Có những mặt tối trong quá trình tuyển dụng tưởng như bình thường trong giới bóng rổ cấp đại học cao đẳng tại Mỹ và Canada. Nguyên nhân của chúng được xuất phát từ đâu?
Hiệp hội vận động viên cấp đại học (NCAA) tuy là một tổ chức phi lợi nhuận nhưng cơ cấu hoàn toàn khác với các hệ thống thi đấu thể thao cấp đại học đơn thuần ở nhiều quốc gia. Hiệp hội bao gồm gần 1300 tổ chức, khu vực và các cá nhân đại diện. Đây là nơi tổ chức các giải đấu cùng chương trình thể thao của nhiều trường cao đẳng đại học ở Mỹ và Canada với hơn 450 nghìn vận động viên sinh viên.
Năm 2014, NCAA đã tạo ra gần 1 tỷ USD doanh thu mà trong đó 80 - 90 % tới từ giải đấu bóng rổ nam cấp Division I. Có thể thấy một khi bóng rổ đã tạo ra một dòng tiền lớn đến vậy thì ắt cũng nảy sinh nhiều vấn đề ngầm trong đó.
Hàng năm, các giải bóng rổ thuộc NCAA nhận được khoản tiền chính từ sự tài trợ của các tập đoàn lớn như LG, Unilever, Nissan … cùng các hãng thời trang thể thao và tất nhiên cả khoản thu từ tiền bản quyền truyền hình. Xét về tính hình ảnh thì mô hình tổ chức và chất lượng cầu thủ đóng vai trò quan trọng nhất để tạo nên sức hấp dẫn cho NCAA.
Chính bởi thế, các tài năng bóng rổ hàng đầu có giá trị rất lớn trên thị trường vì họ tạo ra những khoản thu khác nhau về cho NCAA. Một học sinh trung học có tố chất có thể khiến cho một trường cao đẳng đại học sở hữu anh ta kiếm được lợi ích khó lòng đong đếm cả về mặt thương hiệu lẫn tiền bạc.
Nhìn xa hơn, lối đi thường thấy của các cầu thủ giỏi sẽ hướng tới việc gia nhập NBA. Một khi đã gia nhập giải đấu số 1 thế giới, khoản thu nhập cùng danh tiếng của anh ta lại lần nữa được khai thác triệt để bởi không chỉ các hãng thể thao mà còn khá nhiều các công ty hay tổ chức dịch vụ khác.
Lấy ví dụ, các ngôi sao NBA chắc chắn sẽ trở thành khách hàng tiềm năng trong tương lai cho các hãng giầy lớn, các nhà lập kế hoạch tài chính, rất nhiều các công ty may mặc trang phục, đại lý bất động sản, nhân viên bán xe và phương tiện cá nhân, và cả những tạp chí tuần san..v.v.
Những hãng lớn rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận những tài năng triển vọng nhằm gây dựng mối quan hệ để biến đây trở thành kênh quảng bá hoặc nguồn khách hàng béo bở cho sản phẩm của họ.
Tất nhiên, các công ty nói trên không ngồi im thụ động mà thường sử dụng mạng lưới cò mồi trung gian, đa phần là người trong chính các trường đại học vì những cò này có nhiều mối quan hệ quen biết trong giới. Những nhân vật nào giới thiệu được các tài năng sáng giá sẽ nhận được khoản chi trả bí mật dành cho cá nhân và cả những khoản tài trợ công khai cho trường học từ các công ty.
Như vậy, vô hình đã tạo nên cuộc đua tranh sóng ngầm nhằm lôi kéo các nhân tài về với trường học của mình. Ngoài những thứ được chấp nhận hợp pháp để làm động lực thu hút nhân tài như cấp học bổng, hỗ trợ nơi ở và một khoản phụ cấp nhỏ thì công bố vừa qua của FBI cũng đã hé lộ nhiều cách thức mờ ám vốn nằm ngoài giá trị pháp luật và đạo đức.
Tiêu biểu như các trường hợp khi những trợ lý huấn luyện ở trường đại học rủ rê những tài năng trẻ chưa đủ tuổi cho phép tới ăn chơi ở những tụ điểm giải trí. Hay như việc cấp tiền để mời gọi những chàng trai mới lớn bằng gái mại dâm cao cấp.
Ngoài ra, còn khá nhiều các hình thức khác sẽ được sử dụng tùy theo độ sáng tạo của các cò trung gian. Thậm chí, còn từng có chuyện những cò này sẽ làm quen, cặp kè với phụ huynh của các học sinh vừa tốt nghiệp trung học nhằm tạo cửa lôi kéo con cái của họ. Một khi đã có đủ bằng chứng, tội danh này có thể bị khép vào việc ngoại tình.
Những việc nêu trên thường gây sốc cho những người ngoài giới nhưng không xa lạ gì với những ai trong ngành. Chỉ có điều, không phải lúc nào cũng có người quan tâm để tập hợp đủ những bằng chứng. Gần đây, đặc vụ ngầm của FBI đã thu thập được khối lượng lớn các đoạn ghi âm, dữ liệu văn bản cùng các loại hình khác để đưa ra công bố về mặt tối này.
Sau cùng, phía Chính phủ liên bang cho hay vấn đề tuyển dụng NCAA cũng chỉ là mảng rất nhỏ trong số toàn bộ tiêu cực thuộc đa lĩnh vực có liên quan tới giới bóng rổ cấp đại học.