Hành trình của Boxing Việt Nam tại Olympic Paris 2024 đã kết thúc với trận thua của Hà Thị Linh trước đối thủ Yang Wenlu ở vòng 1/8 hạng cân 60kg. Trước đó, Võ Thị Kim Ánh cũng chưa thể có chiến thắng đầu tay khi chạm trán Preeti Pawar của Ấn Độ.
Sau 3 năm kể từ Tokyo 2020, Boxing Việt Nam vẫn chưa thể có được chiến thắng thứ hai trong một kỳ Olympic, nhưng thực tế đã cho thấy chúng ta đang tìm ra cách đi đúng.
Tại Tokyo 2020, Nguyễn Thị Tâm - nữ võ sĩ số 1 của Việt Nam cũng dừng bước ngay trận đầu tiên trước đối thủ sau đó đã lên ngôi vô địch đến từ Bulgaria. Nguyễn Văn Đương cũng dừng bước ở vòng hai hạng cân 57kg. Ở Paris 2024, kịch bản đó đã lặp lại, nhưng chúng ta vẫn có được 2 đại diện đến với đấu trường lớn nhất hành tinh. Đây là lần đầu tiên Boxing Việt Nam có đại diện thi đấu trong hai kỳ Olympic liên tiếp.
Tại vòng loại Olympic 2024, Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh đều tiến sâu tới những trận đấu cuối cùng để có tấm vé chính thức. Trong khi đó, tại Tokyo 2020, chúng ta đã phải chờ đợi tấm vé mời vào những ngày cuối với Nguyễn Thị Tâm.
Nếu 3 năm về trước, các võ sĩ Việt Nam chỉ có thể tham gia Vòng loại Olympic bởi những cản trở từ dịch Covid-19. Thì lần này, các đại diện đã có thời gian tham gia thi đấu và tập huấn quốc tế thường xuyên hơn.
Ông Nguyễn Như Cường, huấn luyện viên phụ trách Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh cho biết, trước Olympic 2024, các vận động viên đã được Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam đầu tư những chuyến tập huấn dài ngày tại những quốc gia phát triển. Việc cả hai thi đấu tốt ở vòng loại và xuất hiện tại Paris đã cho thấy những kết quả bước đầu trong quá trình đó.
Trước đây, Bộ môn Boxing - Cục Thể dục Thể thao nhiều lần có kế hoạch đưa các vận động viên tập huấn tại Uzbekistan - quốc gia đứng đầu Boxing Olympic 2024 với 5 huy chương vàng trong số 7 vận động viên được cử đi. Tuy nhiên, chỉ tới trước ASIAD 19, kế hoạch này mới lần đầu tiên được thực hiện cho cả hai đội tuyển nam và nữ.
Một sự thật với Boxing Việt Nam trong những năm qua, chính là kinh nghiệm từ các chuyến du đấu và tập huấn. Chúng ta có quan hệ tốt với những nền Boxing trong khu vực như Thái Lan hay Philippines - các địa chỉ tập luyện quen thuộc trước mỗi kỳ SEA Games hay ASIAD. Nhưng với đấu trường Olympic, rõ ràng các vận động viên cần nhiều hơn thế.
Boxing tại Olympic có sự cạnh tranh rất cao khi đây là một trong những môn thể thao lâu đời, với lịch sử 120 năm tồn tại ở Thế vận hội. Đây cũng là bộ môn có tính phổ cập cao trên toàn thế giới, kinh nghiệm được tích lũy thường xuyên từ các nền Boxing phát triển là điều chúng ta còn thiếu.
Trường hợp gây tranh cãi của Nguyễn Thị Tâm trước vòng loại II Olympic 2024 một lần nữa dấy lên sự quan ngại về việc "chọn mặt gửi vàng" của đội tuyển Boxing Việt Nam. Người thay thế Tâm là Nguyễn Thị Ngọc Trân - một võ sĩ mới được đánh giá ở mức tài năng trẻ trên đấu trường quốc tế.
Lý do được đưa ra với Nguyễn Thị Tâm bắt nguồn từ khả năng phục hồi chấn thương gối sau SEA Games 32, việc cô vắng mặt tại ASIAD 19 được xem là hợp lý do thời gian của hai giải đấu là quá ngắn để có thể kiểm chứng phong độ. Tuy nhiên, ở giải Vô địch Quốc gia 2023, Tâm vẫn thi đấu tốt và thậm chí cũng nằm trong danh sách tập huấn tại Uzbekistan. Chỉ đến khi danh sách được công bố, nữ võ sĩ sinh năm 1994 mới được biết tin thông qua các phương tiện truyền thông. Sau đó, Ngọc Trân cũng sớm dừng bước ở vòng loại Olympic.
Nếu xét về cả kinh nghiệm lẫn thứ bậc trên BXH thế giới của BoxRec, Nguyễn Thị Tâm đều đáp ứng đủ các yêu cầu. Do đó, công tác chuyên môn ở việc lựa chọn võ sĩ tham dự vòng loại Olympic - nơi cơ hội chỉ đến 4 năm một lần cũng là điều cần cân nhắc. Ngoài ra, các sự lựa chọn của đội tuyển Boxing Việt Nam đều phản ánh đúng kỳ vọng với quá trình thi đấu và tập huấn trước đó.
Trường hợp của Hà Thị Linh, nữ võ sĩ sinh năm 1993 đã thi đấu các giải quốc tế từ SEA Games 32, ASIAD 19. Cơ hội thi đấu liên tục ở môi trường quốc tế cùng chế độ tập luyện được nâng cấp đã giúp cho nữ võ sĩ 31 tuổi duy trì được phong độ trong 2 năm vừa qua. Với Võ Thị Kim Ánh, lần đầu tiên được trao cơ hội dự vòng loại Olympic đã chứng tỏ Boxing Việt Nam vẫn còn những cái tên xứng đáng được tiến ra quốc tế. Ở tuổi 27, Kim Ánh chắc chắn còn nhiều cơ hội để xuất hiện tại kỳ Olympic tiếp theo.
Dù chưa vượt qua được thành tích tại Olympic Tokyo 2020, Boxing Việt Nam đã cho thấy kết quả của sự đầu tư kịp thời và chất lượng để lần thứ hai liên tiếp có đại diện ở ngày hội thể thao lớn nhất thế giới. Giờ đây, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những kết quả khả quan hơn từ các vận động viên trong thời gian tới.