Một hình ảnh đã định hình cả NBA khi chính thức tái khởi động vào cuối tuần qua.
Ngay trước trận đấu giữa Utah Jazz và New Orleans Pelicans, ban huấn luyện với cầu thủ của cả hai đội đã đứng bên cạnh nhau, khoá tay lại và tất cả cùng quỳ gối khi quốc ca Mỹ vang lên bên trong nhà thi đấu.
Đó chính là hình ảnh mang tính bước ngoặt. Lần đầu tiên trong lịch sử NBA, cầu thủ đã quỳ gối trước quốc ca Mỹ và quan trọng hơn, tất cả cùng đồng lòng, điều khiến thông điệp được truyền đi trở nên mạnh mẽ hơn.
Kể từ năm 1981, NBA có một điều luật yêu cầu các cầu thủ phải đứng khi quốc ca vang lên. Mặc dù vậy, xu hướng được khởi nguồn từ cầu thủ bóng bầu dục Colin Kaepernick giờ đây đã lan sang đến NBA.
Giữa cơn bão kêu gọi công bằng xã hội cho người da đen, yêu cầu các cảnh sát phải đứng ra chịu trách nhiệm trước cái chết của những cái tên như George Floyd hay Breonna Taylor, những hình ảnh quỳ gối mang đầy sức mạnh xuất hiện ngày một nhiều.
Từ LeBron James cùng Los Angeles Lakers đến nhà đương kim vô địch NBA là Toronto Raptors, tất cả đều quỳ gối như một hình thức biểu tình ôn hoà trước vấn nạn xã hội mà nước Mỹ đang gặp phải.
Vậy nguồn gốc của hành động quỳ gối dưới quốc ca Mỹ bắt đầu từ đâu? Hãy quay trở lại năm 2016 cùng với Colin Kaepernick, cái tên liên tục được nhắc đến trong ít ngày qua.
KHỞI NGUỒN VÀ Ý NGHĨA CỦA XU HƯỚNG QUỲ GỐI DƯỚI QUỐC CA MỸ
Trong một trận đấu preseason của Giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (NFL), hai cầu thủ của đội 49ers là Colin Kaepernick và Eric Reid đã bất ngờ khuỵ gối xuống khi bài hát quốc ca Mỹ "The Star-spangled Banner" cất lên.
Lý do được hai cầu thủ này đưa ra là để "kêu gọi sự chú ý đến vấn đề phân biệt chủng tộc, thiếu công bằng trong xã hội và nạn bạo hành của cảnh sát đối với người da đen ở Mỹ".
Quỳ gối khi nghe quốc ca là một hành động mang tính truyền tải thông điệp rất mạnh mẽ. Vì vậy, Kaepernick và Reid đã phải cân nhắc rất kỹ trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
"Chúng tôi đã phải tham khảo ý kiến của rất nhiều người, trong đó bao gồm một cựu quân nhân mũ nồi xanh (Green Beret), nhiều cầu thủ tại NFL và những nhân vật quan trọng khác trong nền thể thao chuyên nghiệp Bắc Mỹ. Cuối cùng, chúng tôi đã chọn việc quỳ gối vì nó là một hành động mang tính ôn hoà".
VÌ SAO CÓ KHÔNG ÍT NGƯỜI PHẢN ĐỐI HÀNH ĐỘNG QUỲ GỐI HÁT QUỐC CA?
Có một sự thật rằng hành động quỳ gối hát quốc ca bị rất nhiều người phản đối, không chỉ riêng các chính khách mà còn có cả một bộ phận người dân nước Mỹ. Họ cho rằng hành động này là thiếu tôn trọng đến những người đã đổ máu hoặc hy sinh mạng sống để chiến đấu cho hoà bình của đất nước.
Với các chính khách khác, đặc biệt là Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông coi đây là hành động ghê tởm và không có ý nghĩa nào khác ngoài việc xem thường giá trị quốc gia.
