Vui thôi đừng vui quá, thích lao vào đấm nhau như vậy thì đừng chơi bóng rổ

thứ hai 22-10-2018 20:20:36 +07:00 0 bình luận
Ranh giới của quyết liệt và bạo lực trong thể thao, đặc biệt là bóng rổ đôi khi mong manh vô cùng.

Trong chưa đầy 48h qua, Chris Paul và Rajon Rondo có lẽ là những từ khóa hot nhất mà cộng đồng bóng rổ Việt Nam và khắp thế giới tìm kiếm. Không quá lạ khi vụ đấm nhau tại nhà thi đấu Staples Center trở thành tâm điểm của giai đoạn mở đầu NBA mùa giải 2018-19.

LeBron James ghi 24 điểm trong ngày ra mắt sân nhà? Không ai quan tâm. Trung phong trẻ tuổi Nikola Jokic có màn trình diễn vô tiền khoáng hậu, đạt triple-double 35 điểm với tỷ lệ ném 100%? Vẫn không ai quan tâm.

Rõ ràng sức hút từ sự hỗn loạn giữa LA Lakers và Houston Rockets là quá hấp dẫn. Điều này hoàn toàn bình thường. Vậy đâu là điều đáng nói? Chính là việc thái độ của một bộ phận cộng đồng bóng rổ dành cho vụ ẩu đả lại quá hả hê và phấn khích.

Vui thôi đừng vui quá, thích lao vào đấm nhau như vậy thì đừng chơi bóng rổ - Ảnh 1.

Vậy mới nhiệt, đem bóng rổ thời xưa trở lại đây

Với những người hâm mộ NBA ở Việt Nam, luôn có một bộ phận fan yêu thích sự quyết liệt của bóng rổ thời xưa một cách ám ảnh. Đó là những người thường xuyên chê bai rằng NBA thời nay quá hiền, ít va chạm và gây gổ với nhau.

Điều đó không hoàn toàn đáng lên án. Mỗi người chơi bóng rổ sẽ có cho mình một phong cách chơi bóng rổ riêng.

Có người sẽ chọn lối thi đấu máu lửa, ưa va chạm và sôi động. Có người lại chuộng sự khéo léo, những động tác kỹ thuật ghi điểm ít va chạm. Tuy nhiên, nhiều người yêu thích cái nhiệt trong bóng rổ lại nhầm lẫn giữa tính cạnh tranh và bạo lực.

Đó chính là bộ phận fan hân hoan khi trông thấy Chris Paul và Rajon Rondo lao vào đấm nhau tại Staples Center vừa qua.

"Quá nhiệt, đó mới là bóng rổ chân chính. Đem NBA thời xưa trở lại nào", câu bình luận điển hình của một fan bóng cam vì ám ảnh sự quyết liệt đến mức lầm đường lạc lối sang tôn thờ bạo lực.

NBA thời xưa rõ ràng có những nét rất khác so với NBA hiện đại. Không thể phủ nhận rằng rất nhiều trận đấu thời đại đó xem rất mãn nhãn. Sự quyết tâm, tinh thần cạnh tranh và đối đầu hiện rõ trên từng đường bóng, từng cử chỉ, nét mặt các cầu thủ.

Tuy nhiên, thực tế NBA cũng đã chứng minh, bạo lực sẽ không bao giờ là một phần của thứ mà người yêu bóng rổ gọi là nhiệt huyết.

Vui thôi đừng vui quá, thích lao vào đấm nhau như vậy thì đừng chơi bóng rổ - Ảnh 2.

Ác mộng đen tối Malice Palace

Ngược dòng thời gian, trở về ngày 19/11/2004 tại nhà thi đấu Malice Palace, nơi đã diễn ra trận ẩu đả thay đổi cả NBA.

Đó chính là trận đấu giữa cặp đấu đầy duyên nợ từng gặp nhau ở chung kết miền Đông cách đó 1 năm, Indiana Pacers và Detroit Pistons. Với tính chất hấp dẫn như vậy, không khó hiểu khi màn đối đầu này thu hút đông đảo khán giả và truyền thông.

Như thường lệ, trận đấu diễn ra đầy máu lửa và tập trung vào hàng phòng ngự của cả hai đội. Và khi trận đấu còn 45 giây, mọi thứ bắt đầu xảy ra.

Ron Artest của Indiana Pacers đã có pha phạm lỗi cố ý từ phía sau Ben Wallace của Detroit Pistons trong một tình huống phòng ngự. Ben Wallace lập tức nóng lên và trả đũa bằng cách dùng hai tay đẩy mạnh Ron Artest.

Ngay lập tức, các cầu thủ và nhân viên đã lao vào tách cả hai ra. HLV Larry Brown của Detroit Pistons lúc đó không quá quan tâm vì cho rằng mọi thứ sẽ kết thúc sớm. Ron Artest đến khu vực trọng tài bàn, nằm xuống để giữ bình tĩnh.

Tuy nhiên, vụ việc không hề kết thúc êm đềm như vậy. John Green, một khán giả có mặt tại đó đã ném ly nước vào thẳng ngực Ron Artest. Dường như chút bình tĩnh cuối cùng của anh cũng đã tan biến. Ron Artest lao thẳng lên khu vực khán đài tấn công vào Michael Ryan, người mà Ron Artest đã nhầm lẫn với John Green.

Ngay lập tức, sự hỗn loạn bao trùm nhà thi đấu Malice Palace. Các cầu thủ của Indiana Pacers như Eddie Gill, David Harrison, Reggie Miller, Fred Jones, Jamaal Tinsley cùng Rasheed Wallace của Detroit Pistons và nhiều người khác đã lao lên can ngăn Ron Artest.

Thế nhưng, nhiều khán giả tại đó dường như không muốn mọi chuyện chấm dứt tại đây. Trong khi một số tìm cách thoát khỏi khán đài hỗn loạn thì một bộ phận lại liên tục ném thêm những cốc nước khác và các món đồ vật khác vào đám đông đang can ngăn Ron Artest.

Vui thôi đừng vui quá, thích lao vào đấm nhau như vậy thì đừng chơi bóng rổ - Ảnh 3.

Bước ra khỏi khu vực khán đài, Ron Artest lập tức đối mặt với hai khán giả khác là Alvin "A.J." Shackleford và Charlie Haddad. Ron Artest đã đấm thẳng vào mặt Shackleford. Trong khi những khán giả khác nỗ lực kiềm chế Ron Artest thì một cầu thủ khác của Indiana Pacers là Jeraine O'Neal cũng lao vào tấn công Haddad.

Phóng viên ESPN Jim Gray vào thời điểm đó thậm chí sợ rằng Jermaine O'Neal sẽ giết chết khán giả Charlie Haddad. Các cầu thủ và khán giả cứ thế mà bị cuốn vào cuộc ẩu đả kinh hoàng cho đến khi lực lượng an ninh có thể khống chế được tình hình.

Chauncey Billups, cầu thủ của Detroit Pistons hầu như không tham gia vào vụ ẩu đả, kể lại hình ảnh ám ảnh anh nhất trong vụ việc này. Đó chính là cảnh Larry Brown, một người đàn ông 64 tuổi bật khóc. Ông khóc bởi thất vọng và bàng hoàng trước những gì ông vừa phải thấy.

"Ông ấy đã khóc, những giọt nước mắt thật sự đấy. Ông ấy là một trong những người dành tất cả sự tôn trọng của một HLV lão làng cho màn đối đầu này. Đây lẽ ra đã là một trong những trận đấu hay nhất NBA.

Thế nhưng chúng tôi đã phủ lên nó một màu đen u tối. Chúng tôi đã gieo vào ký ức những người vừa theo dõi trận đấu này điều tồi tệ nhất trong lịch sử bóng rổ", Chauncey Billups hồi tưởng.

Vui thôi đừng vui quá, thích lao vào đấm nhau như vậy thì đừng chơi bóng rổ - Ảnh 4.

Đó không chỉ là một vụ ẩu đả

Sau vụ việc kinh hoàng, 10 cầu thủ của cả Indiana Pacers và Detroit Pistons đều bị phạt nặng từ NBA. Ron Artest chính là người bị phạt nặng nhất khi NBA cấm anh thi đấu hết phần còn lại của mùa giải (86 trận).

Tuy nhiên, mọi thứ không kết thúc dễ dàng bằng những án phạt. Trận ẩu đả đó thực sự là một đòn đánh chí mạng vào việc xây dựng hình ảnh của bóng rổ, đặc biệt là tại thành phố Indiana.

Indiana Pacers đã phải làm rất nhiều điều để lấy lại niềm tin của người hâm mộ vào đội bóng. 3 ngày sau khi vụ việc diễn ra, giám đốc Donnie Walsh của Indiana Pacers đã cho tổ chức buổi họp báo để công khai xin lỗi tất cả những người liên quan.

3 tháng sau vụ ẩu đả, Indiana Pacers công bố sẽ trích 2,4 triệu USD từ lương của các cầu thủ bị phạt để làm từ thiện cho các tổ chức trẻ em khó khăn trong khu vực.

NBA thậm chí đã phải thay đổi tiêu chuẩn về an ninh ở mỗi nhà thi đấu. Cảnh sát và một vài cựu thành viên của Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ đã được thuê để đảm bảo an ninh sân bóng.

Riêng Indiana Pacers, năm 2007, họ đã quyết định thuê John Gray, cựu đặc vụ FBI, làm trưởng bộ phận an ninh tại nhà thi đấu của họ. John Gray chính là một trong ba đặc vụ đã bắt giữ được kẻ khủng bố khét tiếng Ted Kaczynski.

"Đó không chỉ là một cuộc ẩu đả. Những điều đẹp đẽ của hàng trăm cầu thủ NBA đã bị vấy bẩn và làm cho xấu đi chỉ vì một vài cá nhân. Chúng tôi phải chấp nhận rằng mình đã làm chưa tốt trong việc xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho những cầu thủ", Chủ tịch NBA Adam Silver chia sẻ.

Vui thôi đừng vui quá, thích lao vào đấm nhau như vậy thì đừng chơi bóng rổ - Ảnh 5.

Bóng rổ không phải cứ đấm nhau mới nhiệt

Vụ ẩu đả Malice Palace chính là một ví dụ kinh điển cho ranh giới mong manh giữa quyết liệt và bạo lực. Indiana Pacers và Detroit Pistons thời đó luôn là hai đội bóng có lối chơi phòng ngự vô cùng cứng cựa. 

Nếu nhìn theo một góc khác, Ron Artest rõ ràng là người có lỗi nhưng nếu các khán giả tại đó không gây sự như vậy, mọi chuyện đã không quá đen tối như vậy.

Việc phấn khích trước những tình huống bạo lực như vậy không biến bạn trở thành một người yêu bóng rổ. Tính cạnh tranh và hấp dẫn của NBA thời xưa đến từ những điều rất khác.

Đó chính là những cuộc đối đầu đáng mong đợi giữa Boston Celtics và LA Lakers. Đó là sự gan lì và bất khuất trong những tình huống phòng ngự của thế hệ "Bad Boys" Detroit Pistons chứ không phải việc những cầu thủ này sẵn sàng lao vào đấm người khác.

Hãy nhớ, cầu thủ bóng rổ muốn được vinh danh và ca ngợi bởi những chiếc cúp vô địch, bởi những pha ghi điểm đẹp mắt hay bởi tinh thần kiên cường không bỏ cuộc. Họ chưa bao giờ muốn trở thành một tay côn đồ trên sân bóng trong mắt người xem.

Nhìn nhận rõ ràng giữa quyết liệt và bạo lực cũng chính là cách người hâm mộ dành sự tôn trọng cho thần tượng của mình.

Thân gửi đến những người hào hứng trước màn tung đấm của Rajon Rondo vào mặt Chris Paul, nếu thích đấm nhau như vậy thì đừng chơi bóng rổ làm gì.


Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm