Đây là kỳ cuối trong loạt bài 4 kỳ để cung cấp cho người đọc góc nhìn mới về hợp đồng giày, cũng như các khía cạnh liên quan đến việc kiếm tiền bằng quảng bá thương hiệu đồ dùng thể thao.
Sau kỳ 1 nói về phân loại các hợp đồng giày, kỳ 2 và kỳ 3 nói về khâu thương thảo ở hai khía cạnh cầu thủ cũng như thương hiệu, kỳ cuối sẽ hướng về những hiểu lầm thường thấy về "sneaker free agency" cũng như toàn bộ quá trình ký hợp đồng.
Trong những năm gần đây, người hâm mộ đã biết nhiều hơn về những hợp đồng giày và quá trình ký hợp đồng quảng bá giữa cầu thủ với các thương hiệu.
Nhiều kênh thông tin uy tín đã tăng độ phủ về thế giới giày bóng rổ nói chung. Một số trang còn thuê những chuyên gia về giày như Nick DePaula để lo về mảng tin tức và cũng cấp những góc nhìn mới.
Cùng với đó, mạng xã hội cũng giúp những người mê giày luôn được cập nhật những điều mới nhất. Họ không chỉ được theo dõi những cầu thủ hay các thương hiệu ưa thích mà thông tin luôn xuất hiện rất dày. Điều này được hiện thực hoá bởi các ký giả coi những hợp đồng quảng bá vừa được ký như những tin tức nóng hổi.
Như trường hợp của Zion Williamson khi tân binh này đạt thoả thuận với Jordan Brand. Hợp đồng kỷ lục này được công bố bởi Adrian Wojnarowski, ký giả uy tín với 4 triệu người theo dõi trên Twitter và vốn quen thuộc trong mắt người hâm mộ về những tin nóng trên thị trường chuyển nhượng.
Dẫu vậy theo một số chuyên gia từ các hãng và người đại diện cầu thủ ở NBA, những hiểu lầm về hợp đồng quảng bá giày nói riêng và cả thế giới giày bóng rổ nói chung vẫn luôn tồn tại.
"Nhiều người hâm mộ nghĩ rằng bất kỳ ai có hợp đồng giày với các hãng đều bỏ túi hàng triệu đôla mỗi năm. Thực ra điều đó không đúng. Có rất nhiều cầu thủ chỉ nhận một khoản thu nhập thêm với 6 con số mỗi năm(vài trăm nghìn đôla)", một người đại diện chia sẻ.
"Những cầu thủ được nhận tiền triệu đô nằm trong một nhóm rất nhỏ. Đó thường là những cầu thủ có giày thửa riêng hoặc những siêu sao rất lớn, thể hiện mình tốt và nằm trong nhóm 1 hoặc 2 cầu thủ xuất sắc nhất đội bóng ở các thị trường big market".
Ai cũng tò mò rằng cầu thủ sẽ kiếm được bao nhiêu tiền mỗi năm nếu họ có hợp đồng quảng bá với Nike hay Jordan Brand. Cộng đồng mạng đã từng rất bất ngờ khi biết Kawhi Leonard chỉ nhận được chưa đến 500.000 đôla từ Jumpman trước khi chia tay thương hiệu này để đến với New Balance.
Jimmy Butler cũng là cầu thủ tương tự. Anh cũng vừa rời khỏi Jordan Brand vì không thể đạt thoả thuận tăng giá trị hợp đồng và số tiền mà anh từng nhận cũng ngang với Kawhi.
Nhưng không chỉ riêng người hâm mộ. Câu chuyện tiền bạc đôi khi còn làm chính các cầu thủ "ngã ngửa" vì kỳ vọng quá cao vào mức thu nhập mà họ có thể được nhận.
"Trong giới cầu thủ, khi một người nhận được hợp đồng lớn thì nhiều người khác nghĩ rằng họ cũng có thể được như vậy. Nhưng rõ ràng không phải ai cũng có thể bỏ túi 10 triệu đô mỗi năm và không phải ai cũng có giày thửa riêng cho mình", người đại diện NBA Roger Montgomery chia sẻ.
"Tôi nghĩ nhận định sai lầm ấy đã khiến rất nhiều cầu thủ cũng như các agent của họ thất vọng. Không chỉ với hợp đồng lớn kèm giày thửa riêng mà ngay cả hợp đồng tiền mặt cũng làm cầu thủ bị 'ảo tưởng' đôi chút về khả năng của mình. Thực chất, họ chỉ có thể ký hợp đồng vật phẩm và nhận đồ dùng miễn phí từ hãng.
Đó vẫn là hợp đồng quảng bá giày, vẫn là một đặc quyền mà không phải ai cũng có. Nhưng đó không phải miếng bánh béo bở mà họ tưởng tượng từ đầu".
Câu chuyện "ảo tưởng sức mạnh" không hề mới trong giới cầu thủ và những người đại diện. Tuy nhiên, đây còn là khía cạnh để một số "agent bẩn" khai thác và trục lợi khi có thể. Được làm việc với các cầu thủ trị giá hàng chục triệu đôla, nhiều người đại diện nảy sinh ý tưởng tranh giành công việc của người khác.
Họ sẽ rỉ tai cầu thủ rằng agent mà người này đang thuê không đủ khả năng đàm phán một hợp đồng lớn. Đi kèm với đó là những lời nói có cánh, khiến cầu thủ trở nên "ảo tưởng sức mạnh" và thực sự nghĩ rằng mình đang có một agent kém cỏi. Từ đây, những ai không vững vàng về mặt tâm lý sẽ bị thuyết phục và thay đổi người đại diện của mình.
Ngay cả những cầu thủ All-Star cũng có thể rơi vào tình cảnh này vì họ không có những hợp đồng "xịn". Nhưng thực chất, lý do nằm ở một số khía cạnh khác như trung phong hoặc bigman thường khó bán giày hơn cầu thủ bình thường dù họ có thể sở hữu những thống kê tương đồng.
Nhất là các bigman ở những thị trường nhỏ, rất khó để họ nhận những hợp đồng có giá trị cao và đây rõ ràng không phải lỗi do người đại diện.
"Một cầu thủ có thể lọt vào đội hình All-Star, nhưng điều đó không có nghĩa rằng anh ấy sẽ bán giày tốt", một chuyên gia từ hãng giày chia sẻ.
"Đôi khi những agent đến và nói với chúng tôi rằng 'Cầu thủ của tôi là một All-Star, vậy nên anh ấy xứng đáng được trả tiền như những cầu thủ All-Star khác'. Thật lòng mà nói, điều chúng tôi quan tâm ở đây là bán sản phẩm và khái niệm All-Star không đảm bảo được điều gì cả.
Ngoài ra, một câu mà chúng tôi cũng rất hay nghe là 'Cầu thủ của tôi vừa ký hợp đồng lớn với đội bóng. Cậu ấy nên được một hợp đồng lớn hơn'. Được gia hạn hợp đồng chứng tỏ cầu thủ này thi đấu tốt, nhưng nó cũng không đồng nghĩa với việc sẽ bán được giày.
Còn rất nhiều lời chia sẻ khác và gắn liền với câu 'Cầu thủ của tôi nên được nhiều hơn'. Lý giải của chúng tôi đương nhiên là vẫn y hệt".
Vào năm 2018, chủ tịch chuyên môn của một đội bóng miền Đông đã chia sẻ rằng cầu thủ NBA ngày nay trung thành với hãng giày còn hơn cả với đội bóng mà họ thi đấu. Dù sao đi nữa, đây cũng là điều dễ hiểu và phổ biến khi cầu thủ gắn bó với thương hiệu giày trong cả sự nghiệp nhưng vẫn nhảy đội ở NBA.
"Cầu thủ có thể kiếm nhiều tiền từ hợp đồng giày hơn mức lương từ NBA trong cả sự nghiệp của họ", vị chủ tịch này chia sẻ.
"Nhiều người thắc mắc rằng vậy cầu thủ này trung thành với ai? Thực ra các hãng giày thoải mái hơn nhiều so với các đội bóng về khâu thương thảo. Họ chẳng lo về quỹ lương hay những quy định rườm rà khác của CBA (Collective Bargaining Agreement, thoả thuận giữa NBA và hiệp hội cầu thủ NBPA).
Một công ty lớn như Nike có thể ký những hợp đồng kéo dài với số tiền lớn ví dụ như những hợp đồng trọn đời hay có thời hạn đến 10 năm. Với đội bóng NBA, họ khó lòng làm được điều đó.
Cũng phải nói thêm rằng mối quan hệ giữa cầu thủ và hãng giày cũng dễ duy trì, ổn định và 'ít sóng gió' hơn với các đội bóng. Đó là lý do cho những hợp đồng có thời hạn vượt xa sự nghiệp thi đấu của một cầu thủ. Có những người dù giải nghề nhiều năm vẫn còn tích cực quảng bá giày trên thị trường".
Về phía các chuyên gia và những đại diện từ những nhà sản xuất, họ chia sẻ thêm về vấn đề này với nhiều ý kiến trái chiều.
"Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng một cố người coi mối quan hệ với hãng giày như sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình. Họ và đại diện từ các hãng như những người anh em thân tình với nhau vậy", chuyên gia về giày Nick DePaula nói.