Mặc dù vậy, Colin Kaepernick và Eric Reid vẫn trung thành với hành động của mình. Lần này, đến lượt Kaepernick lên tiếng để làm rõ việc quỳ gối dưới quốc ca:
"Tôi không biểu tình để chống đối quốc ca hay nước Mỹ. Tôi biểu tình để phản đối vấn đề bạo hành có tổ chức mà cảnh sát đang thực hiện với người da đen.
Đang có những người da đen phải bỏ mạng ở ngoài đường, còn người liên quan lại đi nghỉ phép, vẫn được nhận lương và không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì trước pháp luật".
Trong khi ông Donald Trump vẫn quyết coi đây là hành động mang tính "phản quốc", nhiều người bắt đầu nhận ra mục đích thực sự của việc quỳ gối dưới quốc ca của Colin, đó là sự thiếu trách nhiệm trong hệ thống tư pháp và cách các sĩ quan cảnh sát có thể dễ dàng được bỏ qua dù vẫn cho thấy sự tàn bạo của họ đối với người Mỹ gốc Phi.
CÁI CHẾT CỦA GEORGE FLOYD VÀ BREONNA TAYLOR ĐỔ THÊM DẦU VÀO LỬA
Từ sau màn biểu tình của Kaepernick năm 2016, hình ảnh quỳ gối dưới quốc ca bắt đầu xuất hiện nhiều hơn tuy số lượng không thực sự áp đảo.
Lý do dẫn đến điều này là các VĐV vẫn lo ngại về tương lại của họ. Sau mùa giải 2016 tại NFL, Colin Kaepernick đã thất nghiệp với lý do phần lớn vì anh đã liên quan đến một sự việc mang tính nghiêm trọng về mặt chính trị.
Các VĐV khác dù rất ủng hộ Colin, nhưng những gì họ làm chỉ là kêu gọi trên mạng xã hội hoặc ở ngoài cộng đồng. Rất ít người dám làm điều mà Kaepernick đã làm trên sân đấu.
Mặc dù vậy, mọi thứ đã thay đổi bắt đầu từ năm 2020 sau khi hai cái tên là George Floyd và Breonna Taylor chết dưới tay cảnh sát Mỹ.
Như được đổ thêm dầu vào ngọn lửa bức xúc về sự thiếu công bằng trong xã hội, rất nhiều cầu thủ và cựu cầu thủ NBA đã đứng lên để đấu tranh.
Trong giai đoạn dịch bệnh khiến mùa giải bị tạm hoãn, họ xuống đường để biểu tình ôn hoà. Đến trước khi các trận đấu trở lại, cầu thủ liên tục nhắc đến vấn đề xã hội trong các buổi phỏng vấn.
Rồi lúc mùa giải chính thức tái khởi động, cầu thủ cùng các thành viên ban huấn luyện đã cùng thoả thuận để quỳ gối dưới quốc ca Mỹ, thể hiện hình ảnh đầy sức mạnh.
TỔNG THỐNG DONALD TRUMP GỌI NBA LÀ "NỖI Ô NHỤC"
Cho đến nay, các cầu thủ NBA vẫn quyết tâm bám theo xu hướng được khởi xướng bởi Colin Kaepernick, mặc kệ việc Tống thống Mỹ Donald Trump phản đối kịch liệt.
Trong một phát biểu gần đây, ông Trump gọi NBA là nỗi ô nhục khi để các cầu thủ thực hiện hành động biểu tình.
"Tôi nghĩ đây là một nỗi ô nhục. Chúng tôi làm việc cùng họ, hỗ trợ tối đa để họ có thể mở cửa trở lại. Thế rồi tôi lại thấy tất cả bọn họ quỳ xuống giữa bài quốc ca. Thật không thể chấp nhận được. Khi thấy họ quỳ xuống, tôi tắt tivi".
Vậy phản ứng của các cầu thủ thế nào? LeBron James đã mạnh miệng tuyên bố rằng chẳng ai quan tâm việc ông Trump có theo dõi bóng rổ NBA hay không. Cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ và ngôi sao hàng đầu NBA hứa hẹn sẽ còn tạo nên rất nhiều phản ứng trái chiều sau này.
>>> Xem thêm: Tổng thống Donald Trump gọi NBA là "Nỗi Ô Nhục", LeBron James đáp trả cực gắt