ĐKVĐ Cleveland Cavaliers và Á quân Golden State Warriors sẽ gặp nhau vào lúc 02h30 sáng thứ Hai 26/12 tới. Đấy là 1 trong 10 cặp đấu đáng chú ý nhất lịch sử giải bóng rổ NBA.
GoldenState Warriors - Cleveland Cavaliers
Liên tục chạm trán ở 2 trận chung kết NBA rõ ràng là cách quá dễ để trở thành kình địch của nhau. Hơn nữa, mỗi đội đều sở hữu tài năng được đánh giá là hàng đầu của giải : Cleveland Cavaliers có LeBron James, Golden State Warriors có Stephen Curry.
Phong cách thi đấu của họ cũng là hai mặt đối lập khi Golden State Warriors – niềm tự hào mới của Bay Area – thu hút người hâm mộ bằng một chữ “nhanh” lúc ném bóng, đập bóng hoặc phản công, còn châm ngôn của “các Kỵ sĩ” là “đảm bảo bóng đến LeBron”.
Khác biệt giữa hai đội còn ở chỗ Golden State Warriors chú trọng ném 3 điểm, còn Cleveland Cavaliers vẫn dựa vào khả năng càn lướt của LeBron James.
Cuộc chạm trán đầu tiên của hai đội ở chung kết xảy ra năm 2015 khi Golden State Warriors giành chiếc nhẫn đầu tiên sau hàng thập niên chờ đợi nhờ tận dụng tốt cơn dịch chấn thương ở Cleveland Cavaliers khi Kevin Love bỏ lỡ hầu hết game vòng Play-off và Kyrie Irving bị đau ở game đầu của loạt trận chung kết.
Nhưng đến mùa sau, khi hai đội lại tranh chung kết NBA năm 2016, Cleveland Cavaliers có đủ bộ ba LeBron James, Kevin Love và Kyrie Irving trong lúc Golden State Warriors vừa lập kỷ lục về số trận thắng ở mùa regular season.
Lần này, LeBron James báo thù ngọt ngào khi Golden State Warriors tưởng chừng thắng chắc do dẫn trước 3-1, nhưng bị Cleveland Cavaliers quật lại 4-3 để giành danh hiệu đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ.
Còn mùa này, kết quả vẫn khó đoán do LeBron James, Kevin Love và Kyrie Irving ngày càng hiệu quả hơn, song Golden State Warriors lại có thêm siêu sao Kevin Durant.
New York Knicks - Indiana Pacers
Khi New York Knicks gặp Indiana Pacers ở thập niên 90, Reggie Miller là cái tên thường được nhắc tới. Trong nhiều năm qua, ngôi sao của Pacers kiếm được biệt danh là “Kẻ diệt Knicks” do thường có những pha clutch ghi điểm quyết định vào cuối hiệp hay trận đấu gặp đội bóng của New York ở Play-off và regular season.
Các CĐV lâu năm của hai đội này ắt hẳn vẫn còn nhớ màn trình diễn huyền thoại của Reggie Miller ở game 5 của trận chung kết miền Đông năm 2000 khi anh ghi 39 điểm, bao gồm 25 điểm chỉ riêng hiệp 4 bằng hàng loạt quả ném 3 điểm để Pacers vượt lên dẫn 3-2, trước lúc cũng chính anh ghi 17 điểm ở hiệp 4 của game 6 đưa đội nhà tới chung kết NBA.
Tính ra từ năm 1993-2000, Knicks và Pacers gặp nhau 6 lần ở các vòng Play-off, bao gồm cả trận chung kết miền Đông năm 2000 ấy. Cặp đấu này nóng tới mức tờ New York Times từng ví như Hatfield và McCoy, hai gia tộc có mối thù sâu nặng nhất trong lịch sử bờ Tây nước Mỹ khi cuộc nội chiến vùng Kentuckey và Tây Virginia nổ ra.
