Một đội bóng xuất sắc không chỉ đến từ những cầu thủ xuất sắc. Để tạo nên một tập thể tốt, tầm nhìn lãnh đạo là điều không thể thiếu. Cả 30 đội bóng ở NBA đều từng trải qua những quyết định sai lầm chết người khiến họ phải vô cùng nuối tiếc cho đến tận sau này.
Cùng điểm qua những sai lầm của 30 đội bóng NBA ở thế kỷ 21:
Một trong những điều khiến người hâm mộ Golden State Warriors hối tiếc nhất chính là việc đội bóng đã tự tay phá vỡ bộ khung "We Believe" lừng danh một thời.
Đó là câu chuyện tuyệt vời nhất về "ngựa ô" Warriors tại playoffs 2007. Thời điểm đó, không ai nghĩ rằng Warriors có thể vào được playoffs. Tuy nhiên, sự xuất sắc của Baron Davis, Jason Richardson, Stephen Jackson và Al Harrington đã giúp họ có được vị trí thứ 8.
Không chỉ dừng lại ở đó, "We Believe" đã viết tiếp câu chuyện cổ tích khi đánh bại đội hạng nhất là Dallas Mavericks với tỷ số 4-2 ngay vòng đầu playoffs. Mavericks khi đó đang sở hữu Dirk Nowitzki ở phong độ vô cùng cao.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo lại khiến người hâm mộ thất vọng khi quyết định chuyển nhượng Jason Richardson đến Charlotte Bobcats (tiền thân của Charlotte Hornets) vào mùa hè 2007. Bộ khung kỳ diệu của Warriors tan vỡ từ đó.
Không chỉ là sai lầm của Bobcats, lựa chọn Adam Morrison còn là một trong những điều ngớ ngẩn nhất trong lịch sử NBA Draft. Năm 2006, Bobcats đang bắt đầu thời kỳ tái thiết đội bóng và muốn đưa về càng nhiều tài năng càng tốt.
Tại kỳ tuyển chọn tân binh NBA Draft 2006, họ lại đưa về Adam Morrison từ đại học Gonzaga ở lượt pick thứ 3. Bobcats đã bỏ qua những cái tên như Brandon Roy, Rudy Gay, J.J Redick, Rajon Rondo hay cả Kyle Lowry.
Sau 4 mùa thi đấu chỉ ghi được trung bình 7,5 điểm mỗi trận, Morrison đã rời khỏi NBA và đến thi đấu tại giải bóng rổ chuyên nghiệp Serbia.
Năm 2004, bản hợp đồng với trung phong Erick Dampier là một trong những sai lầm đã ngốn khá nhiều tiền của Dallas Mavericks.
Thời điểm đó, Mavericks đang cần một trung phong thực thụ để có thể sát cánh cùng Dirk Nowitzky. Họ đã nhắm đến Erick Dampier của Golden State Warriors. Trung phong này đã có thể hiện khá ổn ở mùa giải trước đó với trung bình 12,3 điểm, 12 rebounds và 1,9 blocks mỗi trận.
Anh đã chứng minh bản thân đủ để thuyết phục Mavericks bỏ ra số tiền 73 triệu USD cho bản hợp đồng 7 năm. Tuy nhiên, Dampier lại hoàn toàn thi đấu nhạt nhòa trong màu áo Mavericks.
Trong suốt 6 mùa thi đấu tại Dallas, anh chỉ ghi được trung bình 6,5 điểm, 7,6 rebounds và 1,3 blocks. Số tiền của Mavericks bỏ ra hoàn toàn không xứng đáng cho một trung phong chưa rebound được 10 quả mỗi trận.
Không quá nổi trội trong gần 2 thập kỷ qua, Denver Nuggets cũng đã từng có quyết định sai lầm tại NBA Draft 2002. Họ đã đem về trung phong người Georgia, Nikoloz Tskitishvili.
