Tại sao MVP NBA không thuộc về Russell Westbrook?

thứ tư 28-6-2017 20:58:09 +07:00 0 bình luận
Nhắc đến Russell Westbrook, mọi người thường chỉ nghĩ đến một anh chàng bảnh chọe, tắc kè hoa và chơi thứ bóng rổ có phần ích kỷ trên sân.

Nhắc đến Russell Westbrook, mọi người thường chỉ nghĩ đến một anh chàng bảnh chọe, tắc kè hoa và chơi thứ bóng rổ có phần ích kỷ trên sân.

Không có ý bào chữa gì cho điều ấy nhưng trong cuộc sống vốn muôn màu, Webthethao.vn mong muốn người hâm mộ nhìn nhận Westbrook dưới góc nhìn khác, tích cực hơn.

1. Westbrook phát triển muộn

Khi bắt đầu vào trung học, Westbrook vẫn còn khá nhỏ con so với bạn bè đồng lứa. Lúc đó anh cao có 5ft8 (1m76), đi giày size 14 (số 47) và đặc biệt là không thể úp rổ cũng như không được chơi cho tuyển trường.

Anh bị bạn bè cười nhạo vì chuyện đó. Huấn luyện viên của trường đã phải đứng ra bảo lãnh để anh có thể vào tập dù tên anh thường bị ai đó xóa đi khỏi danh sách.

Anh chỉ được vào sân khi có ai đó muốn nghỉ. Anh chơi hết mình dù luôn bị người ngoài sân trêu chọc. Tận dụng những khoảng thời gian ít ỏi trên sân, anh trở thành một cầu thủ chuyên phòng ngự.

Trong màu áo UCLA Bruins
Trong màu áo UCLA Bruins

Lên đại học, anh tiếp tục bị bỏ quên cho đến khi Jordan Farma quyết định đăng ký vào NBA Draft thì anh mới được mời về chơi cho UCLA Bruins.

Ở đây, anh chỉ là back-up cho Darren Collison và tiếp tục chơi phòng ngự. Cơ hội của anh chỉ đến khi Collison bị chấn thương nên được đôn lên đội hình chính.

Khi anh được draft vào NBA, ai cũng cho rằng anh được pick quá sớm (pick 4). Khi quyết định chọn Westbrook hay là Reggie Jackson, nhiều khán giả còn kiên quyết đòi Westbrook đi.

Năm 2012, cơ hội lên đánh chính của anh bắt đầu và anh đã dần thể hiện được khả năng của mình. Giờ đây Westbrook trở thành 1 phần không thể thiếu của đội bóng.

Westbrook khởi đầu sự nghiệp chậm và luôn bị liệt vào đội hình phụ nhưng anh không ngừng nỗ lực để tìm chỗ đứng cho mình. Những mùa giải đầu tiên chơi cho OKC anh dù chỉ chơi dự bị nhưng vẫn là một trong những PG có offensive rebound cao nhất giải đấu.

Điều này lý giải phần nào việc anh luôn ra sân với một lửa chiến đấu hừng hực như một Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn tới 500 năm mới được giải thoát.

2. Sự khổ luyện của Westbrook

Westbrook luôn là người có mặt sớm nhất và ra về muộn nhất ở tất cả các buổi tập của toàn đội. Kể cả những ngày HLV cho nghỉ, anh vẫn lên sân để tập.

Billy Donovan từng phải ép Westbrook nghỉ tập. Hôm đó ông ở lại muộn để làm 1 số công việc sổ sách. Ông nghe thấy có tiếng bóng trên sân.

Ông không hiểu chuyện gì xảy ra vì ông khá chắc mình là người cuối cùng rồi. Cuối cùng ông nhận ra đó là Westbrook đang tập trong bóng tối. Anh không dám bật đèn vì sợ rằng Billy sẽ biết và bắt anh nghỉ.

Một buổi tập cùng Kobe Bryant
Một buổi tập cùng Kobe Bryant

Cách đây không lâu, Westbrook đã có một trận đấu rất tệ với Phoenix Suns khi anh đang cố phá kỉ lục triple-double. Sau trận đấu anh đã không nói với ai mà lặng lẽ quay trở lại sân và tập ném 1 tiếng liền.

Điều thú vị là phòng tập ở ngay cạnh phòng ăn của cả đội. Khung cảnh lúc đó có thể tưởng tượng là 1 bên thì cả đội ăn uống cười đùa, còn bên kia là 1 mình Westbrook im lặng, ném rổ trong sự dằn vặt bản thân.

Kobe Bryant vốn nổi tiếng là 1 người nghiện làm việc cũng phải bất ngờ với Westbrook khi mùa hè vừa rồi anh được thuê làm mentor cho Westbrook.

Anh có hẹn anh này đi tập vào 7 giờ sáng (một giờ tập khá oái oăm) nhưng khi Kobe lên sân, anh đã thấy Westbrook ở đấy, mồ hôi lấm tấm. Hỏi ra thì anh mới biết Westbrook lên sân từ 6 giờ rồi.

3. Westbrook là một người bạn tốt

Không rõ nguồn cội của sự mâu thuẫn giữa Westbrook và Durant như thế nào. Nếu đọc twitter của Durant trong mấy ngày gần đây thì chắc những người hâm mộ cũng sẽ có suy nghĩ rằng "KD không đơn giản chỉ là nạn nhân".

Tiếp tục tìm hiểu về đời tư của Westbrook, nhiều người hẳn khá bất ngờ về câu chuyện cảm động giữa anh và người bạn thân thời trung học của mình.