Tuy nhiên, hận thù này đã nhanh chóng phai nhạt ngay từ lúc Reggie Miller vẫn còn thi đấu ở NBA. Đến Play-off NBA 2013, hai đội lại gặp nhau và Pacers lại thắng chung cuộc sau 6 game.
New York Knicks - Miami Heat
Các cầu thủ tấn công của hai đội đã góp phần tạo ra một trong những đội bóng hận thù nhau dữ dằn nhất NBA thời hiện đại. Bởi trên thực tế, quan hệ giữa hai đội sớm căng thẳng từ cuối thập niên 90, trước cả khi Pat Riley rời vị trí HLV Knicks để gia nhập Heat.
Trong loạt trận Play-off từ 1997-2000, hai đội gặp nhau một mạch 4 lần và tất cả đều cần trọn 7 game mới xác định thắng thua. Một trong những khoảnh khắc ác liệt nhất xảy ra vào năm 1997 ở vòng bán kết miền Đông, lúc hai đội xảy ra xô xát sau khi P.J. Brown phạm lỗi thô bạo với hậu vệ Charlie Ward của Knicks, khiến các cầu thủ Knicks khác như Allan Houston, Larry Johnson, Patrick Ewing và John Starks lao vào trả đũa rồi cùng bị cấm thi đấu suốt giai đoạn còn lại của vòng Play-off.
Tuy nhiên, ân oán chưa dừng ở đó. Khi hai đội gặp lại ở vòng Play-off mùa sau, Alonzo Mourning và Larry Johnson đã choảng nhau ngay trên sân. Và một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất của cuộc chiến giữa hai đồng đội cũ ở Charlotte Hornets là khi HLV Jeff Van Gundy của Knicks túm chặt lấy chân của cầu thủ Heat khi cố gắng tách 2 người ra.
Chicago Bulls - New York Knicks
Cuộc chiến giữa Trái táo lớn (biệt danh của New York) với Thành phố lộng gió (biệt danh của Chicago) nóng bòng nhất khi Michael Jordan dẫn dắt Chicago Bulls đến các ngôi vô địch NBA đầu thập niên 90.
Từ năm 1989 đến 1996, Bulls và New York Knicks từng đấu với nhau 7 lần ở Play-off mà Chicago thắng tới 6. Vấn đề là với dàn sao như Patrick Ewing, Charles Oakley cùng John Starks, các fan của Knicks rõ ràng có quyền đòi hỏi đội nhà phải chấm dứt cơn khát vô địch kéo dài hàng thập kỷ.
Vì thế, Knicks luôn đánh rất nhiệt và không ngại va chạm khi gặp Bulls để rồi có chiến thắng vào năm 1994, nhưng lại thua Rockets ở chung kết NBA năm đó.
Dù vậy, cái bóng của Michael Jordan quá lớn. Số 23 huyền thoại là cơn ác mộng đối với nhiều đội ở NBA, nhưng đặc biệt “chiếu cố” Knicks khi ghi tới 55 điểm ở Madison Square Garden năm 1995 dù chỉ vừa trở lại sau khi tuyên bố giải nghệ.
Ân oán giữa hai đội lại được hâm nóng năm 2016 khi Knicks lôi kéo Joakim Noah và Derrick Rose của Bulls, nhưng mấy vụ này chẳng đáng kể gì so với kỷ nguyên của Michael Jordan.
Chicago Bulls - Detroit Pistons
Chicago Bulls và Detroit Pistons kình nhau thật sự phải tính từ thập niên 80 nhưng chỉ trở thành kẻ thù không đội trời chung trong lịch sử NBA sau chuỗi 4 trận Play-off từ năm 1988-1991. Nguyên nhân là do các trận này thường căng thẳng quá mức cần thiết do cả hai đều thiên về lối chơi thể lực, nhất là Pistons khét tiếng do cách đánh quá “nhiệt” tới mức từng bị chỉ trích là “chơi dơ”.