"Mối quan hệ nào cũng có thể gặp trục trặc. Nhiều cầu thủ không hài lòng với công ty mà họ đã ký. Sự liên kết giữa họ với hãng rất hời hợt và không mấy êm đẹp dù hai bên vẫn thoả thuận với nhau về số tiền hàng chục triệu đôla trong nhiều năm", một người đại diện lý giải thêm.
"Tôi không muốn nêu tên, nhưng một số người đang rơi vào tình cảnh này có thể sẽ gây bất ngờ với người hâm mộ. Họ có một mối quan hệ không tốt một chút nào và thường xuyên bất đồng về quan điểm trong các buổi họp. Cũng như với các đội bóng NBA, cầu thủ vẫn có tình trạng 'nhìn núi này trông núi nọ'. Họ hay gằn giọng với các công ty giày rằng ngoài kia đang có những hãng sẵn sàng trả cho tôi nhiều tiền hơn...
Đúng là có nhiều cầu thủ cực kỳ trung thành và họ giữ hình ảnh rất tốt về mọi mặt với các hãng. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng diễn ra".
"Tôi nghĩ rằng thật khó để so sánh mối quan hệ giữa cầu thủ với hãng giày và với đội bóng NBA", người đại diện đã nghỉ hưu Matt Babcock nói.
"Lời cam kết với một đội bóng thường đồng nghĩa với việc cầu thủ sẽ làm việc tốt với một huấn luyện viên hay một nhóm cầu thủ nhất định. Đây là sự liên tục và nó kéo theo thành công nhờ nhiều người đoàn kết với nhau trong một thời gian dài.
Nhưng cũng có một số cầu thủ khác bị ảnh hưởng với những yếu tố bên ngoài như gia đình, người thân hay những lý do khác. Điều này đồng nghĩa với việc quyết định của họ mang nhiều biến số hơn và cũng có khả năng rủi ro cao hơn.
Mặt khác, cam kết với một hãng giày lại đơn giản hơn rất nhiều. Một con số về giá trị, một con số về thời gian và rồi cầu thủ có thể mang giày cho hãng đó. Nếu họ có chuyển đội, giày của họ chỉ cần đổi màu là xong việc".
Một trong những hiểu lầm cuối cùng và lớn nhất là thị trường giày bóng rổ đang bùng nổ. Thực chất, doanh số bán hàng đang bị ảnh hưởng trong thời gian gần đây.
"Xu hướng thị trường luôn đi theo những chu kỳ nhất định", một người đại diện chia sẻ. "Sau Michael Jordan và thành công vang dội với Jordan, các công ty giày thoải mái hơn trong việc ký hợp đồng và cho phép rất nhiều cầu thủ có giày thửa riêng trong thập niên 1990.
Nhưng đến năm 2003 khi LeBron James đến NBA, thị trường giày bóng rổ lúc đó đã lắng xuống. Và rồi mọi thứ lạị bùng nổ xoay quanh Olympic 2008 và cho đến nay, thế giới giày đang xoay quanh những đôi giày chạy bộ công nghệ cao. Giày bóng rổ đang không thực sự có nhiều sức hút và không còn là xu hướng chung của toàn bộ thị trường nữa".
"Bạn phải hiểu rằng nhu cầu về giày bóng rổ trong 3 năm qua như thế nào và sẽ hiểu vì sao các công ty đưa ra những quyết định như cắt hợp đồng với những cầu thủ lâu năm, chọn lọc kỹ càng hơn trong việc ký kết với những tài năng trẻ mới..." người đại diện Montgomery lý giải.
Công ty giày hằng năm vẫn có một nguồn vốn nhất định để quảng bá thương hiệu. Nhưng qua mỗi năm, con số ấy lại thay đổi.
Nếu hãng giày trải qua một năm không thành công, họ sẽ cân nhắc lại về chi tiêu và không vung tiền quá thoải mái cho các cầu thủ. Còn nếu công ty có một năm làm ăn tốt, họ sẽ tính đến việc tăng độ phủ và mở rộng quy mô quảng bá. Dẫu vậy, kế hoạch của họ cũng sẽ dài hơi để đảm bảo lợi nhuận cho những năm kế tiếp.
Người đại diện cần phải nắm rõ những điều này trước khi bước vào công cuộc thương thảo với các hãng giày. Đây là lý do vì sao khâu nghiên cứu thị trường là rất quan trọng trong toàn bộ quá trình "sneaker free agency".
(Hết)
Xem toàn bộ series về hợp đồng quảng bá giày bóng rổ dưới đây:
Kỳ 1: Ba loại hợp đồng và sự khác biệt về giá trị
Kỳ 2: Đàm phán và những điều khoản không phải ai cũng biết
Kỳ 3: Các hãng giày lôi kéo cầu thủ như thế nào?
Kỳ cuối: Những hiểu lầm thường thấy với "sneaker free agency"