Kevin Durant cùng câu chuyện ở trước, trong và sau chấn thương gân Achilles tại NBA Finals 2019

Việt Long
thứ tư 12-6-2019 10:00:00 +07:00 0 bình luận
Những gì Kevin Durant vừa trải qua là vô cùng tệ hại. Nhưng không phải vì thế mà Durant cũng như hàng triệu người hâm mộ đánh mất sự tích cực đang rất cần được thể hiện vào lúc này.

Đâu đó trong phòng khách của một căn nhà cách nơi diễn ra Game 5 NBA Finals khoảng 1.000 dặm, huyền thoại Dominique Wilkins đang ngồi trên ghế bành để tận hưởng một trong những trận đấu được mong chờ nhất cả mùa giải. Nhưng đến khi Kevin Durant ngã xuống sau gần 12 phút thi đấu trên sân, ông đã bật dậy với 2 tay đan lại trên đầu và miệng thốt ra rằng: "Thôi rồi... Achilles rồi!"

Gẩn 3 thập kỷ trước, lúc Wilkins còn đang là một cầu thủ All-Star thi đấu cho Atlanta Hawks, ông đã bị đứt hoàn toàn gân gót chân (Achilles) ở tuổi 32 trong trận đấu với Philadelphia 76ers.

Phản ứng của ông ngày đó cũng giống hệt với Kevin Durant hôm qua: Bắp chân của ông giật lên thật mạnh và theo phản ứng, ông nhảy vài bước tập tễnh trước khi ngã sập xuống sàn với gương mặt ngao ngán.

Tính đến thời điểm này, Golden State Warriors tin rằng Kevin Durant đã bị đứt gân gót chân phải, giống với những gì huyền thoại Wilkins trải qua. Durant sẽ không thực hiện MRI ở Oakland mà sẽ cùng đội ngũ chuyên gia bay đi New York và thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng tại đó.

Trong khi hàng triệu người chờ đợi kết quả về mức độ nặng nhẹ của chấn thương, Kevin Durant sẽ phải đối mặt với khá nhiều câu hỏi: Liệu đội ngũ y tế Golden State có đúng khi để anh ra sân ở Game 5? Chấn thương này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của anh như thế nào? Liệu anh có còn cơ hội để vươn lên thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới?

Các cầu thủ từng bị đứt gân gót chân thường vẫn có thể trở lại, nhưng chỉ có phần rất nhỏ là lấy lại được phong độ trước đó. Đồng đội của Durant ở Warriors là DeMarcus Cousins đang ở phần cuối của chặng đường hồi phục chấn thương Achilles này và không khó để thấy trung phong này đang khổ sở ra sao trong quá trình tìm lại phong độ khi xưa.

Thế nhưng với Dominique Wilkins, ông lại có thêm 2 lần lọt vào đội hình tiêu biểu All-NBA và thi đấu cực kỳ thăng hoa sau khi ngồi ngoài chỉ 9 tháng. Lúc đó, Wilkins đã 32 tuổi (lớn hơn Durant 2 tuổi ở thời điểm dính chấn thương) và ông tin chắc rằng Durant có thể đi theo những gì ông đã làm và trở lại thời đỉnh cao sớm hơn mọi người tưởng tượng.

"Kevin Durant ư? Cậu nhóc này là một trong những người yêu bóng rổ nhất mà tôi từng biết" - Wilkins chia sẻ - "Tôi có rất nhiều sự tôn trọng dành cho cậu ấy, tôi đồng cảm với cậu ấy và hãy tin tôi đi, Durant sẽ sớm trở lại. Sau tất cả, đây cũng chỉ là một đối thủ mà cậu ấy sẽ sớm đánh bại. Tôi tin cậu ấy".

Kevin Durant cùng câu chuyện ở trước, trong và sau chấn thương gân Achilles tại NBA Finals 2019

Tuy nhiên, tất cả những điều này có thể đã không xảy ra nếu như Kevin Durant không bước vào sân để thi đấu Game 5 định mệnh.

Bản thân Durant thừa biết anh rất muốn ra sân cùng các đồng đội. Theo các nguồn tin, KD cùng đội ngũ y tế đã "cày ngày, cày đêm" để có thể tăng tốc quá trình hồi phục chấn thương bắp chân gặp phải cách đây 5 tuần. 

Cho đến trước Game 5, khi các bác sĩ xem lại tình trạng của Durant lần cuối trước khi cho phép thi đấu, tiền đạo mang áo số 35 này đã vượt qua được những bài kiểm tra và đáp lại rằng anh "bị đau nhẹ, nhưng nó ở trong ngưỡng chịu đựng và có thể thi đấu được".

Mặc dù Kevin Durant đã được đội ngũ y tế (bao gồm nhiều bác sĩ và chuyên viên về thể trạng cầu thủ) cho phép ra sân, nhưng rõ ràng KD không ở trong trạng thái tốt nhất. Vì vậy việc đưa anh vào sân thi đấu được coi là một rủi ro có tính toán: Trong khi "đế chế Warriors" chỉ còn cách sự sụp đổ đúng 1 trận duy nhất, Kevin Durant lại rất khát khao để ra sân.

Nhưng rồi điều tồi tệ nhất đã xảy ra và điều đầu tiên Golden State Warriors mang đến cho hàng triệu người hâm mộ là lời thú nhận trong nước mắt của chủ tịch Bob Myers.

Kevin Durant cùng câu chuyện ở trước, trong và sau chấn thương gân Achilles tại NBA Finals 2019

"Cậu ấy đã được cho phép thi đấu và đây là quyết định có sự đồng thuận từ nhiều phía. Nhưng tôi hiểu thế giới này và nếu phải trách một ai đó, hãy trách tôi. Tôi là chủ tịch phụ trách chuyên môn của đội bóng".

Khi được hỏi về sự liên quan giữa việc bị căng bắp chân cách đây 1 tháng và chấn thương gân gót Achilles lần này, ông Myers thú nhận rằng ông không biết vì ông không phải là một bác sỹ. 

Tuy nhiên, một chấn thương bắp chân và một chấn thương Achilles có thể liên quan nếu chúng xảy ra cách nhau chỉ 1 tháng, theo xác nhận từ ông Kenneth Jung, bác sĩ phẫu thuật chuyên về khu vực cẳng chân và khớp mắt cá tại viện nghiên cứu Cedars-Sinai’s Kerlan-Jobe Institute, Los Angeles.

"Khi bạn vừa trải qua chấn thương bắp chân, nhất là khi chấn thương xảy ra chỉ khoảng 1 tháng trước, bạn sẽ có khả năng dính chấn thương Achilles cao hơn người bình thường", vị bác sĩ đang thực hiện công tác tham vấn cho Los Angeles Lakers chia sẻ.

"Về cơ bản, các mô vẫn đang hồi phục. Vì vậy dù cậu ấy được ra sân thi đấu nhưng trạng thái của bó cơ và các phần kết nối vẫn chưa trở về tình trạng co giãn tốt nhất. Điều này dễ gây tái phát chấn thương hoặc ảnh hưởng đến các vùng có liên quan".

Kevin Durant cùng câu chuyện ở trước, trong và sau chấn thương gân Achilles tại NBA Finals 2019

Bác sĩ Jung không trực tiếp làm việc với Golden State Warriors trong trường hợp của Kevin Durant, nhưng ông chia sẻ rằng các quyết định theo kiểu "rủi ro có tính toán" như thế này thi thoảng vẫn xảy ra sự cố.

"Suy cho cùng, tất cả đều nằm ở việc cân bằng giữa rủi ro và lợi ích. Ở Warriors, các chuyên gia cũng chỉ cố gắng làm điều đó. Tuy nhiên trường hợp của họ rất khó khăn và tôi không nghĩ rằng Golden State ép Kevin Durant phải ra sân trong trận đấu đó" - ông Kenneth Jung nói thêm.

Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất vào lúc này sẽ là khi nào Durant trở lại. Con số trung bình cho quá trình hồi phục chấn thương đứt gân Achilles là từ 6 đến 12 tháng với phần lớn cầu thủ cần ít nhất 9 tháng để quay lại thi đấu.

Chín tháng sẽ đưa Kevin Durant đến khoảng giữa tháng 3 năm sau, cách vòng Playoffs 2020 vỏn vẹn 4 tuần. Lựa chọn khả thi hơn là để Durant nghỉ toàn bộ mùa giải 2019-20 nếu như có đội bóng nào đó chấp nhận ký hợp đồng với anh dài hạn.

Khi đã gắn bó từ 4-5 năm theo hợp đồng mới, không có lý do nào để ép Kevin Durant phải trở lại sớm như trường hợp đặc biệt của DeMarcus Cousins, người phải nỗ lực thi đấu để chứng minh giá trị của mình trước Free Agency. Cho đến khi Kevin trở lại, anh cũng không nhất thiết phải thi đấu với phong độ đỉnh cao ngay lập tức.

Kevin Durant cùng câu chuyện ở trước, trong và sau chấn thương gân Achilles tại NBA Finals 2019

Gân gót Achilles là bộ phận giúp hấp thụ lực mỗi khi cầu thủ bật nhảy lên hoặc đáp xuống đất. Song song đó, gân này cũng giúp cầu thủ có sự bùng nổ mỗi khi đặt trụ để bứt tốc hoặc thực hiện các động tác chuyển hướng và quan người. Vì sự nghiệp của một cầu thủ bóng rổ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng bật nhảy và những điều vừa liệt kê này, chấn thương Achilles cần phải có sự tôn trọng tuyệt đối về quá trình hồi phục.

Tuy nhiên, Kevin Durant và hàng triệu người hâm mộ anh có quyền suy nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất. Sự tiên tiến trong công nghệ đã giúp các cầu thủ có khả năng phục hồi hoàn toàn cao hơn ngày xưa. Thêm vào đó, lịch sử đã chứng kiến những trường hợp thi đấu thăng hoa sau khi dính chấn thương Achilles.

Ngoài huyền thoại Dominique Wilkins, một ví dụ gần đây hơn là Rudy Gay. Bị đứt gân gót chân vào tháng 1 năm 2017, tiền đạo đang thuộc biên chế của San Antonio Spurs đã hồi phục và đang trải qua 2 trong số những mùa giải thi đấu hiệu quả nhất trong sự nghiệp.

Vào lúc này, sự tích cực là thứ duy nhất Kevin Durant cần có. Bởi vì nếu không có niềm tin, người ta sẽ không bao giờ đạt được những gì mà họ mong muốn.

Vòng NBA Playoffs và NBA Finals sẽ được phát sóng trực tiếp trên kênh Thể thao Tin tức HD – VTVcab, thông tin cập nhật liên tục trên webthethao.vn và Bóng rổ TV.

Nhìn lại những diễn biến của Game 5 NBA Finals 2019 thông qua phiên bản mini-movie của NBA:

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm