Kobe Bryant đã khởi đầu sự nghiệp với những đôi giày Adidas, nhưng cố huyền thoại Los Angeles Lakers lại dành phần lớn thời gian chơi ở NBA cùng những đôi giày Nike.
“The Black Mamba" ký hợp đồng với The Swoosh từ năm 2003, gắn trọn sự nghiệp cũng như trọn đời với Nike để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của hãng.
Tuy nhiên, mọi thứ đã chấm dứt khi hợp đồng giữa Nike và Kobe Bryant (được đại diện bởi nhà Bryant và vợ Vanessa) hết hạn vì đôi bên không tìm được tiếng nói chung.
Rất nhiều người hoang mang rằng liệu họ còn có thể tìm mua những đôi giày Nike Kobe Protro hay những chiếc áo đấu chính hãng từ The Swoosh hay không.
Bên cạnh đó, cơn bão giá các mẫu giày Kobe cũng chuẩn bị đến với nhiều đôi đã tăng giá gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi trên thị trường bán lại.
Vẫn chưa biết nước đi tiếp theo của và Vanessa và các cộng sự sẽ là gì, nhưng một dấu hiệu đã xuất hiện trong ngày hôm nay.
Theo thông tin từ NiceKicks và Sneaker Law Firm, gia đình Bryant đã nộp đơn đăng ký bản quyền thương hiệu rất nhiều tên, hình ảnh và logo liên quan đến Kobe Bryant để sử dụng với mục đích thương mại.
Rất nhiều tên, logo xoay quanh Kobe và con gái Gianna, bao gồm cả chữ ký của cố huyền thoại Lakers hay logo cũ của Mamba Sports Academy cũng được đăng ký bản quyền.
Với động thái này, khả năng cao gia đình Bryant đang chuẩn bị cho việc ra mắt một thương hiệu riêng xoay quanh cái tên Kobe, Mamba và hình ảnh của cố huyền thoại Los Angeles Lakers.
Vì Nike đang nhận khá nhiều chỉ trích trong khâu ra mắt các sản phẩm Kobe, thương hiệu mới của gia đình nhà Bryant dự kiến sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm hơn.
Thời gian qua, mọi sản phẩm “flagship" liên quan đến Kobe Bryant như các mẫu áo đấu hay giày thửa riêng (các dòng Kobe Protro) đều được bán ra với số lượng thấp. Nó khiến chúng bị đội giá lên rất cao và không tránh khỏi tình trạng đầu cơ, tích trữ để trục lợi.
Đây là điều đi ngược lại hoàn toàn so với ý muốn của bà Vanessa Bryant, người luôn muốn các sản phẩm của Kobe Bryant phải đến được tay người mua một cách dễ dàng và không bị làm giá.
Nike còn khiến mọi thứ trở nên tệ hơn khi chỉ ra mắt các mẫu giày Kobe thông qua SNKRS App, nơi những người mua bình thường gần như không có cơ hội trước các phần mềm (bot) được sinh ra để “mua giày" về cho giới đầu cơ.
Sau đó, chúng được bán ngược ra lại với giá cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi so với giá bán ban đầu (thường được gọi là giá “resell"). Ở một số phối màu đặc biệt, mức giá còn bị đẩy lên cao hơn vì cung quá thấp so với cầu.
Gia đình Bryant nhận ra điều này và đã yêu cầu Nike thay đổi. Nhưng qua một thời gian dài không có tiến triển, bà Vanessa đã cảm thấy vô cùng giận giữ và thất vọng khi mỗi lần bán ra, những đôi Kobe trên SNKRS App luôn cháy hàng chỉ sau vài giây.
Nếu lập ra một thương hiệu riêng, tạo nên dòng sản phẩm mới của riêng mình, gia đình Bryant sẽ kiểm soát được số lượng hàng bán ra thị trường, giúp chúng đến tay người hâm mộ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, đây chưa chắc đã là một hướng đi cam kết sẽ mang lại thành công, nhất là ở ngành hàng giày thể thao.
Các thương hiệu lớn như Nike, Under Armour hay Adidas và PUMA sở hữu cơ sở vật chất được định giá lên đến hàng tỷ đôla. Dây chuyền sản xuất “khủng" của họ giúp giảm chi phí cho mỗi đôi giày xuất xưởng xuống mức tối thiểu.
Riêng với các “công ty gia đình", đây là điều rất khó để xây dựng trong một thời gian ngắn. Minh chứng gần nhất chính là Big Baller Brand, thương hiệu gia đình của LaVar Ball đã gặp vô vàn khó khăn trong việc tìm kiếm nhà sản xuất trước khi bắt tay với Brandblack, một thương hiệu nhỏ tại Mỹ.
Mặc dù vậy, cái tên Kobe Bryant chắc hẳn sẽ có tầm ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều, thứ có thể giúp gia đình Bryant hướng đến một tương lai tốt hơn so với BBB.
Bản thân bà Vanessa Bryant cũng có suy nghĩ thấu đáo và đặt người hâm mộ lên hàng đầu. Nếu gia đình Bryant thực sự cho ra một thương hiệu riêng, chắc hẳn các sản phẩm liên quan đến Kobe sẽ không quá “hiếm có khó tìm" và bị đội giá lên gấp nhiều lần như hiện nay.