Thi đấu được 172 trận tại NBA, trung bình Tskitishvili ghi được 2,9 điểm và 1,8 rebounds. Cầu thủ này nhanh chóng bị đào thải và phải "lạc trôi" sang các giải đấu khác ở châu Âu và châu Á.
Điều đáng nói là ở lượt pick thứ 5 năm 2002, Denver Nuggets lẽ ra đã có thể đưa về những cái tên như Amar'e Stoudemire, Caron Butler hay Tayshaun Prince.
Nếu như đem về được một hảo thủ ở NBA Draft 2002, Denver Nuggets đã có thể sớm trở thành một thế lực khi có được Carmelo Anthony vào năm 2003. Tiếc rằng điểm xa nhất mà họ chạm tới được chỉ là chung kết miền Tây năm 2009.
"Hiệu ứng Hedo" là một trong những kỷ niệm đáng quên nhất với fan Raptors. Năm 2009, sau khi chứng kiến thể hiện đáng kinh ngạc của Hedo Turkoglu, tay ném Thổ Nhĩ Kỳ vừa cùng Dwight Howard đưa Orlando Magic đến chung kết, Raptors đã quyết định đem cầu thủ này về.
Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, số tiền Raptors bỏ ra cho Turkoglu là quá lớn, thế nhưng thời điểm đó, Raptors chấp nhận hi sinh cho cầu thủ vừa ghi trung bình 16,8 điểm mùa trước. Mang về Turkoglu cũng là động thái để ban lãnh đạo Raptors giữ lại Chris Bosh.
Năm đó, Raptors cũng chọn được DeMar DeRozan tại NBA Draft. Bộ khung Bosh, Turkonglu, DeRozan và Kyle Lowry chắc chắn không thể xem nhẹ.
Tuy nhiên mọi thứ đã không như ý ban lãnh đạo Raptors. Chris Bosh vẫn chọn phương án ra đi đến Miami Heat. Trong khi đó, Turkoglu lại thể hiện quá thiếu ấn tượng trong màu áo mới và bị đưa đi ngay giữa mùa giải năm 2010.
Tiếp tục là một thảm họa tại NBA Draft. Lần này nạn nhân chính là Memphis Grizzlies. Năm 2009, họ đã dùng lượt pick thứ 2 của mình để đem về trung phong Hasheem Thabeet.
Thời điểm đó, chắc chắn Grizzlies vẫn còn quá ám ảnh với phong cách bóng rổ sử dụng ưu thế từ thể hình để áp đảo vòng trong của thời đại trước. Thabeet rõ ràng là một trung phong có thể hình vượt trội với chiều cao lên đến 2m21. Tuy nhiên, anh đã không thể phù hợp với sự phát triển của bóng rổ hiện đại.
Thabeet ghi trung bình 2,2 điểm, 2,7 rebounds và 0,8 blocks. Và để tăng thêm phần đau đớn thì Memphis Grizzlies đã bỏ qua Stephen Curry, James Harden và DeMar DeRozan ở kỳ Draft năm đó.
Trước thời Paul Pierce, Ray Allen và Kevin Garnett, Boston Celtics lẽ ra đã có cơ hội xây dựng Big-3 nếu như không mắc phải sai lầm với Joe Johnson.
Năm 2001, Celtics đã chọn Joe Johnson ở vị trí thứ 10. Tuy nhiên, sau 48 trận thi đấu không quá nổi bật, Celtics đã đưa Johnson đến Phoenix Suns. Và đó cũng là khi Joe Johnson bắt đầu chứng tỏ giá trị của mình.
Trong 4 năm tại Suns, anh đã đóng vai trò chủ lực trong lối chơi tấn công nhịp độ cao của HLV Mike D'Antoni với trung bình 13,3 điểm.
Sau đó, Joe Johnson chuyển đến Atlanta Hawks, cùng với Josh Smith, Al Horford, Jamal Crawford, Mike Bibby tạo thành một thế lực mới.
Nếu như ngày đó Celtics không đưa Johnson đi, bộ ba Antonie Walker thời đỉnh cao, Paul Pierce và Joe Johnson sẽ trở thành vũ khí đáng gờm của Celtics.
Đưa một SG All-Star đi để đổi lấy một PG All-Star, nghe có vẻ rằng đó là một thương vụ đôi bên cùng thắng.
Và HLV của Milwaukke Bucks năm 2003, George Karl, đã thực hiện điều đó. Bucks đưa tay ném 27 tuổi đang ở đỉnh cao phong độ Ray Allen của mình đến Seattle Super Sonic (tiền thân của Oklahoma City Thunder) để đem về PG ngôi sao Gary Payton.
Ray Allen đã thi đấu ngày càng thăng hoa hơn ở đội bóng mới. Thậm chí anh còn có được 2 chức vô địch NBA sau khi chuyển đến Boston Celtics và Miami Heat.
Trong khi đó, Gary Payton chỉ chơi đúng 28 game còn lại tại Bucks, sau đó cũng đầu quân cho Miami Heat và giành chức vô địch năm 2006.
Rõ ràng, người duy nhất thua trong thương vụ này chỉ có Milwaukee Bucks.
"Thí nghiệm Josh Smith" là một trong những thất bại cố chấp nhất của Detroit Pistons vào năm 2013. Thời điểm đó, bất kỳ ai cũng nhận thấy vấn đề của Pistons chính là thiếu những tay ném vòng ngoài.
Thế nhưng, Pistons lại cố gắng đem về cầu thủ tự do đang rất có giá trị trên thị trường lúc đó là Josh Smith. Công bằng mà nói, Josh Smith không phải cầu thủ tệ. Anh đã thi đấu rất thăng hoa trong màu áo Atlanta Hawks những mùa trước cùng Joe Johnson và Al Horford.
Xem lại 10 pha bóng thần sầu của Josh Smith:
Tuy nhiên, vị trí quen thuộc của anh là PF. Trong khi đó, Pistons đem Smith về và buộc anh phải thi đấu SF ở vị trí vòng ngoài do đã có Greg Monroe và Andre Drummond ở vòng trọng.
Smith có thể ném 3 điểm, nhưng đó chưa bao giờ là lựa chọn ghi điểm hàng đầu trong lối chơi của anh. Pistons hoàn toàn không phải nơi phù hợp với Smith và anh đã ra đi vào năm 2014.
Không ở đâu xa, điều mà fan Jazz hối tiếc nhất chính là việc đã để mất Gordon Hayward ở năm 2017 vừa qua.
Mặc dù mới xảy ra cách đây 1 năm nhưng thực sự, đó là hệ quả của cả một quá trình. Gordon Hayward đã được chọn tại kỳ NBA Draft 2010 bởi Utah Jazz. Anh thể hiện không tồi, thế nhưng lại không quá xuất sắc để trở thành một siêu sao.
Ở mùa giải 2013-14, Utah Jazz đã quyết định không ký bản hợp đồng max-contract với anh. Họ cũng cho phép Hayward tự quyết với những lời đề nghị của các đội bóng khác mà không can thiệp vào.
Và rồi ở mùa giải 2016-17, Hayward đã thể hiện bản thân hoàn toàn có thể trở thành một ngôi sao "gánh đội" tại NBA. Tuy nhiên, khi Jazz nhận ra điều đó thì đã trễ. Hayward đã quyết định đầu quân cho Boston Celtics để tìm kiếm chức vô địch.
Đáng tiếc rằng Jazz hoàn toàn đã có thể giữ Hayward không được ra đi nếu ký bản hợp đồng max-contract vào mùa giải 2013-14.
(Còn tiếp)
Hướng dẫn xem trực tiếp giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam VBA 2018 và giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA 2018-19 trên:
Kênh Thể thao tin tức HD, Thể thao TV (VTVcab)
Onme, VTVcab ON, Youtube VTVcab
MyTV và MyTV Net.
Tải ứng dụng MyTV Net tại đây:
Tổng đài hỗ trợ: 19001866