Không chỉ là người "đối nội đối ngoại" của Portland Trail Blazers, Damian Lillard còn là hiện thân cho những giá trị cốt lõi tạo nên nét cá tính riêng cho đội bóng.
Kể từ khi gia nhập NBA 5 năm trước, Damian Lillard luôn duy trì 2 việc mà anh rất tự hào: Chưa bao giờ từ chối ký tặng cho fan trước mỗi game đấu và chưa bao giờ bỏ buổi nói chuyện với báo chí sau trận, “dù chỉ 1 lần”.
Và thói quen đó của Lillard đã được ghi nhận khi mới đây anh được Hiệp hội Cây viết bóng rổ chuyên nghiệp vinh danh ở giải Magic Johnson 2017, giải thưởng dành cho cầu thủ không chỉ xuất sắc trên sân mà còn chuyên nghiệp và thiện chí với truyền thông.
“Đó là một công việc”, cầu thủ thứ 2 trong lịch sử Portland Trail Blazers giành giải này nói: “Rồi sẽ tới ngày mọi người không muốn chữ ký của tôi và báo đài chẳng quan tâm những điều tôi nói. Vì vậy tôi nghĩ bạn nên trân trọng nó, cả 2 việc tôi đều rất coi trọng”.
Bên cạnh sự hợp tác với báo chí, đây còn là sự ghi nhận với những điều Lillard chia sẻ. Hậu vệ 26 tuổi thể hiện anh là một trong những cầu thủ chín chắn và cởi mở nhất giải bóng rổ NBA hiện nay với những nhận định thẳng thắn, không né tránh.
Lillard, giống như các cây viết thường nói, là người có thể đem đến những câu chuyện chân thật cho các phóng viên. Đối với họ, Lillard là vị khách đáng mến và đáng quý ở một giải đấu mà không ít cầu thủ lảng tránh phỏng vấn sau màn trình diễn kém cỏi hoặc một trận thua. Thậm chí, một số còn coi truyền thông như kẻ thù.
“Đó là cơ hội để tôi chia sẻ suy nghĩ”, Lillard nói: “Bằng cách đó, tôi có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn những điều đang diễn ra. Tôi có dịp giải thích bản thân, nói lên suy nghĩ”.
Còn với câu lạc bộ Blazers, giải thưởng này không phải điều bất ngờ. Ngay từ năm 2012 được Portland draft, Lillard đã được coi như người phát ngôn không chính thức của đội bóng. Thế nhưng cách ứng xử với truyền thông mới chỉ là một nửa câu chuyện về con người Lillard.
Qua nhiều năm, không quá khi nói rằng Lillard là hiện thân cho văn hóa, những giá trị cốt lõi của Blazers: chăm chỉ, trách nhiệm và luôn quan tâm đến mọi người. Với Lillard, người hâm mộ không lạ gì những nghĩa cử đẹp của Lillard phía sau chiếc micro và máy quay phim.
Gần đây nhất, một ngày sau khi Blazers bị loại khỏi vòng 1 Play-off với sự thất vọng lớn khi không giành được 1 game thắng nào trước Golden State Warriors, Lillard vẫn không quên “nhiệm vụ” của mình: chia tiền thưởng cho các nhân viên phục vụ đội bóng và thuyết phục đồng đội làm tương tự.
Chính thức nhận vai trò thủ lĩnh trong 2 mùa qua, Lillard quán triệt rõ quan điểm tới các đồng đội, rằng họ không nên giữ toàn bộ số tiền thưởng nhận thêm từ vòng NBA Play-off, mà nên chia sẻ một phần tới các nhân viên, từ chuyên gia massage tới người phụ trách phòng tập của đội.
Nhìn lại quá khứ, không phải lúc nào thủ lĩnh trong phòng thay đồ của Blazers cũng hào phóng như vậy. Ví dụ như ba mùa trước, khi cựu binh Chris Kaman còn thi đấu, trung phong này tin rằng các cầu thủ không cần thiết phải chia nhỏ số tiền thưởng của mình.
Nhưng Lillard không nghe theo người bạn thân Kaman và ở mùa giải năm nay, anh tiếp tục nói chuyện với cả đội để đảm bảo số tiền thưởng vòng NBA Play-off được chia cho 25 nhân viên hỗ trợ với giá trị mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào vị trí của họ.
Một câu chuyện khác diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, Lillard và C.J. McCollum bỏ tiền túi cho chuyến thăm bất ngờ tới nhà một bệnh nhân ưng thu tại Portland. Câu lạc bộ Blazers không muốn công khai việc đó và đề nghị gia đình giữ kín.
Nhưng chỉ 1 ngày sau, bệnh nhân này đã đăng tấm ảnh chụp cùng 2 ngôi sao Blazers lên mạng xã hội và dĩ nhiên, cả Lillard và McCollum liên tục nhận phải sự “tra khảo” của báo chí với thái độ có phần sửng sốt bởi họ không nghĩ đây là chuyện lớn.
“Tôi làm những việc kiểu này suốt”, Lillard trả lời: “Tôi làm vì tôi muốn, chứ không phải vì đội bóng bảo tôi nên làm vậy để trông tốt bụng. Tôi biết vị trí của mình có thể giúp đỡ mọi người và tôi cố gắng làm như vậy nhiều nhất có thể”.
Tại Portland, Lillard có thể đột nhiên tới chúc mừng sinh nhật một cậu bé, đến thăm bệnh viện hoặc tặng quà lưu niệm, từ cái ba-lô cho đến tấm vé, đôi giày. Hay như trường hợp của Matty Vachter - một bệnh nhân mắc bệnh bại não - luôn nhận được sự quan tâm từ các các cầu thủ, huấn luyện viên Blazers với vị trí ngồi đẹp nhất trên sân Moda Center. Tất cả là nhờ Damian Lillard.
Và sau từng đó hành động, Lillard ngày càng được cổ động viên Blazers yêu mến bởi lòng trung thành. Trong thời đại mà nhiều ngôi sao sẵn sàng rời bỏ đội nhà để tìm kiếm vinh quang, cầu thủ 26 tuổi vẫn tiếp tục khẳng định tương lai ở Portland, chấp nhận thử thách và chiến đấu.
“Tôi thà không lấy nhẫn nếu tôi không thể gây dựng và giành lấy nó từ nơi tôi đứng” là phản ứng của Lillard trước lời khuyên anh nên ra đi để vô địch giải bóng rổ NBA.