền, nhưng ngược lại, vì chúng tôi không có bất kỳ bình đẳng nào trong hôn nhân, chúng tôi không có luật nào cấm phân biệt đối xử về xu hướng tính dục hay bản dạng giới", Gon Matsunaka, người sáng lập trung tâm LBGTQ đầu tiên tại Nhật Bản nhận định.
Đây cũng là dịp để các đoàn thể thao nước ngoài gửi thông điệp mạnh mẽ tới quốc gia chủ nhà. Đội trưởng tuyển Khúc côn cầu nữ Đức Nike Lorenz sẽ đeo băng đội trưởng có hình cờ lục sắc, giống như thủ môn Manuel Neuer tại EURO 2021.
Ủy ban Olympic Quốc tế đã chấp nhận thỉnh cầu từ Liên đoàn thể thao Olympic Đức về trường hợp của Lorenz: "Chúng tôi rất vui vì chúng tôi đã đi tới một sự đồng thuận giúp đội khúc côn cầu có thể đưa ra tuyên bố chính trị xã hội", Chủ tịch Liên đoàn Alfons Hoermann khẳng định
Năm nay, lần đầu tiên Ủy ban Olympic Nhật Bản có sự xuất hiện của một người chuyển giới. Đó là Fumino Sugiyama, cựu tuyển thủ đội đấu kiếm nữ Nhật Bản. Ông từng giải nghệ ở tuổi 25 vì cảm thấy mâu thuẫn trong việc tham dự các nội dung của nữ.
"Bị loại bỏ khỏi thế giới thể thao cũng không khác gì việc bị loại bỏ khỏi xã hội. Vì vậy tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải tận dụng cơ hội này để dẫn tới những cái nhìn tích cực hơn", Sugiyama chia sẻ.