Thời trung học ở Leuzinger High School, anh chơi thân với Khelcey Barrs III và 2 người có ước mơ được cùng nhau đến UCLA chơi bóng rổ.

KB3 - Biểu tượng tình bạn tưởng nhớ Khelcey Barrs III
KB3 - Biểu tượng tình bạn tưởng nhớ Khelcey Barrs III

Tuy nhiên tháng 5 năm 2004 Barrs bị đột tử trên sân bóng vì bệnh tim. Cú sốc này đã khiến Westbrook rất đau lòng. Sau cái chết của bạn thân, ngày nào anh cũng đến nhà Barrs để giúp mẹ của cậu ấy các công việc nhà.

Theo lời của bác gái, Westbrook cứ quanh quẩn trong sân chờ đến khi bác không còn việc gì để nhờ nữa thì mới đi về. Việc này chỉ dừng lại khi anh lên đại học.

Cho đến tận ngày nay, Westbrook vẫn luôn ra sân với vòng tay có chữ KB3 và đi giày có viết chữ KB3 lên đó để tưởng nhớ người bạn thời niên thiếu đã khuất của mình (nhiều người hiểu nhầm chữ KB kia là Kobe Bryant).

4. Westbrook xứng đáng danh hiệu MVP

Việc Westbrook bị đưa ra mổ xẻ vì để thua trực tiếp đối thủ cạnh tranh MVP trong vòng 1 Playoff - James Harden - là lỗi của giải bóng rổ NBA.

Việc đẩy lễ công bố và trao giải xuống tận cuối mùa giải khiến nhiều người lầm tưởng kết quả Playoff cũng quyết định đến danh hiệu này.

Đối với bọn họ, 1 MVP mà không thể vượt qua được vòng 1 là không chấp nhận được mà họ quên mất rằng trong lịch sử NBA đã có không ít MVP bị loại sớm như thế (Nowitzki, Mose Malone...).

Thời khắc nhận MVP của NBA
Thời khắc nhận MVP của NBA

Nói ra ở đây để người hâm mộ phải rõ ràng trong suy nghĩ của mình: Tất cả danh hiệu MVP season, 6th man, rookie of the year, coach of the year, defensive player of the year... đều chỉ dựa vào kết quả regular season. Playoff là câu chuyện hoàn toàn khác và MVP finals cũng chỉ dựa vào đúng series finals mà thôi.

Việc KD ra đi khiến cho OKC tụt dốc thảm hại. Hãy nhìn vào dàn cầu thủ còn lại gồm những Kanter, Adam, Roberson... cũng đủ thấy đội đó phế như thế nào. Victor Oladipo là một sự bổ sung đáng kể nhưng anh vốn chẳng giúp được gì nhiều.

Vậy việc đưa OKC lên thứ 6 trong bảng xếp hạng Miền Tây, trên cả Grizzlies, Blazers, Nuggets là nhờ ai nếu không phải là Westbrook gồng gánh cả đội. Nói không phải khoác lác chứ nếu OKC ở Miền Đông chắc đã nằm trong Top 3 rồi.

Nếu nói Westbrook cày chỉ số thì chắc nhiều người hâm mộ quên mất con số 33-9 là kết quả những trận mà Westbrook có được triple-doubles.

Chưa hết, pha clutch được giải Game Winning of the year cũng thể hiện khả năng giải quyết trận đấu của tân MVP này. Anh cày nhưng anh cũng rất clutch.

Cày là được có phải không? Nếu cứ cày là được thì tại sao kỉ lục 41 triple-double của Oscar Roberson lại phải chờ hơn 50 năm mới có người phá.

Còn kỉ lục chỉ số bình quân cả season triple-double kia chắc phải lâu lắm nữa mới có người tiếp theo làm được. Nếu cày là được thì người ta cày lâu rồi.

5. Kết

Nói thẳng ra là NBA tổ chức một buổi lễ NBA Award thất bại về thời điểm cũng như chuẩn bị. Buổi lễ có lượng view còn thấp hơn màn chào sân của bố con nhà Ball ở WWE còn khâu chuẩn bị thì lại mời cả phóng viên bóng đá vào chấm điểm cho bóng rổ.

Nhưng dù sao cuối cùng họ cũng đã làm tốt việc quan trọng nhất là tìm ra được người xứng đáng cho các danh hiệu. Westbrook cũng không phải ngoại lệ.

Michael Jordan và Russell Westbrook
Michael Jordan và Russell Westbrook

Phần thưởng này xứng đáng với những gì anh đã và đang làm để khẳng định tên tuổi mình với cả thế giới. Một cậu bé ngồi chơi bóng rổ điện tử với ước mơ một ngày trở thành MVP, một cầu thủ nhỏ thó bị bạn bè coi thường và gạt ra khỏi danh sách tuyển trường, một cầu thủ dự bị tập luyện như điên cuồng để thể hiện mình trong những phút ít ỏi trên sân... cho đến một MVP của giải đấu hàng đầu thế giới. Westbrook có nhiều điều đáng học hỏi hơn là bị đàm tiếu.

Để chúc mừng và khích lệ Westbrook, huyền thoại Michael Jordan đã gửi tin nhắn tới cho anh và nói rằng: "I got my first MVP award before my first ring too. Keep going” (tạm dịch: Tôi đoạt giải thưởng MVP đầu tiên cũng trước lúc có nhẫn vô địch NBA. Cứ vậy nhé).

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm