Thông thường, NBA khởi tranh từ cuối tháng 10 và khép lại vào trung tuần tháng 6 năm sau. Bất ngờ là BTC Giải nay cũng cần ngần ấy thời gian để giới thiệu lịch đấu ngày càng hoàn hiện hơn.
Không ngừng cải tiến lịch đấu
Vì theo Tom Carelli – phó chủ tịch cao cấp của NBA tiết lộ, ông cùng các cộng sự quy tụ từ nhiều ban khác đã bắt đầu chuẩn bị lịch đấu cho mùa bóng mới từ tháng 12, nhưng phải tới tháng 8 năm sau mới hoàn tất.
Bởi như Tom Carelli ví von, đây là một công việc đầy khó khăn, chẳng khác đầu bếp phải làm một món ăn phục vụ 1.230 người, lại còn mỗi người mỗi ý! Do đó, các thành viên trong nhóm của ông mắc chứng mất ngủ là chuyện bình thường.
“Thật sự rất căng thẳng”, Tom Carelli thừa nhận: “Nhưng mặt khác cũng rất vui. Có lẽ khái niệm ‘vui’ của tôi hơi dị, song tôi thật sự ưa thích những thử thách lớn lao. Hơn nữa, thách thức này đáng để làm thử”.
Vậy là 2016-17 trở thành mùa NBA thứ hai áp dụng lịch đấu do Tom Carelli đề xuất. Tất nhiên là tới nay, chưa có phương án nào được xem như hoàn hảo, nhưng chí ít là ý tưởng đột phá của ông ở mùa qua đã được đánh giá cao.
Nguyên nhân là do Tom Carelli cùng các cộng sự giới thiệu được một lịch đấu giúp VĐV đỡ tốn sức vô ích, sau khi tham khảo ý kiến từ giới VĐV, BLĐ CLB và quan chức của NBA.
Hệ quả là ở mùa qua, mỗi đội chỉ phải đấu liên tiếp 2 ngày có 17,8 lần; so với bình quân 19,3 lần của mùa 2014-15. Đồng thời, số lần các đội phải đấu 4 trận trong vòng 5 ngày cũng giảm hẳn: Từ 70 lần trong mùa 2014-15 xuống còn 27 lần ở mùa qua.
Thế nhưng, Tom Carelli cùng các cộng sự vẫn chưa thỏa mãn: Họ muốn giảm dần số trận đấu liên tiếp 2 ngày và đợt “hành xác” với 4 trận trong vòng 5 ngày của các đội ở NBA 2016-17.
Nhằm đạt mục tiêu ấy, Tom Carelli sẵn sàng nhờ tới công nghệ cao, cụ thể là một chương trình vi tính được thiết kế suốt 2 năm qua giúp tối ưu hóa lịch đấu.
Những yếu tố khiến khó xếp lịch đấu
Sở dĩ Tom Carelli cùng cộng sự đang “đau đầu” hoàn thiện lịch đấu của NBA là do từ tháng 12, họ sớm phải liên hệ với 30 CLB để hỏi xem khi nào sân trống.
Bởi lẽ, các trận khúc côn cầu, các giải bóng rổ học đường hoặc bất cứ chương trình biểu diễn xiếc hay ca nhạc nào trên các sân ấy đều ảnh hưởng tới lịch đấu của NBA.
Song song đó, còn ít nhất 3 yếu tố quan trọng mà nhóm của Tom Carelli phải lưu ý khi lên lịch đấu. Trước hết là tránh trùng với ngày diễn ra các trận của giải NFL (Vô địch Bóng đá kiểu Mỹ), vì vài sân của NBA nằm kề sân của NFL nên có thể tác động đến lượng khán giả.
Tình hình càng thêm khó khăn nếu có ngôi sao nào đó muốn trận đấu của đội nhà diễn ra theo yêu cầu của đối tác là một hãng truyền hình.
Một yếu tố khác là phải tạo thuận lợi cho các đội. Bởi theo thông tin mà đội ngũ của Tom Carelli nắm được thì mùa này, các đội đến Bờ Tây sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu đánh liên tiếp 2 ngày so với những nơi còn lại do có thể gặp lần lượt Los Angeles Lakers và Los Angeles Clippers, thay vì phải di chuyển sang thành phố khác.
Cuối cùng song không kém phần quan trọng là vị trí địa lý cũng phải được cân nhắc kỹ. Đơn giản vì quãng đường di chuyển bình quân của Portland Trail Blazers tới sân mọi đối thủ cùng bảng luôn dài hơn so với lộ trình mà Charlotte Hornets cần đi tới sân bất cứ đối thủ nào trong bảng.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến đội của Tom Carelli phải cần tới chương trình vi tính, vì hành trình di chuyển dài hay ngắn cũng có khả năng tác động tới kết quả chung cuộc của từng đội.
Vì vậy, không bất ngờ khi nghe Tom Carelli tâm sự đầy kỳ vọng: “NBA 2016-17 là năm đầu chúng tôi dùng chương trình vi tính để tối ưu hóa lịch đấu. Chúng tôi tin tưởng sẽ có một kết quả tuyệt vời, chẳng qua là hiện chưa rõ làm thế nào và khi nào đạt được mục tiêu đó mà thôi”.