Ở môn bóng bàn tại Olympic, hầu như không có nước nào đủ sức so kè cùng Trung Quốc, nhất là khi họ hốt sạch HCV trong cả 3 kỳ gần đây. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc công bố danh sách đến Tokyo 2020 và bắt đầu giai đoạn thi đấu giải giả lập Olympic, truyền thông nước này nhanh chóng nghĩ tới từ "khủng hoảng".
Trước hết là do kình địch Nhật chiếm ưu thế chủ nhà. Nhưng hơn hết, phong độ bất ổn của các siêu sao Trung Quốc đang khiến giới chuyên môn lo lắng, đồng thời cho thấy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lớn tới mức nào sau khi buộc Liên đoàn Bóng bàn nước này hủy hết mọi kế hoạch thi đấu nước ngoài suốt năm qua.
Không còn được cọ xát quốc tế, cả ĐKVĐ Olympic Ma Long lẫn số 1 thế giới Fan Zhendong đều thua đồng hương Zhou Qihao khi tay vợt hạng 122 thế giới tiến đến ngôi vô địch đơn nam.
Bất ngờ cũng xảy ra ở đôi nam nữ, khi nội dung này lần đầu xuất hiện tại Olympic ở Tokyo 2020.
Do đó, truyền thông Trung Quốc đã đánh giá thực trạng này là "tiếng kêu thức tỉnh" và nhận xét đây là một "cuộc khủng hoảng không hề nhỏ".
"Phong độ của các tay vợt chủ lực lên xuống quá thất thường, liệu có thể điều chỉnh kịp trước Olympic?" là chất vấn của một hãng thông tấn của Trung Quốc, khi chỉ thẳng mối đe dọa từ Nhật.
Truyền thông Trung Quốc đã điểm danh Mima Ito - tay vợt nữ số 2 thế giới người Nhật - như hiểm họa lớn nhất ngăn cản họ quét sạch HCV tại Tokyo 2020 khởi tranh ngày 23/7 năm nay.
Một đối thủ đáng gờm khác là tay vợt Nhật 17 tuổi Tomokazu Harimoto có cha mẹ người Trung Quốc sắp tranh tài nội dung đơn nam Olympic.
Chủ biên tạp chí trực tuyến Ping Pong là Peng You đã từ chối tham gia vào các cuộc chỉ trích, nhưng nhiều bình luận viên tỏ ra ngạc nhiên với kết quả thi đấu gần đây của các sao bóng bàn nước nhà.
"Nếu các vấn đề bùng nổ tại Tokyo thay vì ở giải đấu giả lập này, đó mới là điều tồi tệ nhất," chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn Trung Quốc Liu Guoliang tuyên bố.
Trong khi đó, Peng You cho rằng vấn đề lớn nhất của các tay vợt Trung Quốc là kỳ vọng từ người hâm mộ. Đối với một số người, không hốt sạch 5 HCV ở Tokyo chắc chắn là thất bại!
"Nhiều người hâm mộ hoặc gọi là hâm mộ chỉ chú ý đến kết quả mà không biết chi tiết sâu trong thành công của bóng bàn Trung Quốc. Những kết quả tuyệt vời trước đây của chúng ta đã để lại nhiều vấn đề. Mọi người cứ nghĩ rằng tuyển Trung Quốc là vô đối. Thật ra không phải như vậy."
Đối mặt với tuyển Nhật mạnh lại có ưu thế sân nhà, Peng You tin rằng đây là "mối đe dọa chưa từng có" kể từ lúc bóng bàn chính thức được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic năm 1988.
Ngoài Trung Quốc, những nước hiếm hoi từng có HCV bóng bàn Olympic là Hàn Quốc (3 lần) và Thụy Điển (1 lần).