Olympic Tokyo 2020 bị lùi lại đến hè 2021 vì dịch COVID-19 và trở thành một trong những kỳ Thế vận hội mùa hè đặc biệt nhất trong lịch sử. Đại hội chính thức diễn ra từ 23/7-8/8/2021, nhưng kéo dài tổng cộng 19 ngày với 2 ngày thi đấu sớm.
Riêng môn điền kinh diễn ra trọn vẹn trong 10 ngày (30/7-8/8/2021) tại hai địa điểm là sân vận động Olympic ở thủ đô Tokyo và thành phố Sapporo, nơi tổ chức 5 nội dung (3 đi bộ và 2 marathon).
48 nội dung, nhưng có 49 huy chương vàng được trao (2 VĐV nhảy cao cùng giành HCV), 47 HCB và 48 HCĐ.
43 quốc gia đã giành được huy chương. Mỹ dẫn đầu với 7 HCV, 12 HCB, 7 HCĐ. Xếp nhì và ba lần lượt là Italia (5, 0, 0) và Kenya (4, 4, 2).
Chi tiết tại đây
10 KHOẢNH KHẮC KHÔNG THỂ QUÊN CỦA ĐIỀN KINH OLYMPIC TOKYO
Karsten Warholm phá sâu kỷ lục thế giới 400m rào nam
Là một trong ba VĐV phá kỷ lục thế giới ở Tokyo lần này, Warholm không chỉ mang về tấm HCV đầu tiên cho đoàn Na Uy mà còn phá sâu kỷ lục của chính mình 46.70 mới lập đầu tháng 7, với thông số mới 45.94. Anh trở thành người đầu tiên trên thế giới chạy 400m rào dưới 46 giây.
Đối thủ của Quách Thị Lan phá kỷ lục thế giới 400m rào nữ
Sydney McLaughlin, Dalilah Muhammad (Mỹ) là hai đối thủ của Quách Thị Lan tại vòng 1 và bán kết. Hai cô gái này đã cùng giành 2 vị trí cao nhất tại chung kết.
McLaughlin xác lập kỷ lục mới 51.46, vượt qua kỷ lục thế giới cũ 51.90 do chính mình giữ từ cuối tháng 6.
Yulimar Rojas phá kỷ lục thế giới nhảy 3 bước nữ
Với cú nhảy cuối cùng đạt 15.67m, cô gái xứ sở hoa hậu Venezuela đã thiếp lập kỷ lục thế giới mới, vượt qua kỷ lục cũ của Inessa Kravets (Ukraine) lập năm 1995 tới 17cm. Đây là kỷ lục thế giới thứ 3 của môn điền kinh tại Olympic Tokyo.
Có thể bạn chưa biết, Rojas cao tới 1m92 và nặng 71kg.
Hai tuyển thủ cùng chia sẻ HCV nhảy cao nam
Mutaz Essa Barshim (Qatar) và Gianmarco Tamberi (Italia) tạo ra một trong những khoảnh khắc nhiều nước mắt nhất Thế vận hội này. Cả hai cùng chinh phục mức xà 2.37m và đồng ý cùng chia sẻ HCV.
Màn ăn mừng đẫm nước mắt của Tamberi khi anh giơ tấm bó chân bột, thứ đã theo anh trong suốt thời gian điều trị chấn thương chân, cho đến kỳ tích giành vàng Olympic, trở thành một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất lịch sử điền kinh Thế vận hội.
Jakob Ingebrigtsen phá kỷ lục châu Âu 1500m nam
Chàng trai 20 tuổi mang về cho điền kinh Na Uy tấm HCV thứ hai khi vô địch nội dung 1500m nam và lập kỷ lục châu Âu mới với thành tích 3:28.32.
Các VĐV dưới 20 tuổi thống trị đường chạy 800m nữ
Nội dung 800m nữ chứng kiến sự thăng hoa của hai VĐV tuổi còn rất trẻ. Athing Mu và Keely Hodgkinson đều mới 19 tuổi những đã tỏa sáng rực rỡ.
Mu phá kỷ lục quốc gia Mỹ 1:55.21 còn Hodgkinson phá kỷ lục quốc gia Anh quốc với thông số 1:55.88.
Nữ hoàng tốc độ Jamaica giành 3 HCV
Elaine Thompson-Herah trở thành VĐV giành nhiều HCV nhất môn điền kinh kỳ này với 3 tấm HCV. Đầu tiên là kỷ lục Olympic 100m với thông số 10.61, sau đó là HCV 200m với thành tích 21.53 và cuối cùng là HCV cùng đội chạy tiếp sức nữ 4x100m.
Sifan Hassan hoàn tất cú ăn ba
Cô gái Hà Lan đi vào lịch sử khi giành huy chương ở cả 3 cự ly chạy 1500m (HCĐ) và 5000m, 10000m (HCV) với lịch trình thi đấu dày đặc.
Vua marathon Kenya giữ HCV
Eliud Kipchoge bảo vệ thành công tấm HCV marathon nam từng giành được ở Rio 2016. Ngôi sao 36 tuổi hoàn thành 42,195km với thời gian 2:08:38, hơn người về nhì tới 80 giây.
Anh trở thành VĐV thứ ba trong lịch sử bảo vệ thành công HCV marathon Olympic, sau Abebe Bikila (Ethiopia, 1960 - 1964) và Waldemar Cierpinski (Đức, 1976 - 1980).
>>>Eliud Kipchoge bảo vệ thành công HCV Olympic, không có kỷ lục marathon nam
Ném lao Ấn Độ đi vào lịch sử
Ngoài các nội dung chạy, nhưng môn ném, đẩy, nhảy hay phối hợp cũng có nhiều nhân vật đáng được nhắc tên như: Damian Warner (Canada) phá kỷ lục trên 9000 điểm của 10 môn phối hợp nam; Ryan Crouser (Mỹ) giành HCV và lập kỷ lục Olympic đẩy tạ nam 23.30m… nhưng phải nhắc đến nhân vật này vì kỳ tích không tưởng cho quốc gia.
Neeraj Chopra trở thành người Ấn Độ đầu tiên trong lịch sử giành HCV điền kinh Thế vận hội. Đồng thời VĐV ném lao này cũng giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 101 giành huy chương tại đấu trường Olympic với cú ném 87.58m.
Trước đó, Burkina Faso trở thành quốc gia thứ 100 giành được huy chương ở môn điền kinh khi VĐV Hugues Fabrice Zango giành HCĐ nhảy 3 bước nam với thành tích 17.47m.