Gánh biệt danh “Những gã trai hư”, các cầu thủ Pistons do Isiah Thomas và Bill Laimbeer chỉ huy đã đánh bại Bulls của Michael Jordan ở 3 loạt trận Play-off liên tiếp trước lúc thua lại vào năm 1991, một kết quả đáng thất vọng với đội bóng Detroit tới mức họ bước ra khỏi sân mà chẳng buồn bắt tay đồng nghiệp bên Bulls.
Giai đoạn cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 này của bóng rổ NBA cũng là thời kỳ đỉnh cao xuất hiện nhiều cặp đấu oan gia do có rất nhiều cảnh thúc cùi chỏ, đánh đối phương đổ máu mũi cùng nhiều kiểu va chạm khác.
Los Angeles Lakers - Detroit Pistons
Ân oán phát sinh từ chính thành công của cả hai đội, khi họ gặp nhau ở trận chung kết NBA 3 lần vào các năm 1988, 1989 và 2004. Đây cũng là cuộc đấu giữa hai lối chơi tương phản.
Trong giai doạn đó, Los Angeles Lakers nổi tiếng ghi điểm nhiều nhờ lối chơi tấn công đẹp mắt dựa vào tài năng của các huyền thoại như Magic Johnson và Kobe Bryant, còn Detroit Pistons chủ trương chơi đồng đội, thủ chắc và không ngại va chạm để giành những chiến thắng xấu xí nhờ đấu thể lực.
Và cho dù ân oán của hai đội thật ra sớm có từ thập niên 50, những thời khắc nóng bỏng nhất chỉ có thể là ở các trận chung kết NBA khi Magic Johnson chiến với Isiah Thomas, khi họ cùng chia nhau những chiếc nhẫn NBA ở thập niên 80, khi Lakers của Magic Johnson thắng loạt chung kết 7 trận năm 1988 trước khi Isiah Thomas cùng Pistons đòi nợ năm 1989.
Đến trận chung kết NBA 2004, Pistons chơi phòng ngự cực chắc đã đánh bại dàn sao sau này có tên trong Ngôi nhà Danh vọng của NBA như Kobe Bryant, Shaquille O’Neal, Gary Payton và Karl Malone qua 5 trận.
Boston Celtics - Los Angeles Lakers
Cặp oan gia bóng rổ này hội đủ mọi yếu tố hấp dẫn do liên quan đến các trận tranh vô địch, ganh đua giữa các tài năng đứng trong Ngôi nhà danh vọng của NBA, cũng như cạnh tranh thương hiệu và đối đầu giữa các dànsao.
Đấy là giai đoạn từ năm 1959 đến 2010, khi Lakers và Celtic gặp nhau ở chung kết NBA 12 lần. Celtics đăng quang 9 lần, Lakers chỉ 3 lần. Nói cách khác, hận thù này dài lâu như tuổi đời của NBA.
Trong cuộc chiến trường kỳ ấy, Celtics sở hữu các huyền thoại như Bill Russell, John Havlicek, Sam Jones, Larry Bird, Kevin McHale và Robert Parish, còn Lakers quy tụ Jerry West, Wilt Chamberlain, Elgin Baylor, Kareem Abdul-Jabbar cùng James Worthy.
Các huyền thoại này đã mở đường đưa Kobe Bryant, Shaquille O’Neal và Pau Gasol đến Los Angeles, tương tự là Kevin Garnett, Paul Pierce, Ray Allen cùng Rajon Rondo tới Boston vào cuối những năm 2000.
Trong mấy năm đầu, Celtics lấn lướt hẳn khi thắng Lakers cả 8 trận đầu gặp nhau tại chung kết, nhưng Lakers đã quật khởi để thắng 3 trong 4 trận chung kết sau đó.
Quan hệ của cặp này cực nóng vào thập niên 80 với cuộc so tài giữa Larry Bird với Magic Johnson được ví như cuộc chiến giữa những titan (những khổng lồ thuộc thế hệ tiền bối của thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp).
Lakers và Celtcis càng quyết liệt do tương phản đến từng trụ cột như Magic Johnson chơi hoa mỹ và biến hóa trong lúc Larry Bird cùng đồng đội của anh thi đấu cần cù và không màu mè.
Đến năm 2008, Celtics gợi nhớ lại thù xưa khi hạ Lakers ở chung kết NBA nhờ có Kevin Garnett, Paul Pierce và Ray Allen, nhưng 2 năm sau, Lakers đã thanh toán sòng phẳng nợ cũ sau 7 game bằng vào lực lượng có Kobe Bryant và Pau Gasol.
Los Angeles Lakers - Sacramento Kings
Hai đội này trở thành kình định trong kỷ nguyên của Shaquille O'Neal và Kobe Bryant tại Lakers vào đầu những năm 2000 khi họ đụng độ nhau nẩy lửa ở các trận Play-off.
Lakers và Kings thường quyết ăn thua đủ do nổi tiếng tương đương nhau và các ngôi sao của họ ganh đua nhau gay gắt như Shaquille O'Neal với Vlade Divac, Rick Fox và Doug Christie, thậm chí Rick Fox và Doug Christie từng đánh nhau.
Trong 3 năm liền, từ 2000-2002 khi Lakers vô địch NBA một mạch, họ liên tục đánh bại Kings, bao gồm cả trận chung kết miền Tây 2002 có ý kiến cho rằng đấy là một trong những trận đấu gây tranh cãi nhất lịch sử.
Lúc đó, Kings đang dẫn 3-2 khi hai đội bước vào game 6 và dẫn điểm ở hiệp 4 thì một loạt quyết định khó hiểu của trọng tài nhằm vào đội bóng của Sacramento ở cuối trận đã đem đến 27 pha ném phạt cho Lakers.
Los Angeles Lakers - San Antonio Spurs
Hai kình địch miền Tây này bắt đầu ghét nhau từ lúc họ đều khởi sắc từ đầu tới giữa những năm 2000 nhờ những ngôi sao như Tim Duncan, Manu Ginobili, Tony Parker, David Robinson của Spurs và Shaquille O’Neal, Kobe Bryant của Lakers.
Từ năm 1999-2013, hai đội đụng nhau ở vòng Play-off 7 lần khi Lakers thắng 4 lần. Điều thú vị của các lần gặp ấy là hễ đội nào giành phần thắng, đội ấy sẽ tiến vào tới chung kết NBA.
San Antonio Spurs - Phoenix Suns
Hai đội bắt đầu thù hằn nhau từ đầu thập niên 90, khi David Robinson dẫn Spurs chống lại những đội hình đầy sao của Phoenix. San Antonio Spurs và Phoenix Suns gặp nhau ở vòng Play-off 4 lần từ 1992-1998 với thắng lợi chia đều hai bên.
Thù hận giữa hai đội tiếp tục leo thang khi họ đụng nhau 6 lần trong giai đoạn từ 2000-2010. Ngay cả khi Spurs áp đảo ở giai đoạn này do chỉ thua 1 lần, đấy lại là chiến thắng vang dội 4-0 của Phoenix năm 2010. Đấy là 1 trong những màn trình diễn ấn tượng nhất của bóng rổ hiện đại khi Suns giới thiệu sức tấn công mạnh mẽ với Steve Nash và Amar’e Stoudemire.
Đến năm 2007, hai đội lại sôi máu với nhau ở vòng 2 của Play-off. Bởi lúc đó, cặp đấu này chẳng khác nào chung kết miền do cả hai đội đều thuộc loại hay nhất NBA mùa ấy.
Bước ngoặt đến ở game thứ 4, khi xảy ra ẩu đả do Robert Horry chơi xấu Steve Nash. Toàn bộ dự bị của hai đội đều lao vào tham chiến, dẫn đến kết cục là Raja Bell và Amar’e Stoudemire của Suns đều bị cấm thi đấu, nhưng bù lại, đội bóng của họ đã thắng.