Trước mùa giải năm nay, Ban tổ chức NBA quyết định hủy bỏ sự kiện All-Star tại Indianapolis để "đảm bảo sức khỏe cộng đồng", đồng thời giúp các cầu thủ có thời gian hồi phục giữa một lịch thi đấu dày đặc. Suy nghĩ ấy nhanh chóng bị gạt bỏ, khi giải đấu lật ngược ý định và ấn định thời gian tổ chức một sự kiện All-Star khác tại Atlanta.
Ngay lập tức, các ngôi sao lớn nhất giải đấu như LeBron James, Giannis Antetokounmpo hay Kawhi Leonard đồng loạt phản đối. LeBron gọi đây là "cái tát vào mặt" và tuyên bố không có ai đủ sức lực và hào hứng để thi đấu All-Star Game tại Atlanta.
Không khó để hiểu tại sao LeBron James giận giữ đến vậy. Ngôi sao của LA Lakers và các đồng đội chỉ có 71 ngày nghỉ ngơi sau loạt trận Finals mùa trước, thi đấu 72 trận mùa giải chính trong vòng 5 tháng, đấu Playoffs tới cuối tháng 7 và sẽ ngay lập tức chuẩn bị cho mùa giải mới bắt đầu vào tháng 10 - đó là trong trường hợp anh không thi đấu tại Olympic.
NBA All-Star 2021 không chỉ lấy đi thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi của các ngôi sao hàng đầu, mà còn có thể dẫn tới nguy cơ phức tạp hóa tình hình dịch bệnh. NBA có một quy tắc phòng dịch kỹ lưỡng, nhưng họ đã phải hoãn tới 24 trận đấu ở mùa giải năm nay. Không ai dám chắc một sự kiện tụ tập đông người từ khắp nơi trên nước Mỹ không dẫn tới tình huống siêu lây nhiễm COVID-19.
Đứng trước những cán cân, hẳn Ban tổ chức NBA phải nhìn thấy nguồn lợi rất lớn mới dám đi tới việc lật ngược quyết định. Như De'Aaron Fox đã nói: "Rõ ràng đây là thế giới kim tiền, và tất cả xoay quanh nó".
Vậy ai được lợi từ NBA All-Star Game? Và họ được lợi ra sao?
Thoạt nhìn, Atlanta là địa điểm tổ chức lý tưởng với nhiều bên, đặc biệt là công ty truyền hình Turner Sports. TNT nắm giữ bản quyền phát sóng All-Star Weekend và đương nhiên họ muốn bán thêm nhiều khung quảng cáo với một sự kiện lớn như All-Star.
Bên cạnh đó, Turner Sports có trụ sợ tại Atlanta, đồng nghĩa với việc họ không phải bỏ ra nhiều vốn để chiếu trực tiếp sự kiện này. Theo nghiên cứu năm 2017, chi phí nhà đài bỏ ra để phát sóng lên tới gần 1,5 triệu USD, dù họ không phải bỏ ra thêm đồng nào để có được quyền truyền hình trực tiếp sự kiện đắt giá này.
Nhưng quan trọng hơn, sự kiện All-Star có thể cứu vớt rating cho nhà đài. Lượng người xem NBA đã sụt giảm đáng kể trong năm 2020 vì nhiều lý do khác nhau. Với một mùa giải ngắn ngủi hơn thường lệ, doanh thu của các đài truyền hình sẽ nhỏ đi. NBA không muốn tiền bản quyền truyền hình ít đi, và họ cần bù cho nhà đài một số lợi ích kinh tế nhất định.
Hơn nữa, Atlanta đang là một trong số ít những thành phố chống dịch tốt và State Farm Arena là sân bóng hiếm hoi cho khán giả ngồi ghế Courtside. Những người ngồi ghế Courtside thường không thiếu tiền. Sự kiện All-Star có thể thu hút nhiều người giàu tới đây và chi tiền mua vé, vật phẩm, ...
Thống kê năm 2017 cho thấy sự kiện All-Star Weekend kích thích các khán giả giàu có bỏ ra tới 23,7 triệu USD ngay trong sân. Các ngành kinh doanh của bang Lousiana năm đó tăng thu nhập lên hơn 82 triệu USD, và người lao động cũng nhận mức thu nhập tăng 24,7 triệu USD. Những con số năm nay có thể không cao như vậy, nhưng có lẽ là đủ để kích thích kinh tế bang Texas sau một năm bị COVID-19 tàn phá.
Sau cùng, một sự kiện tổ chức tại Atlanta sẽ là minh chứng cho thấy NBA vẫn ủng hộ các phong trào chống phân biệt chủng tộc, đòi lại công bằng xã hội. Hậu vệ Chris Paul cùng đại diện Hiệp hội Cầu thủ NBA đều ủng hộ nhiệt tình khi sự kiện All-Star sẽ có mặt tại quê hương của nhà hoạt động quá cố Martin Luther King. Nhiều tổ chức chính trị - xã hội cũng sẽ gửi sự ủng hộ nhiệt tình không kém, vô tình gia tăng vị thế của giải đấu.
Những lợi ích về kinh tế, chính trị, xã hội đã khiến Ban tổ chức NBA thay đổi, ra sức vắt kiệt những giọt mồ hội của các ngôi sao hàng đầu. Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ từng là nơi tiên phong trong việc nâng cao vị thế của các vận động viên, biến họ trở thành những ngôi sao, để rồi những ngôi sao ấy đem lại thêm những đồng lãi cho họ.