Từ lúc Adam Silver ký được bản quyền truyền hình 9 năm trị giá 24 tỷ USD cho NBA hồi tháng 10/2014, các CLB đang thừa thắng xông lên hốt bạc.
Số đội bạc tỷ tăng đột biến
Sự thật thì sau chiến công của Adam Silver, NBA đã có nhiều thay đổi tích cực. PepsiCo tranh mất quyền làm đối tác chính thức cung cấp thức uống có ga cho NBA mà Coca-Cola từng giữ 28 năm qua.
Hãng bia Anheuser-Busch InBev gia hạn hợp đồng với NBA thêm 4 năm ngay từ cuối năm ngoái, và gần như ngay trước đó, Tissot có hợp đồng chính thức đầu tiên trong lịch sử với NBA để trang bị đồng hồ bấm giờ trị giá khoảng 200 triệu USD trong 6 năm.
Cũng trong thời gian này, hãng điện thoại Verizon thay thế Sprint ký hợp đồng với NBA hơn 400 triệu USD trong hơn 3 năm. Mối quan hệ qua lại giữa tiếp thị và làm nội dung tạo điều kiện để các chương trình của NBA hiện diện trên dịch vụ cung cấp video go90 mobile của Verizon.
Còn mấy tháng trước đó, Nike tiếp tục tấn công mạnh vào thị trường bóng rổ bằng cách đoạt quyền cung cấp trang phục cho các đội ở NBA của Adidas từ mùa 2017-18. Hợp đồng 8 năm đem lại cho NBA hơn 1 tỷ USD/năm, vượt trội so với hợp đồng 400 triệu USD của Adidas.
Những chuyển động tích cực ấy chỉ càng có lợi cho các CLB khi thương thảo hợp đồng truyền hình. New York Knicks và Atlanta Hawks đều có hợp đồng mới trong năm nay, tương tự Orlando Magic và Cleveland Cavaliers bắt đầu kiếm thêm tiền từ mùa 2016-17.
Dallas Mavericks kéo dài hợp đồng với Fox Sports Southwest trị giá hơn 50 triệu USD/năm. Ước tính cho đến cuối mùa 2017-18, có khoảng 10 CLB ký mới hoặc gia hạn hợp đồng truyền hình với các đài trong vùng với giá trị hợp đồng tăng gấp bội.
Kết quả là giờ đây, giá trị bình quân của mỗi CLB ở NBA lên tới 1,25 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước và 74% so với thời điểm Adam Silver đạt được thỏa thuận cùng ESPN và TNT.
Trong số 30 CLB thuộc NBA, New York Knicks chiếm lại vị trí dẫn đầu sau một năm để vuột vào tay Los Angeles Lakers nhờ ký hợp đồng truyền hình cáp mới và doanh thu bán vé hạng nhất (premium seating) cao nhất giải với gần 90 triệu USD.
Công ty Madison Square Garden chia cắt chỉ tạo điều kiện cho New York Knicks ký hợp đồng mới với MSG kéo dài 20 năm với năm đầu thu được 100 triệu USD.
Vì vậy, tạp chí Forbes tính toán New York Knicks hiện có giá 3 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước, hùng mạnh nhất ở NBA và trong Top 4 các CLB thể thao đắt giá nhất nước Mỹ, sau các CLB bóng đá kiểu Mỹ Dallas Cowboys (4 tỷ USD), New England Patriots (3,2 tỷ USD) và đội bóng chày New York Yankees cũng 3,2 tỷ USD.
Xếp nhì 2 mùa liền là Los Angeles Lakers, và đây là 2 trong 3 sự kiện tệ hại nhất lịch sử CLB này. Nguyên nhân là do siêu sao Kobe Bryant chấn thương dai dẳng khiến lượng người xem họ thi đấu giảm tới 65%, chỉ còn bình quân 92.000 người/trận – thông số xếp thứ 5 mùa trước và sụt giảm lần đầu kể từ mùa 2012-13.
Dù vậy, Los Angeles Lakers vẫn là CLB kiếm lời giỏi hất NBA nhờ hợp đồng 20 năm trị giá 3,6 tỷ USD với SportsNet LA. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước lúc trừ thuế, lãi vay, khấu hao và khấu trừ của Los Angeles Lakers lập kỷ lục NBA với 133 triệu USD, nên Forbes định giá CLB này khoảng 2,7 tỷ USD.
Trong nhóm 5 CLB giàu nhất NBA còn bao gồm Chicago Bulls (2,3 tỷ USD), Boston Celtics (2,1 tỷ USD) và Los Angeles Clippers (2 tỷ USD). Tính ra, NBA có tới 13 CLB trị giá ít nhất 1 tỷ USD, so với cách nay 2 năm, con số này mới chỉ là 3.
