Tay vợt 38 tuổi Tiến Minh bốn lần liền tham dự
Dù 25 tuổi mới lần đầu giành quyền tham dự song đến kỳ Olympic này tay vợt cầu lông Nguyễn Tiến Minh đã trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên 4 lần góp mặt ở đấu trường quốc tế đỉnh cao nhất. Điều đáng nói, đó còn là 4 lần liên tiếp và đều theo diện giành suất chính thức. Sinh năm 1983, cựu binh người TP.HCM cũng chính là tay vợt cao tuổi nhất tham dự nội dung đơn nam môn cầu lông.
Với kỳ tích vô song ở một môn đại chúng có sự cạnh tranh cực lớn ngay từ khu vực ĐNÁ, Tiến Minh đã chứng tỏ niềm đam mê, sự bền bỉ và chuyên nghiệp phi thường của mình. Sau Tiến Minh, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cùng nữ kình ngư Ánh Viên cùng có 3 lần tham dự Olympic.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh “già” nhất và “oách” nhất
Xạ thủ 47 tuổi Hoàng Xuân Vinh là tuyển thủ nhiều tuổi nhất của đoàn TTVN tại Oympic Tokyo, và là gương mặt kỳ cựu thứ hai qua tất cả các kỳ Thế vận hội, chỉ sau người đàn anh đồng môn Nguyễn Mạnh Tường (48 tuổi năm 2008). Hơn thế, vị đại tá quân đội còn dự tranh với một vị thế chưa từng có của thể thao Việt Nam: Nhà đương kim vô địch.
Cách đây 5 năm, Vinh đã lập kỳ tích lịch sử khi đoạt 1 HCV, 1 HCB, giúp cho thể thao Việt Nam không chỉ lần đầu có Vàng mà còn lọt vào Top 50 trên bảng xếp hạng chung cuộc. Ở kỳ Thế vận hội thứ ba liên tiếp của mình, tuy không còn giữ được phong độ, vị thế vốn có song Xuân Vinh vẫn phần nào đó được kỳ vọng có thể tạo đột biến.
12/18 gương mặt lần đầu phó hội
Có tới 12 trên tổng số 18 tuyển thủ của 11 môn thuộc diện lần đầu tham dự Thế vận hội. Ngoại trừ bắn cung lần đầu được đưa vào chương trình, các VĐV còn lại đều nằm ở các môn mà Việt Nam truyền thống có đại diện tại Olympic, nổi bật như cử tạ, taekwondo, bắn súng. Một điểm rất tích cực khác là đa số họ đều hãy còn rất trẻ, ở lứa tuổi 20-23 đang được đầu tư chuyên biệt và bài bản còn nhiều khả năng và cơ hội để vươn cao.
Tuy nhiên, tỷ lệ số VĐV lần đầu góp mặt quá cao này cũng cho thấy năng lực tranh chấp, trình độ VĐV của thể thao Việt Nam hãy còn hạn chế như thế nào. Ngay cả ở việc đoạt suất Olympic một lần với tuyệt đại đa số các VĐV hàng đầu cũng quá khó, chứ chưa nói đến chuyện duy trì nhiều VĐV có sự ổn định để có thể nâng cao thứ bậc, đua tranh thành tích cao theo một chu kỳ 2-3 kỳ Đại hội giống những nền thể thao mạnh trên thế giới.