Chiến dịch quảng cáo Olympic 2016: Cuộc đua không khoan nhượng

thứ tư 27-7-2016 13:39:28 +07:00 0 bình luận
Rio 2016 không chỉ đơn giản là cuộc chiến thành tích của các VĐV mà còn là sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu nổi tiếng trong vấn đề quảng cáo.

Rio 2016 không chỉ đơn giản là cuộc chiến thành tích của các VĐV mà còn là sự cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu nổi tiếng trong vấn đề quảng cáo.

Các thương hiệu chạy đua từ cảm xúc…

Các công ty và tập đoàn lớn trên thế giới đang tiến hành một cuộc "chạy đua vũ trang" trên mặt trận quảng cáo. Trong chiến dịch Olympic 2016 lần này, chủ đề của các đoạn phim quảng cáo chủ yếu xoay quanh những câu chuyện gây xúc động mạnh với người xem.

Một trong những thương hiệu nước giải khát hàng đầu thế giới Coca Cola thực hiện một loạt đoạn phim quảng cáo với từ khóa #Thatsgold, tập trung vào những khoảnh khắc “Vàng” khi các VĐV cùng nhau tận hưởng Coca Cola và chia sẻ niềm vui chiến thắng.

Trong khi đó, “Gã khổng lồ trong ngành công nghệ” Samsung kể lại hành trình tới Rio 2016 của VĐV điền kinh 19 tuổi Margret Rumat Rumar Hassan đến từ Nam Sudan – quốc gia lần đầu tiên có VĐV tham dự một kỳ Thế vận hội.

Đoạn phim có tên “Reo ca” mang tới hình ảnh toàn bộ người dân Nam Sudan ăm mừng và không ngừng hô vang tên Margret, khi cô đại diện cho dân tộc tham dự ngày hội thể thao lớn nhất thế giới.

Video: Đoạn phim quảng cáo "Reo ca" của Samsung

Visa, nhà tài trợ độc quyền cho các dịch vụ thanh toán tại Thế vận hội từ năm 1986, vừa tung ra chiến dịch “Đi chung xe tới Rio". Theo đó, rất nhiều VĐV trên khắp các quốc gia sẽ có một chuyến đi chung vui vẻ và thuận lợi nhờ việc sử dụng thẻ thanh toán của Visa.  

Bên cạnh đó, Tập đoàn Hóa mỹ phẩm Procter & Gamble (P&G) tiếp tục trung thành với chiến dịch “Cảm ơn Mẹ" bằng đoạn phim quảng cáo có tên "Mạnh mẽ", tập trung vào tầm ảnh hưởng của những người Mẹ trong suốt hành trình các VĐV thi đấu tại Olympic.

Năm nay, P&G kể về câu chuyện của VĐV thể dục dụng cụ Simone Biles và người mẹ nuôi của cô. Ngay sau khi đăng tải lên Youtube, đoạn quảng cáo đã nhận được hơn 2 triệu lượt theo dõi.

Video: Đoạn phim quảng cáo "Mạnh mẽ" của P&G

Có thể thấy rằng, điểm chung trong những chiến dịch quảng cáo trên là các thương hiệu không tập trung quảng bá bất kỳ điều gì cụ thể liên quan đến Rio hay Brazil. Nói cách khác, hình ảnh của nước chủ nhà trong các chiến dịch quảng cáo là vô cùng mờ nhạt.

Nguyên nhân xem ra là trong suốt thời gian chuẩn bị cho Olympic 2016, Brazil phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, từ mối lo ngại do lây lan  virus Zika, ô nhiễm nguồn nước ở đảo Guanabara cho đến những bất ổn về chính trị cũng như bộ máy chính quyền của quốc gia Nam Mỹ này.

Điều đó khiến các công ty phải thay đổi hướng đi cho chiến dịch quảng cáo, tập trung tối đa vào việc khai thác hình ảnh Olympic trên khía cạnh cảm xúc.

… đến con người

Để có thể thực hiện thành công chiến dịch quảng cáo cho Olympic 2016, Coca Cola đã phải thuyết phục 79 VĐV đến từ 23 quốc gia khác nhau đồng ý hợp tác.

Trong đoạn phim quảng cáo mới nhất, Coca-Cola đã nhận được “cái đật đầu” từ 24 VĐV, nổi bật là kình ngư người Mỹ Nathan Adrian và VĐV chạy vượt rào người Australia Michelle Jennek.

Với mục tiêu người xem là giới trẻ, Coca Cola tập trung vào những khoảnh khắc chia vui của các VĐV trong và sau khi thi đấu, đồng thời lồng ghép những khoảnh khắc “Vàng” khi các VĐV trao nhau những nụ hôn.

“Chiến dịch 'Khoảnh khắc Vàng' mang đến cảm xúc tuyệt vời cho tất cả mọi người”, ông Rodolfo Echeverria, Phó chủ tịch phụ trách Quảng cáo của Coca Cola cho biết. 

Ashton Eaton và Alex Morgan là 2 trong số 79 VĐV dự Olympic tham gia vào chiến dịch quảng cáo của Coca Cola.
Ashton Eaton và Alex Morgan là 2 trong số 79 VĐV dự Olympic tham gia vào chiến dịch quảng cáo của Coca Cola.

Chiến dịch “Đi chung xe tới Rio” của Visa cũng có sự góp mặt của 15 VĐV, trong đó nổi bật là VĐV ném tạ người New Zealand Valerie Adams và kình ngư người Mỹ Missy Franklin.

Đoạn phim quảng cáo của Visa hiện được phát sóng trên 38 quốc gia, tiếp cận 14 thị trường khác nhau bằng việc sử dụng những VĐV với những phương thức thanh toán cụ thể.

“Chiến dịch này sẽ là kim chỉ nam cho những hoạt động của Visa”, ông Chris Curtin, Giám đốc thương hiệu của Visa cho biết.

Việc sử dụng nhiều VĐV trong các chiến dịch quảng cáo sẽ giúp cho các công ty quảng cáo tránh gặp phải những sự cố đáng tiếc khi họ chỉ tập trung vào hình ảnh của một VĐV cụ thể.

Năm 1992, Tập đoàn sản xuất phụ kiện thể thao nổi tiếng Reebok đã thực hiện một đoạn phim quảng cáo với sự xuất hiện của hai VĐV Dan O’Brien và Dave Johnson - những VĐV còn khá vô danh ở nội dung mười môn phối hợp.

Với việc đưa ra câu hỏi trong đoạn quảng cáo: “Dan và Dave, ai sẽ là VĐV vĩ đại nhất thế giới?”, Reebok đã phải hứng chịu một thất bại cay đắng do Dan O’Brien đã không thể giành quyền tham dự Barcelona 1992.

Video: Đoạn quảng cáo "Dan và Dave" của Reebok năm 1992

“Điều luật số 40” và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu

Trước đây, “Điều luật số 40” của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) quy định: Ngoại trừ những nhà tài trợ của Olympic, các công ty và tập đoàn khác không được phép sử dụng các VĐV dự Olympic vào mục đích quảng cáo trước, trong và sau Olympic.

Thậm chí, các VĐV dự Olympic còn không được đăng tải những thông tin liên quan đến những đơn vị không tài trợ cho Olympic lên các trang mạng xã hội trong thời gian trên.

Tháng Hai vừa qua, IOC đã có những thay đổi về “Điều luật số 40”. Theo đó, các công ty không phải nhà tài trợ của Rio 2016 được phép sử dụng những VĐV dự Olympic vào mục đích quảng cáo, nhưng với điều kiện không được sử dụng tất cả những hình ảnh, ngôn ngữ bản quyền, bao gồm cả từ "Olympic" cũng như 5 vòng tròn đặc trưng trong biểu tượng của Thế vận hội.

Các VĐV cũng được chia sẻ thông tin về những đơn vị không tài trợ cho Olympic với điều kiện không được sử dụng những ngôn ngữ, hình ảnh bản quyền liên quan đến Thế vận hội 2016. Bên cạnh đó, các chương trình quảng cáo trên phải được tung ra thị trường trước ngày 27/03. 

Under Armour đã tận dụng rất tốt sự thay đổi của ''Điều luật số 40'' bằng đoạn phim quảng cáo có sự xuất hiện của Michael Phelps.
Under Armour đã tận dụng rất tốt sự thay đổi của "Điều luật số 40" bằng đoạn phim quảng cáo có sự xuất hiện của Michael Phelps.

Chính sự thay đổi này đã giúp cho những thương hiệu không phải là nhà tài trợ cho Olympic như Under Armour kiếm bộn tiền. Chiến dịch quảng cáo “Rule Yourself” với sự xuất hiện của Đội tuyển Thể dục dụng cụ Mỹ và kình ngư huyền thoại Michael Phelps gây ấn tượng rất lớn với người xem.

Thậm chí các thương hiệu nhỏ hơn như General Mills, Gatorade và Asics cũng tận dụng tối đa sự thay đổi này để đưa ra những quảng cáo “ăn theo” Olympic 2016.

Điều này rõ ràng sẽ khiến cho các đơn vị tài trợ cho Olympic 2016 gặp bất lợi.

Trong khi những thương hiệu như Visa, Coca-Cola hay Samsung phải tiêu tốn từ 100 triệu USD đến 200 triệu USD trong vòng 4 năm để có thể trở thành nhà tài trợ cho Olympic, thì lợi nhuận họ thu về lại bị chia sẻ với hàng trăm thương hiệu nhỏ khác do sự thay đổi của “Điều luật số 40”.

“Bây giờ, ai có chiến dịch quảng cáo xuất sắc hơn thì người đó thắng. Thương hiệu thời trang Under Armour đã có quyết định sáng suốt khi lựa chọn gương mặt Michael Phelps vào đoạn phim quảng cáo của họ. Điều này khiến cho các thương hiệu khác phải có những ý tưởng đột phá hơn nữa. Việc sử dụng những ngôi sao dự Olympic chính là phương án tốt nhất để thu hút khách hàng”, ông  Zaileen Janmohamed, Phó phòng Dịch vụ khách hàng của GMR Marketing cho biết.

Video: Đoạn phim quảng cáo "Rule Yourself" của Under Armour

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm