Có thể cả Stephen Curry lẫn Kyrie Irving đều không phải cầu thủ xuất sắc nhất đội (xét về tài năng) nhưng chắc chắn họ mới là những người quyết định đội nào thắng ở chung kết giải bóng rổ NBA năm nay.
Lý do ư? Kevin Durant & LeBron James có thể xuất sắc hơn, nhưng họ lại quá… ổn định. Còn Curry và Irving sẽ khó đoán hơn rất nhiều.
Họ có thể xuất sắc trong cả mùa bóng xong lại mất hút vào những lúc đội bóng cần họ nhất (Curry 2016) hoặc cũng có thể “ngủ đông” phần lớn thời gian nhưng lại bùng nổ ở những thời khắc quan trọng nhất (Irving 2016 Final).
Đây sẽ là 1 cuộc chiến không khoan nhượng giữa Lửa và Nước, của 2 cầu thủ dường như là hoàn toàn trái ngược nhau.
Ở 1 bên có “Ông chú Drew” (Uncle Drew), với bản lý lịch điển hình của một siêu sao: Hậu vệ dẫn bóng cấp III xuất sắc nhất lứa 2010 (đánh giá 5 sao bởi đối thủ, chuyên gia săn tài năng…), lựa chọn số 1 trong NBA draft 2011 (cho dù chấn thương phần lớn năm học đại học duy nhất tại Duke), Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2012, được chọn vào đội hình All Star ngay ở năm thứ 2 (và vô địch cuộc thi ném 3pt), và rồi chỉ 1 năm sau đã là MVP của trận đấu All Star (2014).
Kyrie Irving từng được gọi là “đấng cứu thế” của Cleveland Cavaliers thời kỳ hậu LeBron (lần 1) và được đánh giá là cầu thủ rê bóng hay nhất (best handler) giải bóng rổ NBA trong thời điểm hiện tại (hoặc có thể là trong toàn bộ lịch sử giải bóng rổ nhà nghề Mỹ –theo nhận định của E.Gordon) với nhiều pha 1v1 “quẩy lửa” không thể tìm thấy ở bất kỳ cầu thủ nào khác. Có thể nói Kyrie Irving là cầu thủ đáng xem nhất của giải bóng rổ NBA, trước khi có sự xuất hiện của Stephen Curry.
“Chef Curry” hay “Sát thủ có bộ mặt trẻ thơ” chính là cầu thủ đang đem lại nhiều cảm xúc nhất cho người xem trong vòng 3 năm trở lại đây.
Một tài năng vô tiền khoáng hậu, Curry đang có một tầm ảnh hưởng không nhỏ tới cách chơi bóng rổ ở khắp mọi nơi trên thế giới - được sánh ngang với tầm ảnh hưởng của Air Jordan.
Hai năm liên tiếp giành danh hiệu MVP (với số phiếu tuyệt đối năm 2016 – lần đầu tiên trong lịch sử) và là tay ném 3pt xuất sắc nhất mọi thời đại, tuy nhiên con đường đến với thành công của Curry không hề dễ dàng như đối thủ của anh.
Là con trai của 1 cầu thủ NBA có tiếng (Dell Curry), Steph được sinh ra tại Ohio, khi bố anh đang thi đấu cho đội bóng… Cavaliers. Tuy các thành tích thời cấp III của Curry không hề kém cạnh so với Irving, nhưng do hình thể khiêm tốn nên Curry còn không nhận được học bổng nào từ các trường đại học danh tiếng (chỉ được đánh giá 3 sao) nên đã phải lựa chọn trường ĐH Davidson.
Và cũng tương tự như các năm cấp 3, Curry chỉ được chọn ở vị trí thứ 7 trong lần draft năm 2009, sau rất nhiều cầu thủ PG khác như Harden, T. Evans, Rubio và Flynn cho dù gặt hái được rất nhiều thành công trong 3 năm đại học (năm 1 – 21,5 điểm, chỉ sau Kevin Durant trong số các cầu thủ năm nhất; năm 2 – một mình “cân team” đưa Davidson tới vòng Tứ kết NCAA, chỉ chịu thất thủ 2 điểm trước đội vô địch Kansas; năm 3 – dẫn đầu danh sách ghi điểm của NCAA với 28,6 điểm và nằm trong đội hình tiêu biểu của NCAA - “All American”).
Nếu ngoài sân bóng Curry được cho là 1 chàng trai tốt bụng và hài hước thì khi ở trên sân anh lại thường bị cho là 1 kẻ hợm hĩnh, kiêu ngạo và tàn nhẫn.
Xem Golden State Warriors, và đặc biệt là Curry thi đấu, có cảm tưởng họ luôn cảm thấy chán nản khi dẫn điểm qua xa và chỉ thực sự tập trung khi đối thủ bắt đầu lội ngược dòng.
Nhưng dường như Curry cũng chỉ chờ có vậy, vì chính những lúc ngọn lửa hi vọng được thổi bùng lên cũng là lúc đối thủ bị “dội 1 gáo nước lạnh” bởi những pha ném 3pt không tưởng ở một vị trí bất kỳ trên sân cho dù đang bị kèm chặt tới mức độ nào (có thể liên hệ với Chris Paul và LA Clipper để hiểu rõ hơn cảm giác này).
Tuy hành trình có đôi chút khác biệt, nhưng nếu nhìn vào lối chơi và chỉ số thì thấy khá nhiều điểm tưởng đồng. Cả 2 đều là các PG ghi điểm cực kỳ xuất sắc, là những người đồng đội tuyệt vời, sẵn sàng nhường bớt trách nhiệm khi các siêu sao khác xuất hiện.
Họ đều có khả năng ném xa cực tốt, cũng như có nhiều pha qua người, lên rổ ảo diệu. Ngoài ra cả 2 cùng sinh ra vào tháng 3 và đều có những pha bóng “thương hiệu” để kết liễu đối thủ khiến bạn bật tung ra khỏi ghế.
Không những thế, chỉ số năm nay của cả 2 cũng rất giống nhau với 25 điểm và hiệu suất ném gần như y hệt (47% FG / 40% 3PT / 90% FT).
Sự khác biệt lớn nhất giữa 2 siêu sao này chủ yếu nằm ở khâu phòng ngự với Curry thường xuyên nằm trong Top “steal leader” của giải và có số lượng rebound thuộc hàng khá cho một PG trong khi chỉ số của Irving chỉ thuộc nhóm trung bình yếu ở cả 2 hạng mục trên.
Ngoài ra tuy vẫn luôn bị cho là “điểm yếu” trong đội hình phòng ngự của GoldenState nhưng ít ra thì Curry cũng chưa bao giờ thiếu sự nỗ lực cả, điều mà không phải fan cứng nào của Cavaliers cũng có thể đứng ra bảo lãnh cho Irving .
* Đánh giá:
Ném: Curry 10 - 9 Irving
Lên rổ: Irving 10 – 9.5 Curry
Qua người/rê rắt: Irving 10 – Curry 9.5
Chuyền bóng: Curry 9 – 8 Irving
Phòng ngự: Curry 8 – 7 Irving
Tổng điểm: Curry 9.2 – 8.7 Irving