Các thành viên NBA đang trên đường giàu hơn
Cũng theo tính toán của Forbes thì trong mùa qua, 30 CLB NBA kiếm tổng cộng 5,2 tỷ USD và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (thu nhập trước lãi, thuế, khấu hao và khấu trừ) đạt 900 triệu USD. Cả hai thông số này đều là kỷ lục của giải!
Cần lưu ý là những kỷ lục này được thiết lập vào thời điểm thỏa thuận “lấy của người giàu chia cho kẻ nghèo” ở NBA năm 2011 vẫn còn hiệu lực, thậm chí ngoại trừ Brooklyn Nets của tỷ phú Mikhail Prokhorov, mọi CLB đều làm ăn có lãi.
Dù vậy, Adam Silver vẫn than thở rằng có tới 1/3 CLB ở NBA đang thất thu. Tuy nhiên, Forbes chỉ ra rằng nguyên nhân là do ông tính thu nhập đơn thuần dựa vào GAAP (cách tính của kế toán Mỹ), trong lúc tạp chí này dựa theo EBITDA (chỉ tiêu đánh giá tỷ suất sinh lợi của doanh nghiệp hay còn gọi là lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao), bao gồm cả các khoản chi tiêu không liên quan tới bóng rổ.
Ngoài ra, Brooklyn Nets tuy là ngoại lệ đáng buồn, nhưng chủ yếu do khoản thuế tới 20 triệu USD từ quỹ lương cao đến 92 triệu USD. Song song đó cần nhớ rằng lần đầu khi Mikhail Prokhorov đầu tư vào Brooklyn Nets năm 2010, CLB này mới được định giá vỏn vẹn 365 triệu USD.
Và trong 12 tháng qua, Atlanta Hawks là CLB NBA duy nhất bán phần lớn cổ phần khi Tony Ressler dẫn đầu một nhóm đầu tư chi ra 730 triệu USD. Lý do là trong mấy năm qua, giới chủ Atlanta Hawks không biết cách điều hành hiệu quả.
Thế nhưng, Atlanta Hawks cũng đang có xu thế lớn mạnh với hợp đồng truyền hình mới của Fox Sports đã có hiệu lực và trị giá hàng năm cao gấp 3 so với trước. Lại thêm lượng khán giả tăng 21% hồi năm ngoái và số khán giả mua vé xem cả mùa tăng từ 3.000 lên 9.000, Atlanta Hawks được định giá tới 825 triệu USD.
Dĩ nhiên, chuyện gì cũng có 2 mặt của nó. NBA đang giàu nhanh thì đồng thời, ranh giới giữa giàu với nghèo cũng tăng lên. Top 5 CLB giàu nhất hiện trị giá bình quân ước khoảng 2,3 tỷ USD, cao gấp 3,5 lần so với nhóm 5 đội nghèo nhất. Cách nay 5 năm, tỷ lệ này mới có 2 lần.
Tương lai của NBA là thị trường nước ngoài
Nhưng ngay cả khi tiềm lực tài chính đang vững mạnh, các CLB NBA vẫn tin rằng họ còn không gian để phát triển nếu khai thác tốt thị trường nước ngoài. Điều đó giải thích tại sao hiện NBA có tới hơn 100 VĐV đến từ hơn 37 quốc gia và mỗi CLB đều sở hữu ít nhất 1 tuyển thủ. Đồng thời, các chương trình của NBA đang lan tỏa tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Gần đây, NBA vừa có hợp đồng với công ty internet Trung Quốc Tencent để truyền hình trực tiếp trận đấu và triển khai các chương trình khác. Ngoài trị giá ước khoảng 500 triệu USD trong hơn 5 năm, vụ giao dịch này còn đem lại cho NBA thêm 200 triệu USD khác như phần chia sẻ doanh thu của Tencent trong thị trường có hơn 300 triệu người chơi bóng rổ.
Sal Galatioto – chủ tịch công ty tư vấn và tài chính thể thao Galatioto Sports Partners – khẳng định: “Có nhiều khách hàng tiềm năng đã liên hệ với tôi để tìm hiểu về việc đầu tư vào thương hiệu NBA”.
Vậy là tới nay, điểm trừ hiếm hoi của NBA xem ra chỉ còn là lương bổng của VĐV: Hầu như không biến động kể từ năm 2011 với mức bình quân khoảng 5 triệu USD. Tuy nhiên, giới VĐV đang kỳ vọng con số này sẽ tăng lên đến 6 triệu USD nhờ tác động của bản quyền truyền hình mới.
Bên cạnh đó, quỹ lương trần hiện nay của các CLB là 70 triệu USD, nhưng dự kiến tăng đến 108 triệu USD ở mùa 2017-18 với mức lương bình quân đạt tới 8 triệu USD. Như vậy, 10 VĐV có thu nhập cao nhất NBA sắp tới rất có thể đạt được tổng lương 391 triệu USD/mùa.