Sẽ ra sao nếu NBA áp dụng luật cấm úp rổ?

thứ năm 20-7-2017 14:09:51 +07:00 0 bình luận
Úp rổ là kỹ thuật gây hưng phấn nhất cho đám đông khán giả, ấy vậy mà nó từng có nguy cơ bị biến mất khỏi bóng rổ Mỹ.

Úp rổ là kỹ thuật gây hưng phấn nhất cho đám đông khán giả, ấy vậy mà nó từng có nguy cơ bị biến mất khỏi bóng rổ Mỹ.

Khi giáo sư James Naismith phát minh ra bóng rổ, chiều cao của rổ được đặt ở khoảng cách 10 feet (3m05) so với mặt đất. Hứng thú với môn thể thao mới, nhiều người chuyên tâm tận hưởng sự thú vị của nó thay vì quan tâm thay đổi những thứ mặc định.

Nhưng cho đến đầu thế kỷ 20, một phong trào cải biến đã diễn ra rầm rộ và nhiều ý tưởng trong đó đã gây tranh cãi kịch liệt. Được biết với miêu tả “kế hoạch giết chết các cú úp rổ”, hàng loạt các đề xuất có minh chứng được đưa ra xuất phát từ một giáo viên mang tên Forrest Phog Allen.

Từng là một sinh viên được đào tạo bởi Naismith nhưng Allen có định kiến khá nặng về các cú úp rổ. Ông cho rằng: “Úp rổ không phải là bóng rổ. Bóng rổ chỉ có ném”.

Nguyên nhân khó chịu đến từ việc ghi điểm quá dễ dàng của những cầu thủ có chiều cao vượt trội, họ chỉ cần chiếm vị trí tốt rồi vươn tay úp rổ thay vì thực hiện cú ném thông thường. 

Forrest Phog Allen phản đối úp rổ rất quyết liệt
Forrest Phog Allen phản đối úp rổ rất quyết liệt

Đáng nói ở chỗ ý kiến của Allen lại được không ít người ủng hộ. Chủ yếu đề xuất của họ đưa ra nằm ở việc thay đổi chiều cao của vành rổ, cụ thể từ 10 feet (3m05) nâng lên thành 12 feet (3m65).

Ngoài úp rổ, khi các trung phong da màu như George Mikan, Bill Russell hay Wilt Chamberlain hoành hành với các kỹ thuật ghi điểm và rebound ưu việt, ý tưởng 12 feet thậm chí còn suýt được thực hiện tại giải bóng rổ NBA. Riêng tại trường đại học Kansas của Allen, ông ta đã bắt đầu thử nghiệm cột rổ cao 12 feet vào năm 1934.

Tuy nhiên, rổ cao thì lại gây khó khăn cho những cầu thủ có chiều cao hạn chế. Bởi vậy mà sự thay đổi này chưa được áp dụng ngay. Thay vào đó, các điều luật khác được thảo luận nhằm hạn chế sự lấn át của các big men ví dụ như luật Goaltending, hay thậm chí cả luật cấm úp rổ. Đây chính là cơn đại nạn đầu tiên của kỹ thuật úp rổ. Trong 20 năm giằng co, các nhà làm luật đã tranh cãi liên tục về vấn đề này.

Sự việc bị thổi bùng lên khi xuất hiện Gus Johnson, cầu thủ đầu tiên có cú úp rổ hủy diệt làm tan vỡ phần bảng rổ phía sau.

Khi đó, cụm từ vỡ bảng rổ được xem như một kiểu tai nạn chấn động trong bóng rổ. Nó được định nghĩa như sau: “Là tình huống xảy ra khi một cầu thủ thực hiện cú tung người úp rổ làm vỡ hỏng phần bảng phía sau vành rổ. Rủi ro này có thể khiến trận đấu bị hủy, hoặc bị trì hoãn, gây ra thương tích trầm trọng cho con người và làm thiệt hại chi phí vật chất”. 

Cảnh tượng vỡ bảng rổ quả thực rất đáng sợ.
Cảnh tượng vỡ bảng rổ quả thực rất đáng sợ.

Và nhà làm luật Allen lại bắt đầu lên tiếng ủng hộ quyết liệt cho luật cấm úp rổ. Sự tác động của Allen đã thành công khi vào năm 1967, úp rổ bắt đầu bị cấm tại các trường đại học và trung học trên toàn nước Mỹ.

Mục đích của nó nhằm ngăn chặn các chấn thương và gây thiệt hại cho cơ sở vật chất. Theo đà, điều luật này đã tiến rất gần tới việc áp dụng tại giải bóng rổ NBA khi Darryl Dawkins, kẻ phá hoại bảng rổ thật sự xuất hiện.

Trong mùa giải NBA 1979-80, Dawkins với những cú úp rổ thừa sức mạnh đã 2 lần phá tan phần bảng rổ. Những miếng thủy tinh văng tung tóe gây nên cảnh tượng kinh hãi cho các khán giả. Trong tình huống đó, ban tổ chức NBA bắt đầu thảo luận về việc chuẩn bị áp dụng điều luật cấm úp rổ cho mùa giải sau.

Vậy điều gì đã cứu rỗi để người hâm mộ bóng rổ vẫn được chứng kiến các pha úp rổ như ngày nay? Thực tế, sự biết ơn nên được dành cho Arthur Ehrat, một kỹ sư làm việc tại bang Illinois, nước Mỹ.

Theo lời kể, Ehrat đã được cháu họ của ông, vốn là trợ lý huấn luyện viên tại đội bóng rổ đại học Saint Louis, nhờ yêu cầu thiết kế một bộ phận giúp hỗ trợ tăng cường lực chịu của bảng rổ với các cú úp rổ.

Khoảng 1 năm sau, Ehrat ra mắt sáng kiến của mình, thực chất là một cấu trúc lò xo dùng để lắp đặt vào phần nối giữa bảng rổ và vành rổ. Ehrat gọi thiết bị của ông là Người cải tổ, nhưng người hiện đại ngày nay vẫn hay gọi nó bằng cụm từ đơn giản, nẹp đàn hồi. Khi gắn thêm bộ phận này vào vành rổ, nó sẽ giúp tạo nên sự đàn hồi làm giảm trọng lượng và áp lực lên phần bảng rổ phía sau.  

Chân dung phát minh tuyệt vời đã xóa đi nguy cơ biến mất các cú úp rổ.
Chân dung phát minh tuyệt vời đã xóa đi nguy cơ biến mất các cú úp rổ.

Ban đầu, phát minh của Ehrat tính toán sẽ chịu được khoảng trọng lượng 56 cân. Năm 1978, nó được thử nghiệm tại trường đại học Saint Louis rồi dần được biết tới ở một số nơi khác. Và khi giải bóng rổ nhà nghề Mỹ chuẩn bị áp dụng luật cấm úp rổ, nhiều người đã đề cử phát kiến nẹp đàn hồi vào giải đấu.

Năm 1981, ban chuyên gia NBA đã ngồi lại với nhau để quyết định ý kiến lắp đặt toàn bộ các bảng rổ với thiết bị chịu lực mới. Một điều kiện được đưa ra là Ehrat phải giúp họ cải tiến thiết bị giúp chịu được trọng lượng cao gấp đôi. Điều này không có gì khó khăn khi chỉ cần tính toán lại các vị trí sắp đặt và bổ sung thêm các lò xo.

Như vậy, không những úp rổ đã được cứu sống vào phút chót mà còn giải tỏa hẳn nguy cơ bị dẹp bỏ trong suốt thời gian kể từ năm 1940. Về sau, bóng rổ thế giới vẫn chứng kiến rất nhiều những pha úp gãy rổ nhưng vấn đề được giải quyết đơn giản nhanh chóng. Cùng lắm là các nhà làm luật chỉ đưa ra điều luật cấm các cầu thủ bám vít trên vành rổ trừ trường hợp giữ an toàn cho bản thân hoặc người khác.

Nếu không có phát minh của Ehrat, NBA nói riêng và bóng rổ Mỹ nói chung sẽ mất đi tính hấp dẫn và sức thu hút khán giả. Úp rổ luôn là kỹ thuật gây thích thú nhất, điều này vốn không cần phải bàn cãi.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm