Chung kết giải bóng rổ NBA là sự kiện chỉ dành cho đại diện mạnh nhất thuộc Đông và Tây nên cũng nuôi dưỡng những cuộc đối đầu giữa các đội bóng huyền thoại.
Với bề dày truyền thống cùng 31 lần lọt vào chung kết NBA, Lakers để lại cho thế hệ sau những câu chuyện hào hùng cùng nhiều đối thủ đáng nhớ. Tiếp nối phần 1 của loạt bài, hãy cùng đến với những cặp đấu duyên nợ còn lại trong lịch sử.
Los Angeles Lakers và Detroit Pistons
Lakers và Pistons chạm trán nhau lần đầu tại chung kết NBA 1988 vào thời điểm kết thúc 5 năm giằng co cuộc chiến qua lại giữa Lakers - Celtics. Lakers thế hệ Magic Johnson, Kareem Abdul-Jabbar, James Worthy, Byron Scottt đã có gần 10 năm làm mưa làm gió tại giải bóng rổ NBA với 6 chức vô địch miền Tây và 4 lần bước lên đỉnh giải đấu.
Lakers thành công ở năm 1988 nhưng mất nhiều sức lực để vượt qua các đối thủ. Họ có tới 3 loạt trận kéo dài tới 7 game bao gồm lần gặp Detroit Pistons ở chung kết.
Thời gian đó, đội bóng của Los Angeles đương nhiên được yêu thích nhất với Magic Johnson là cầu thủ nhận được nhiều sự ái mộ dễ thấy qua sắc vàng rợp phủ khán đài cùng các biểu ngữ “I Love Magic”.
Một Lakers danh tiếng có lối đánh đẹp, nhiều ngôi sao gặp gỡ với hiện tượng Detroit Piston gồm toàn những “gà chọi”, chơi đanh thép, phòng ngự chặt chẽ và đầy tiểu xảo. Nhưng không ai phủ nhận Pistons cũng là một tập thể có tinh thần quyết thắng bậc nhất lịch sử.
Loạt trận chung kết bắt đầu từ cái hôn thân ái giữa Magic Johnson và Isiah Thomas, 2 người bạn thân ngoài sân đấu. Nhưng cuộc chơi khốc liệt đã chứng minh không có tình cảm nhân nhượng nào ở đây. Pistons thắng sốc ngay trên sân nhà của Lakers rồi vượt lên dẫn 3-2.
Game 6 trở thành trận đấu kinh điển trong thập kỷ 80 với câu chuyện về nỗ lực vượt qua chấn thương của Isiah Thomas để ghi 25 điểm trong hiệp 3.
Cách mà Pistons chịu thua cũng cực kỳ đáng tiếc khi họ dẫn 102-101 khi trận đấu chỉ còn 14 giây. Lakers bất ngờ được hưởng ném phạt từ tình huống lỗi khó hiểu và gây tranh cãi của Bill Laimbeer. Kareem Abdul-Jabbar bình tĩnh tận dụng thành công cơ hội để giúp Lakers thắng ngược 103-102.
Ở game 7, Lakers giành chiến thắng 108-105 và mang lại danh hiệu vô địch NBA thứ 5 của họ trong thập kỷ 80. James Worthy được chọn làm MVP Chung kết sau đóng góp 7 game.
2 đội gặp lại nhau vào ngay năm sau đó với thành tích bất bại tiến tới chung kết của Lakers tại vòng Play-off. Trong khi Pistons cũng vượt qua các đội bóng mạnh như Chicago Bulls của Michael Jordan. Lakers lúc này đang hướng tới chuỗi 3 lần vô địch liên tiếp còn Pistons vẫn giữ nguyên quyết tâm đánh bại mọi đối thủ.
Lần này, định mệnh đã gọi tên những kẻ lì lợm Pistons khi cho họ lợi thế quá lớn. Lakers mất đi 2 vị trí chính thức là Magic Johnson và Byron Scottt ngay từ game 1 do chấn thương. Đội hình còn lại không đủ sức chống đỡ nên thất bại tủi hổ với tỉ số 0-4.
Pistons lên ngôi vô địch lần đầu kể từ thời còn là Fort Wayne Piston. Năm kế tiếp, họ lần thứ 3 trở thành đại diện đứng đầu miền Đông và đánh bại Portland Trail Blazers để đăng quang NBA lần thứ 2 liên tiếp.
Điểm đặc trưng của cặp kình địch Lakers - Pistons nằm ở việc đội hình Pistons luôn bị đánh giá thấp hơn nhưng lại gây nên nhiều bất ngờ. Cho tới năm 2004, tỉ số chung kết giữa 2 đội trong lịch sử còn nghiêng hẳn về phía Pistons sau thắng lợi của thế hệ Ben Walace, Rasheed Walace, Richard Halminton, Chauncey Billups.
Lakers thế hệ 2004 cũng vừa trải qua những thành công tột bậc với 3 danh hiệu vô địch NBA trước đó. Tuy nhiên, họ để gián đoạn vào năm 1999 khi thua San Antonio Spurs ở cấp khu vực.
Năm 2000 chứng kiến những bất đồng giữa bộ đôi siêu sao Kobe - Shaq trong tổng thể định hướng đội bóng. Điều này đã khiến ban lãnh đạo Lakers quyết định tạo ra một siêu đội hình.
Họ mang về 2 siêu sao đẳng cấp dù đã luống tuổi là Karl Malone và Gary Payton để kết hợp với bộ khung mạnh mẽ trước đó của Lakers. Ngoài việc tăng cường sức mạnh đội hình, việc có mặt 2 cầu thủ danh tiếng, nhiều tuổi, nhiều uy tín ở đội bóng sẽ kìm hãm những mâu thuẫn trong nội bộ tập thể.
Quả nhiên, Lakers trả hận được trước Spurs để bước vào chung kết NBA 2004. Đối thủ là Detroit Pistons bị đánh giá chiếu dưới rõ ràng. Nhưng cục diện loạt trận đã diễn ra theo chiều hướng khó tin và đầy tiêu cực cho Lakers.
Họ thất bại bẽ bàng 1-4 với nguyên nhân được lí giải do mất đi Karl Malone vì chấn thương. Ngoài ra, nội bộ đội bóng lại chia rẽ không đúng thời điểm cộng thêm phong độ phòng ngự mang tầm nghệ thuật của Pistons.
Thế hệ Pistons mới đã chơi với phong cách tấn công đa dạng đẹp mắt hơn thế hệ thập kỷ 80 nhưng tinh thần phòng ngự thì đã được thừa hưởng.
Cleveland Cavaliers và Golden State Warriors
Một cặp đấu của đương đại nhưng sẽ sớm đi vào lịch sử trong nay mai khi Cavaliers và Warriors trở thành 2 đội bóng đầu tiên gặp nhau trong 3 trận chung kết giải bóng rổ NBA liên tiếp.
Mọi chuyện bắt đầu kể từ sau mùa giải 2013-14, khi Miami Heat để thua trong chung kết trước San Antonio Spurs, LeBron James hết hợp đồng với Heat và quyết định trở về đội bóng cũ từng làm nên tên tuổi của anh.
Ở giải đấu lúc này, nhiều người coi James như vị vua mới của thế hệ đương đại. Còn lúc đó, ở GoldenState, một cuộc cách mạng đang được dấy lên với hi vọng tới từ cặp Splash Brothers, Stephen Curry và Klay Thompson.
2 tay ném trẻ tiến bộ kinh ngạc về hiệu suất ném rổ nói chung và ném 3 điểm nói riêng. Họ có tương lai sáng lạn nhưng không ngờ lại tạo nên địa chấn chỉ 1 năm sau đó.
Năm 2015, Cavaliers xây dựng Big 3 mới bao gồm LeBron James, Kyrie Irving và Kevin Love. Xoay quanh họ là những cầu thủ triển vọng như Dion Waiters hay Tristan Thompson.
J.R. Smith, Iman Shumpert và Timofey Mozgov được bổ sung thêm đều đóng vai trò “chìa khóa” trong việc giúp Cavaliers trở lại vị thế bá chủ khu vực miền Đông.
Đối thủ trong chung kết NBA của họ chính là Golden State Warriors, đội đã có một mùa giải trong mơ. Danh hiệu MVP được Stephen Curry ẵm về, Klay Thompson trở thành một trong những hậu vệ ghi điểm hay nhất giải đấu theo thống kê ở cả 2 mặt tấn công và phòng ngự. Draymond Green tiến bộ không ngờ và huấn luyện viên mới toanh Steve Kerr nằm trong danh sách đề cử cho giải thưởng Huấn luyện viên của năm.
Cũng trong năm này, Warriors xác lập kỷ lục 67 game thắng ở mùa giải ngoài, họ giành 21 chiến thắng trong Play-off để đăng quang NBA. Còn Cavaliers của James thất thủ dễ dàng với tỉ số 2-4 ở chung kết.
Mùa giải sau đó, Warriors thậm chí còn đạt kỷ lục 73-9 ở mùa giải ngoài, cao nhất trong lịch sử giải đấu. Đã mạnh lại càng mạnh thêm và Warriors đã tạo thêm những mốc lịch sử mới.
Lần đầu tiên, NBA chứng kiến 2 đội bóng lật ngược tình thế sau khi bị dẫn 3-1 tại Play-off. Đội đầu tiên làm được chính là Warriors còn lần thứ 2 họ chuyển sang đóng vai nạn nhân.
Sau khi dễ dàng dẫn trước 3-1 trước Cavaliers tại chung kết NBA 2016, việc mất đi trung phong Andrew Bogut cùng 1 vài lí do khác đã khiến Warriors cay đắng chấp nhận thất bại không tưởng 3-4. Cavaliers của LeBron James đi vào lịch sử với màn lội ngược dòng khó tin và ăn mừng chức vô địch ngay tại Oracle Arena, Oakland.
Năm 2017, cặp đấu duyên nợ lại tái diễn với kết quả không dễ đoán. Warriors có thêm cựu MVP Kevin Durant từ OKC nhưng LeBron James cũng đang đạt phong độ cao. Cả 2 đội đều dễ dàng tiến tới chung kết và hứa hẹn viết nên phần 3 đầy hấp dẫn.