Bắn súng Olympic: Trang bị cơ bản cho xạ thủ như Hoàng Xuân Vinh

thứ tư 10-8-2016 23:43:18 +07:00 0 bình luận
Sau hơn 50 năm, bắn súng Việt Nam đã ghi tên mình vào lịch sử Olmypic khi có tấm HCV đầu tiên. Đằng sau "quả ngọt" này là cả sự đầu tư kỳ công và tốn kém.

Sau hơn 50 năm, bắn súng Việt Nam đã ghi tên mình vào lịch sử Olmypic khi có tấm HCV đầu tiên. Đằng sau "quả ngọt" này là cả sự đầu tư kỳ công và tốn kém.

Bắn súng bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Chỉ mất chưa tới 10 năm, các môn bắn súng theo tiêu chuẩn quốc tế đã được phổ biến rộng rãi trên khắp miền Bắc. Lúc này, đại hội bắn súng đã được tổ chức cho cả các VĐV nâng cao và không chuyên. 

Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh và đất nước gặp nhiều khó khăn sau khi thống nhất, bộ môn bắn súng phải mất hơn 30 năm để khôi phục lại hoạt động.

Quy định về trang phục ở nội dung súng ngắn hơi của Hoàng Xuân Vinh khá thoáng. Ảnh: EPA.

Những xạ thủ như Hoàng Xuân Vinh cần đầu tư khá nhiều thời gian và tiền bạc. Ảnh: EPA.

Ngày nay, bộ môn bắn súng có những hình thức thi đấu chủ yếu: Súng ngắn hơi nam, nữ; súng ngắn thể thao nữ; súng trường hơi nam, nữ; súng trường 3 tư thế nam, nữ; súng trường hơi di động tiêu chuẩn nam, nữ; bắn đĩa bay nam, nữ; súng ngắn bắn nhanh.

Chi phí đắt đỏ

Về cơ bản, một VĐV bắn súng đương nhiên cần 2 thứ là súng (súng trường và súng ngắn) cùng đạn (đạn nổ và đạn hơi) là đủ. Ngoài ra, tùy thuộc vào từng nội dung thi đấu mà có thêm quy định về trang phục bảo hộ.

Ở một số nội dung súng trường và đạn nổ, VĐV được yêu cầu mặc quần áo và đeo găng tay đủ dày để giảm xung chấn do súng giật khi bắn. Chất liệu của những bộ đồ này chủ yếu là vải cotton. Ngược lại, ở nội dung súng ngắn hơi của Hoàng Xuân Vinh, không có quy định cụ thể về trang phục của xạ thủ.

Nhưng dù là nội dung nào, yêu cầu bắt buộc là xạ thủ phải đeo kính bảo hộ. Họ cũng có thể đội mũ và đeo bịt tai để đạt hiệu quả cao nhất khi thi đấu, điều này là không bắt buộc.

VĐV Fehaid Aldeehani thi đấu với chiếc áo giáp trông như một cảnh sát đặc nhiệm. Ảnh: EPA.
VĐV Fehaid Aldeehani thi đấu với chiếc áo giáp trông như một cảnh sát đặc nhiệm. Ảnh: EPA.

Chi phí cho đồ bảo hộ có giá từ vài triệu cho đến gần trăm triệu đồng. Giá thành của các loại kính bảo hộ cũng... thượng vàng hạ cám, từ vài trăm ngàn tới vài triệu đồng mỗi cặp kính. Chúng được rao bán công khai và có thể tìm thấy ở bất cứ một trang rao vặt nào trên thế giới.

Thế nhưng, chi phí đầu tư chủ yếu là vào súng đạn và nó thuộc dạng đắt đỏ nhất nhì trong các môn thể thao.

Nhìn chung, giá của một khẩu súng tiêu chuẩn khá "chát" so với mặt bằng chung của VĐV Việt Nam hiện nay. Mỗi khẩu súng trường có thể từ vài trăm triệu cho tới... vài tỷ đồng là điều bình thường. Còn 1 khẩu súng ngắn mà Hoàng Xuân Vinh được cấp trước Olympic 2012 hiệu Morini CM 162 EI, sản xuất tại Thụy Sĩ cũng có giá hơn 50 triệu đồng.

Một vấn đề khác là họ sẽ chơi nhiều nội dung khác nhau và mỗi nội dung lại có quy định riêng về súng và đạn. Ví dụ như 2 nội dung Hoàng Xuân Vinh tham dự tại Olympic 2016, 10m súng ngắn hơi nam quy định 1 khẩu súng không nặng quá 1,5 kg và cỡ nòng 4,5 mm, còn 50m súng ngắn hơi tự chọn lại quy định cỡ nòng là 5,6 mm. 

Chi phí mua súng đã đắt đỏ, nhưng đạn dược mới thực sự tốn kém và là bài toán khó giải với các VĐV. Kim Rhode, xạ thủ 5 lần liên tiếp đoạt HCV tại 5 kỳ thế vận hội bắn khoảng 500-1000 viên mỗi ngày. Giá mỗi viên đạn tập mà VĐV này sử dụng rơi vào khoảng 14.000 đồng.

Một khẩu súng ngắn hơi hiệu Morini CM 162 El được cấp cho Hoàng Xuân Vinh 4 năm trước có giá hơn 50 triệu đồng.
Một khẩu súng ngắn hơi hiệu Morini CM 162 El được cấp cho Hoàng Xuân Vinh 4 năm trước có giá hơn 50 triệu đồng.

Các VĐV nước ngoài tốn kém là vậy, nhưng mỗi VĐV Việt Nam luyện tập 1 ngày chỉ bắn 100 viên đạn theo đúng tiêu chuẩn và mỗi viên đạn tập có giá 1.000 đồng. Ở một số môn như bắn đĩa bay thì chi phí đắt đỏ hơn, bao gồm cả tiền đĩa và đạn nổ cũng có giá cao hơn, từ vài nghìn tới 30.000/viên tùy đặc tính và chất lượng. Tuy nhiên, thực tế khá trớ trêu là hiện tại, rất nhiều VĐV phải tập chay khi không đủ đạn để bắn.

Được biết, nguyên nhân là do ngành thể thao không thể chọn được nhà thầu cung cấp đạn tập khi đơn vị tham gia mời thầu thì không đủ tiêu chuẩn, còn đơn vị đủ tiêu chuẩn lại không chịu tham gia đấu thầu.

Ngoài ra, mỗi VĐV bắn súng Việt Nam đều phải là một tay "thợ mộc" lành nghề. Sự thật đúng là như vậy bởi mỗi xạ thủ có một cỡ tay riêng, và những cây súng nguyên bản gần như không thể vừa tay người bắn. Bởi vậy, hầu hết các xạ thủ đều phải tự đẽo lại cho vừa tay, thao tác kỹ thuật chuẩn nhất có thể.

Cũng bởi câu chuyện báng súng mà tại kỳ Thế vận hội 4 năm trước, xạ thủ số 1 của Việt Nam vẫn phải sử dụng súng cũ khi anh chưa có thời gian tự "chế" báng súng ưng ý.

Khổ quen, sướng gặp khó

Một câu chuyện khác cũng bi hài không kém là việc tập bia giấy thi đấu bia điện tử. Trường bắn tại trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn, nơi tập trung đội tuyển bắn súng quốc gia hiện nay đã thuộc vào dạng "cổ lỗ sĩ" với hệ thống bia giấy. Trường bắn này được đầu tư từ năm 2003 và thời điểm đó nhiều nước đã chuyển sang sử dụng bia điện tử.

Việc phải tập luyện thường xuyên với hệ thống bia giấy khiến các xạ thủ gặp không ít khó khăn trong việc thích nghi với điều kiện khi thi đấu với bia điện tử. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng than rằng anh bị "hút" mắt bởi ánh sáng phát ra từ bia điện tử, khiến thời gian ngắm bắn lâu hơn, đồng nghĩa với hiệu quả kém đi khi phải giữ tay song song với mặt đất trong khoảng thời gian dài hơn.

Hoàng Xuân Vinh từng mất khá nhiều thời gian để làm quen với bắn bia điện tử.
Hoàng Xuân Vinh từng mất khá nhiều thời gian để làm quen với bắn bia điện tử.

Sự thay đổi về ánh sáng trên bia điện tử cũng rất rõ ràng, khiến VĐV dễ bị mất tập trung hơn nếu không được luyện tập thường xuyên. Mất tập trung đương nhiên ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và thành tích thi đấu của các xạ thủ.

Việc thay đổi loại bia bắn cũng kèm theo loại súng phù hợp. Các loại súng dùng cho bia điện tử được thiết kế với cò súng điện tử, áp lực cò cân bằng hơn, dẫn đến cảm giác khi thi đấu khác hẳn với việc tập luyện.

Ở nội dung 10m súng hơi nam, đạn được sử dụng là loại đạn hơi, có tính xuyên phá không cao và đặc biệt không tạo ra tiếng nổ quá lớn. Việc Hoàng Xuân Vinh đeo miếng bịt tai có thể là do thói quen hoặc đơn giản là tránh bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn khi luật không cấm khán giả... hò reo. 

Sau thành công vang dội tại Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh sẽ trở về Việt Nam vào ngày 14/8 tới và nghiệp "chơi" súng vốn tốn kém với xạ thủ này lại tiếp tục cùng những tấm bia giấy tại trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm